Nói "giáo dục ở nhà trường là vô ích" e rằng quá... cực đoan.

Đấy là phát ngôn của ông Phó Đức Tùng, Tiến sĩ, Kiến trúc sư, từng học kinh tế, triết học tại Đức (không rõ Cộng hòa Dân chủ Đức, hay Cộng hòa Liên bang Đức) trong bài phỏng vấn của VNN ngày 4/5/2012, nhân triển lãm tranh của cậu bé có tên Tuấn Kiệt, 9 tuổi, người "sợ đến trường như sợ bệnh".

Sự kiện một cậu bé 9 tuổi có tranh triển lãm, dù như vậy cũng là khá tài năng, nhưng không còn là chuyện lạ. Không lạ, vì xã hội ngày càng được chứng kiến nhiều "thần đồng" trên nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ bài viết không tiện kể ra.

Cũng như từ khi xã hội loài người biết đến trường học, không thiếu trẻ em như Kiệt, sợ đến trường như sợ...cọp.

Tại sao sợ? Trong khi "tự do, độc lập, có cơm ăn, áo mặc, được học hành" là khát vọng của nhân loại của nhiều thế kỷ đã qua, của thế kỷ 21 và nhiều thế kỷ tiếp nối nữa.

Có những "lối đi riêng"

"Nhà trường" mà ông Phó Đức Tùng đề cập là nhà trường nào? Nhà trường ở đâu? Số trẻ em tuổi tiểu học như bé Kiệt không thích (sợ) đến trường là bao nhiêu?

Trước câu chuyện này, liệu các nhà quản lí giáo dục, các nhà giáo dục, nhà sư phạm có nên "để tâm" đến không?

Nếu có nhiều học sinh bỏ học tại một trường, một vùng vào một thời điểm thì phải quan tâm ngay lập tức. Còn một vài em không thích học...thì quan tâm làm gì.

Tôi nhận được câu trả lời như thế từ một số thầy giáo mà tôi cho là rất tâm huyết với giáo dục. Họ còn nói thêm: Trong tất cả cái muốn của con người thì muốn học tập, muốn đến trường là cái muốn đáng trân trọng nhất, đáng yêu nhất. Các quốc gia phải tạo điều kiện cho mọi người thỏa mãn sự muốn ấy. Nếu ai không muốn, ai khước từ thì...chiều họ. Họ có lối đi riêng(?)

Vậy thì, cái chuyện cậu bé Kiệt sợ đến trường, quan tâm làm gì. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là theo "sư phụ" của bé Kiệt: Giáo dục ở nhà trường là vô ích!


Vũ Tuấn Kiệt và các bức tranh do em vẽ

Rất có thể là vô ích với một số học trò quá thông minh, quá tuấn kiệt. Kiến thức ở nhà trường như một chiếc áo quá hẹp. Các cháu như Tuấn Kiệt, cần một (nhiều) cái áo rộng hơn(?).

Chúng ta cũng đã từng biết nhiều người học ít (khác với ít học), chỉ có bằng Tiểu học (thời Pháp thuộc gọi là Certificat), bằng PTCS (Diplome), hoặc cao lắm là PTTH (baccalaureat) nhưng đã có nhiều tác phẩm, nhiều công trình, nhiều đóng góp để đời.

Học ít, vì điều kiện không cho phép họ học nhiều, nhưng họ luôn tự học, tự nâng cao trình độ, nên nền tảng học vấn của họ rất cao. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều người Việt, trong thế kỷ 20, trên nhiều lĩnh vực để chứng minh cho điều nói ở trên.

Nói "giáo dục ở nhà trường là vô ích" e rằng quá... cực đoan.

Mong đến lớp như mong đến nơi... hò hẹn

Để nhà trường ít "vô ích" thì, những câu hỏi không mới của các nhà trường, của từng thầy (cô) trực tiếp đứng lớp là: Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Dạy bằng(với) cái gì?

Để trả lời mấy câu hỏi rất cũ trên đòi hỏi rất nhiều công sức.

Lâu nay, ở nhiều cấp học, hình như chúng ta vẫn dạy những cái quá cũ, những cái xã hội không còn cần, những cái rất giáo điều. Ở bậc đại học, nhiều giáo trình "mọc râu" vẫn được dùng cho đến nay. Sinh viên ngủ trên lớp là điều không lạ. Nhiều kiến thức mới chưa kịp cập nhật. Nhiều kỹ năng cơ bản chưa được dạy....

Nghề dạy học cũng là một nghệ thuật. Tại các quốc gia phát triển các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên được coi là trường "nghệ thuật", nên ngay khi tuyển sinh (đầu vào) luôn có yêu cầu riêng (năng khiếu).

Dạy như thế nào để người học "mê", chỉ mong đến lớp như mong đến nơi hò hẹn...là nghệ thuật của ông thầy. "Không có trò dốt, chỉ có thầy dốt". Người viết bài không hoàn toàn đồng ý với nhận xét này. Vì thầy có giỏi đến đâu, nhà trường có uy tín đến đâu cũng chỉ đóng góp cho thành công của người học đến vài chục phần trăm. Các cụ dạy "không thầy đố mày làm nên", và các cụ cũng dạy "học một phải cố biết mười" là thế.

Dạy như thế nào để người học "mê", chỉ mong đến lớp như mong đến nơi... hò hẹn, là nghệ thuật của ông thầy. "Không có trò dốt, chỉ có thầy dốt". Người viết bài không hoàn toàn đồng ý với nhận xét này. Vì thầy có giỏi đến đâu, nhà trường có uy tín đến đâu cũng chỉ đóng góp cho thành công của người học đến vài chục phần trăm. Các cụ dạy "không thầy đố mày làm nên", và các cụ cũng dạy "học một phải cố biết mười" là thế.

Dạy học là một nghề trong hàng trăm nghề của xã hội hiện đại. Nghề nào cũng cao quí. Nghề dạy học còn đòi hỏi nhiều phẩm chất mà các thầy, cô phải trau dồi hàng ngày, và xã hội phải tạo điều kiện để họ phát huy. Đừng để cơm áo nhấn họ xuống sát đất.

Về phần mình, các thầy cô hãy luôn là ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ. Không chỉ trang bị cho người học kiến thức (kỹ năng cứng) mà rất cần những kỹ năng mềm (ngoài kiến thức). Người thầy không nên, và không chỉ là chim sơn ca, hay con vẹt. Người thầy còn cần là người phản biện xã hội.

Nghịch lý cần thay đổi

Với bảng đen, phấn trắng? Cái đó chưa bao giờ cũ. Tuy nhiên, ngày nay, nếu chỉ có bảng đen phấn trắng...thì e rằng chưa đủ.

Nhà trường cần hiện đại, trang thiết bị dạy học cần hiện đại. Để có được "hiện đại", vai trò của Nhà nước và xã hội vô cùng quan trọng. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lãi nhất. Chẳng thế, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định "Giáo dục là quốc sách". Nhưng đầu tư như thế nào, hình như vẫn còn là một bài toán...chưa có lời giải thích đáng.

Nhiều trang thiết bị hiện đại đưa về trường chỉ dừng lại...để trưng bày, làm mẫu hoặc đưa ra giới thiệu khi có khách thăm. Không đồng bộ, ít được sử dụng, và chờ... thanh lí.

Đầu tư dàn trải, lãng phí và cuối cùng, bảng đen phấn trắng vẫn có hiệu quả hơn là một nghịch lí mà tất cả những ai quan tâm đến giáo dục cần có nhiều tiếng nói.

Đinh Việt Bình