Nhìn vào bất kỳ sạp báo nào, không khỏi lo lắng cho tương lai thể loại tạp chí nói riêng và báo chí nói chung. Đã có thời trên sạp báo hay trên quầy báo trong nhà sách hay bưu điện, chúng ta thấy nổi bật các tạp chí chuyên ngành về văn học, nghệ thuật, vừa phong phú về đề tài vừa có giá trị về mặt thông tin.
Hầu như ngành nào cũng có tạp chí riêng từ hội họa đến điện ảnh, từ văn học nước ngoài đến nghiên cứu lịch sử. Nay các tạp chí như thế dần biến mất.
Hiện nay các tờ báo nghiêm túc, dù không nhận đồng xu nào từ ngân sách nhà nước và phải tự xoay xở như một doanh nghiệp về mặt tài chính, về mặt nguyên tắc, vẫn còn bị ràng buộc bởi cái gọi là "cơ chế tự chủ tài chính" trong việc trả lương cho nhân viên nên dần dần mất người bỏ sang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài. |
Không lẽ nền văn hóa Việt Nam không còn gì để viết nên nhiều cơ quan báo chí mua lại nội dung báo nước ngoài để dịch và "nội địa hóa" tại Việt Nam?
Trong một bài viết ngắn không thể nào bao quát để lý giải vì sao các tạp chí đứng đắn, cần thiết cho đời sống tinh thần của một xã hội bình thường lại biến mất, vì sao loại tạp chí giật gân "đắt tiền" lại chiếm ưu thế.
Nhưng những người có trách nhiệm không thể không lên tiếng về tình trạng này; không thể không tìm cách cân bằng trở lại giữa loại tạp chí giải trí đơn thuần và tạp chí phục vụ chuyển tải kiến thức, phản ánh đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của một xã hội.
Đáng tiếc, xu hướng ngược lại là xin giải thể các tờ báo như Thế giới mới chủ yếu cũng vì lý do kinh tế.
Một số tạp chí có măng sét bằng tiếng nước ngoài tại sạp báo |
Thế giới mới là tờ báo của ngành giáo dục với cơ quan chủ quản là Nhà xuất bản Giáo dục. Đây là một mô hình có nhiều bất cập, khó lòng để cho Thế giới mới nhảy vào các vấn đề tiêu cực đang nóng của ngành giáo dục, đang được các báo khác đề cập một cách đậm nét.
Lý do ai cũng hiểu là không lẽ một tờ báo của ngành giáo dục lại đăng bài phê phán chính ngành mình! Mà một tờ báo của ngành lại không nói gì về ngành đó cả (nói theo nghĩa bàn cho cặn kẽ các vấn đề nổi lên) thì chắc chắn trước sau gì độc giả cũng quay lưng.
Đã vậy không trông mong gì Thế giới mới có bài khách quan về hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục!
Đây không phải là hiện tượng riêng lẻ với Thế giới mới mà xảy ra với đa phần các tờ báo hiện nay. Một tờ báo của Bộ Y tế khó lòng nêu lên những yếu kém của bộ máy quản lý ngành; một tờ báo của Hà Nội khó lòng làm phóng sự về những lỗ hổng trong quản lý đô thị tại thủ đô.
Thật ra đã có thời báo thuộc bộ, ngành nhưng vẫn lên tiếng mạnh mẽ về mặt trái của bộ, ngành đó vì lãnh đạo nơi đó biết sử dụng tờ báo làm kênh phản hồi thông tin giúp công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là giúp giám sát bộ máy bên dưới của mình.
Và cũng có tờ báo thuộc bộ, ngành chọn hướng đi là diễn đàn để bàn sâu những vấn đề trong ngành, ngõ hầu tìm giải pháp. Chẳng hạn, tờ Thế giới mới hoàn toàn có thể mở diễn đàn để giáo viên khắp cả nước lên tiếng về vấn đề dạy thêm - nên như thế nào cho trọn vẹn đôi đường.
Nói sao thì nói, tiền ngân sách rót cho các tờ báo của ngành, của địa phương mà ngành và địa phương chỉ xem báo như công cụ để đánh bóng cho bản thân ngành đó thì ngân sách đã bị lãng phí.
Cách hay nhất là chấm dứt mọi sự trợ cấp của ngân sách cho báo chí, chuyển các tờ báo cho các hội đoàn quản lý với cơ chế tài chính tự chủ - tự khắc nhiều vấn đề của làng báo sẽ được giải quyết.
Hoặc số đầu mối làm cơ quan chủ quản báo chí phải giảm mạnh đồng thời cho phép nơi trực tiếp làm ra tờ báo đứng tên chịu trách nhiệm, ít nhất là về mặt tự chủ tài chính.
Đã có thời việc liên kết với nhà xuất bản bị coi là chuyện trái phép, có làm thì cũng chỉ làm chui - nhưng sau một thời gian bên liên kết đã được chính thức thừa nhận, được đứng tên một cách đàng hoàng trên bìa sách như một pháp nhân độc lập.
Báo chí cũng nên được khuyến khích đi theo con đường đó với lộ trình từng bước, rõ ràng, ví dụ báo giải trí, báo khoa học kỹ thuật, báo kinh tế làm trước.
Chuyện quan trọng hơn là khía cạnh tài chính trong hoạt động báo chí. Thiết nghĩ mọi hình thức trợ cấp ngân sách cho hoạt động báo chí đều không đem lại hiệu quả.
Một khi độc giả đã quay lưng thì rót bao nhiêu tiền cũng không đem lại hiệu quả mong muốn. Với các tạp chí cần thiết cho xã hội nhưng người đọc quá ít như nghiên cứu chữ Nôm chẳng hạn thì phải được trợ cấp nhưng phải xem đó là trường hợp hãn hữu, có đề án rõ ràng, minh bạch.
Trong thực tế đơn vị báo chí cũng là doanh nghiệp. Hàng ngày, hàng giờ, cơ quan báo chí cũng phải đối diện với những câu hỏi y như của doanh nghiệp là làm sao chi trả lương, thưởng, nhuận bút ở mức độ thu hút được các cây bút giỏi, nhà báo có tay nghề.
Nhưng khó hơn doanh nghiệp, báo chí còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình chứ đâu thể chăm chăm vào chuyện tăng doanh thu để bị cuốn vào cơn lốc "lá cải hóa". Nếu báo chí "tự thu, tự chi" được thì cũng nên cho họ tự chủ thật sự về mặt tài chính như một doanh nghiệp.
Một nghịch lý hiện nay là các tờ báo nghiêm túc, dù không nhận đồng xu nào từ ngân sách nhà nước và phải tự xoay xở như một doanh nghiệp về mặt tài chính, về mặt nguyên tắc, vẫn còn bị ràng buộc bởi cái gọi là "cơ chế tự chủ tài chính" trong việc trả lương cho nhân viên nên dần dần mất người bỏ sang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài.
Việc trả lương chưa thỏa đáng, không tương xứng với khả năng đã buộc nhiều nhà báo có tên tuổi bỏ ra làm cho các tờ báo giải trí thuần túy. Các tờ báo này thường cũng là một dạng liên kết xuất bản với bên ngoài dưới hình thức hợp đồng quảng cáo, thiết kế... nên không bị ràng buộc bởi cơ chế trả lương theo Nhà nước nhờ đó thu hút được người có tay nghề làm báo. Rõ ràng sự khủng hoảng về nguồn nhân lực đã và đang diễn ra trong làng báo.
Ngoài nỗi lo về mặt tài chính, làm sao để có doanh thu để tự trang trải chi phí và nuôi sống bộ máy một cách đàng hoàng, các cơ quan báo chí còn phải tìm con đường phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin đang có những bước tiến vũ bão và đang tác động mạnh vào hoạt động báo chí.
Nói gì thì nói, con đường phát triển đó đòi hỏi phải có đầu tư, cả về mặt con người lẫn cơ sở vật chất. Nếu vì cơ chế tài chính chưa thông thoáng báo chí đành lỡ mất những cơ hội theo kịp đà tiến của xã hội, để lại trận địa cho các mạng xã hội mà thôi.
Ai cũng đồng tình báo chí trong vai trò là công cụ cung cấp thông tin cả hai chiều, cả từ chính quyền đến người dân và từ người dân phản hồi trở lại cho chính quyền.
Nếu chỉ dừng lại một trong hai vế này đều không đầy đủ như rơi vào xu hướng xem nặng chiều tuyên truyền hay bỏ lơ những vấn đề quan trọng của xã hội. Nghệ thuật là sử dụng được cả hai kênh thông tin và đồng thời không tốn tiền ngân sách nhà nước!
Nguyễn Vạn Phú (theo TBKTSG)