Tiếp theo Chỉ thị 15, ngày 31/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-Ttg về những giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề cập đến khái niệm “cách ly xã hội” cùng nhiều giải pháp thực hiện.

Sau khi Chỉ thị ban hành, một số người dân đã hiểu nhầm với việc phong tỏa, rồi đổ xô mua sắm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; một số ý kiến cũng cho rằng khái niệm “cách ly xã hội” chưa có trong các đạo luật. 

Trước thực tế đó, tôi xin bày tỏ một số vấn đề như sau: 

Thứ nhất, phải khẳng định việc ban hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 30 Luật tổ chức CP. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà là văn bản áp dụng pháp luật vào một hoặc một số tình huống pháp lý cụ thể để điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt trong cả nước. Trong hoạt động chấp hành và điều hành, thì chỉ thị của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước có tính mệnh lệnh. 

{keywords}
Công an đang kiểm tra người không đeo khẩu trang ở Hà Nội.

Thứ hai, theo quy định của các văn bản pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các tình huống cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phải có các Chỉ thị để đáp ứng ngay với diễn biến cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Theo đó, nội dung Chỉ thị 16/CT-Ttg là các giải pháp cụ thể, yêu cầu các cơ quan nhà nước, tập thể, cá nhân trên phạm vi cả nước phải tuân thủ triệt để, nhằm thực hiện đúng đắn những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một tình huống có diễn biến nhanh chóng, nếu không phản ứng ngay lập tức, thì hậu quả sẽ khôn lường. 

Thứ ba, hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật đang tồn tại một số khái niệm “giới nghiêm”, “thiết quân luật”, “tình trạng khẩn cấp” và việc ban bố các tình huống ấy đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và thủ tục cần thiết, không thể triển khai ngay lập tức để ứng phó kịp với biến thiên của một tình huống nảy sinh cụ thể trong thực tiễn. Tôi tin, Chính phủ đã lường định tình hình và đã chuẩn bị kịch bản khi có các tình huống thay đổi trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, những ngày qua, tình huống dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân ở hầu hết khu vực trong cả nước. Tình hình ấy chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng lại cần có phản ứng nhanh bằng một loạt giải pháp phù hợp.

Đó chính là lý do xuất hiện thuật ngữ “cách ly xã hội” để diễn đạt tình huống mới phát sinh, rất khẩn trương, phải duy trì khoảng cách nhất định giữa các cá nhân, cộng đồng trong một không gian cụ thể, với sự hạn chế tạm thời một số hành vi của các chủ thể có liên quan, nhằm bảo toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, mà nếu không ngăn chặn kịp thời, thì hậu quả xấu sẽ xảy ra. Đây thực chất là các giải pháp điều hành linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ trong áp dụng pháp luật, hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật chuyên ngành. 

Cần hiểu rằng, áp dụng pháp luật cũng là một hoạt động sáng tạo. Nó phù hợp với sự biến đổi của các quan hệ xã hội, các tình huống pháp lý diễn ra trong thực tiễn, mà các quy phạm pháp luật không thể quy định một cách máy móc. 

Chúng ta hãy cùng nhau chung sức, đồng lòng để đập tan đại dịch Covid-19. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân