LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

“Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi”, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như vậy tại một hội nghị của Đảng ngày 21/3/2019. 

Không chỉ có thế, trước đó, cùng với việc lập Tiểu ban nhân sự, Trung ương đã lập  một số tiểu ban khác về kinh tế, văn kiện,…để cùng tiến hành đồng bộ các công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. 

Mỗi kỳ đại hội Đảng là mỗi kỳ nhân dân mở lòng của mình để cùng với ý Đảng tạo ra những đột phá mới cho đất nước. 

Đại hội VI đã quyết định khởi động công cuộc Đổi Mới, đưa đất nước vào đường băng phát triển. Sau đại hội này, nhân dân kỳ vọng sẽ tới ngày Việt Nam cất cánh đến hùng cường. 

Tuy nhiên, nhiều kỳ đại hội nữa của Đảng đã qua, kỳ vọng đó vẫn chưa thành. Nay, Đảng đang chuẩn bị Đại hội XIII, nhân dân lại thắp lên kỳ vọng về đất nước được cất cánh. 

Mong rằng Ý Đảng, Lòng Dân sẽ quyện lại làm một trong kỳ vọng này. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, nhiều vấn đề thiết yếu đã lộ rõ, cần được chuẩn bị ở mức tối ưu để đi tới được quyết định cuối cùng của đại hội kỳ này. 

{keywords}
Chuẩn bị cho đất nước cất cánh

Trước hết, thức tỉnh những kẻ “đang ngủ quên bên vòng nguyệt quế” 

Đây là một thực tế gây nhức nhối trong niềm tin của nhân dân. Đất nước đã và sẽ không thể cất cánh được vì bộ phận đang ngủ quên này. Họ là những người có chức có quyền, là người đứng đầu nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị. Khi họ ngủ quên thì chức quyền do họ nắm giữ chẳng những không giúp gì cho nhân dân, ngược lại còn bị lợi dụng để làm hại nhân dân. 

Trong những kẻ đang ngủ quên này, một số ít đã bị trừng trị, một số lớn hơn được thả lỏng vào “sợi dây rút kinh nghiêm”, số lớn nhất đã nhúng chàm nhưng còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

Nhân dân mong muốn rằng, chuẩn bị Đại hội XIII không chỉ là công việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo, hội nghị…mà còn là hành động cụ thể để thức tỉnh những bộ phận đang ngủ quên, trong đó ai đã chót nhúng chàm thì ra đầu thú, ai trong ‘sợi dây rút kinh nghiệm’ thì dứt khoát không được tái nhiệm, ai còn nhởn nhơ ngoài xã hội thì phải bị cương tỏa bởi pháp luật. 

Tất cả những kẻ đang ngủ quên này không được bén mảng vào bất cứ công đoạn nào của đại hội để gây khó dễ. 

Thứ hai, giải tỏa những khâu trì trệ 

Có những trì trệ một năm, một nhiệm kỳ và cả những trì trệ trong nhiều nhiệm kỳ. Tất cả những trì trệ đó hợp lại, đã níu kéo đất nước tụt hậu so với các nước đã tiến xa trong khu vực và trên thế giới. 

Dễ thấy nhất là trì trệ trong sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Trì trệ này Đảng, Nhà nước và Nhân dân đều đã nhận thấy nhưng đành bó tay từ vài nhiệm kỳ qua, nay cần phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, không đơn thuần đổ lỗi cho tập thể. 

Nếu việc này được chuẩn bị kỹ trước đại hội cả về chủ trương và biện pháp thì Đại hội XIII sẽ mở đầu một nhiệm kỳ đủ để kết thúc quá trình sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo đột phá để đi vào thời kỳ thực sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. 

Khó thấy hơn, đó là trì trệ trong đổi mới tư duy. Tình trạng tư duy đi sau thực tiễn đã khiến không ít vấn đề từ thực tiễn đặt ra và cần được giải quyết đã phải xếp hàng chờ đợi sự đổi mới của tư duy. 

Dân gian đã có câu ví “đổi mới thì đổi mới đi, cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn”. Tư duy là quá trình đi tìm chân lý. Nhân dân đã đúng khi coi trọng quá trình này, nhưng luôn đặt thực tiễn cao hơn chân lý, lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Thực trạng xếp hàng trên đây cho thấy sự đuối tầm của công tác tổng kết thực tiễn. 

Việc chuẩn bị đại hội kỳ này, nhân dân chờ đợi nhiều vào việc tổng kết thực tiễn của Việt Nam để từ đó có những phát kiến mới về tư duy lý luận, chứ không phải ngược lại. 

Một trong những vấn đề lớn cần tổng kết, đó là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Về vấn đề này, những gì đã rõ thì quyết để làm, những gì chưa rõ thì không buộc thực tiễn phải chờ đợi.  

Những đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch chớp được thời cơ, không bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh chính là những quyết định phù hợp với phép biện chứng, không cần chờ đợi phải có tư duy gì mới, cao siêu  mới dám làm. 

Thứ ba, khởi động quá trình đổi mới bộ máy công quyền 

Nói là khởi động bởi việc này chưa từng làm; nói là đổi mới bởi từ trước đến nay, bộ máy chỉ được cải cách; nói là bộ máy công quyền bởi không chỉ là bộ máy quản lý của Nhà nước mà còn là bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy làm chủ của Nhân dân. 

Ngay từ Đại hội XII, báo cáo chính trị đã chỉ rõ “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế”. Tình trạng này vẫn kéo dài tới hiện nay. Nhân dân hy vọng việc chuẩn bị Đại hội XIII đang được tiến hành sẽ giúp có được một quyết định kết thúc sự kéo dài đó với tên gọi “khởi động đổi mới bộ máy công quyền”, trong đó: 

Về Đảng, ở trung ương, bộ máy Đảng làm đường lối, chủ trương, phương hướng, chính sách chung phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của đất nước; đồng thời thực hiện các công việc riêng của Đảng về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo,… 

Ở địa phương, các cấp bộ Đảng không làm các công việc giống như trung ương (về đường lối, chủ trương, phương hướng, chính sách chung trong phạm vi địa phương), chỉ tập trung vào các công việc riêng của Đảng (về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo…trong phạm vi đảng bộ địa phương). 

Về Nhà nước, ở trung ương, bộ máy gồm ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp; còn ở địa phương chỉ có ngành hành pháp. Các tổ chức tư pháp ở địa phương đều thuộc ngành dọc cả về mặt nhà nước và đảng đoàn. Người đứng đầu ngành tư pháp có vị trí trong Đảng tương đương với người đứng đầu ngành lập pháp và hành pháp. 

Về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, sau nhiều lần cải cách, các tổ chức này đã ngày càng cồng kềnh, hình thức, kém hiệu lực và hiệu quả. Nay cần được tổ chức lại như đã được qui định tại Điều 58, Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp rất tiến bộ.

Cụ thể là “Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Ủy ban hành chính”, “Ở huyện, chỉ có Ủy ban hành chính”, “Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra”. Điều 59 qui định “Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc về địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên”. 

Về Mặt trận tổ quốc, bộ máy của hệ thống này cũng cần được đổi mới tương xứng với những đổi mới của bộ máy Đảng và Nhà nước, bớt đi tính hình thức, tăng lên tính hiệu quả, giảm đi những chi tiêu không đáng có của ngân sách nhà nước. 

Cuối cùng, hướng về Đại hội Đảng, điều dĩ bất biến của lòng dân, đó là mong Đảng thật sự vững mạnh, cán bộ lãnh đạo đồng thời là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đất nước được cất cánh tới hùng cường. 

Trong dĩ bất biến đó, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước, Mặt trận luôn ứng vạn biến kể cả về tư duy và hành động để chớp được thời cơ, vượt được thách thức, sớm đưa đất nước đứng vào đội ngũ các quốc gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới về những gì thuộc thế mạnh và đặc sắc của Việt Nam. 

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn