Ngày mai, sự việc các bậc phụ huynh đạp đổ cánh cổng Trường Thực nghiệm sẽ chỉ còn là một câu chuyện đàm tiếu. Nhưng "bóng ma" của Trường Thực nghiệm sẽ còn ám ảnh nền giáo dục trừ phi người ta nhìn thẳng vào sự thật.

Sự việc các bậc phụ huynh chen lấn xô đẩy đạp đổ cánh cổng Trường PTCS Thực nghiệm ở 50-52 phố Liễu Giai, Hà Nội đêm 12 rạng sáng ngày 13/ 5 hòng kiếm một suất cho con mình vào học trường này đã làm nhiều người "biết chuyện" (trong đó có người viết bài này) phải ngạc nhiên.

Một nửa sự thật không phải là sự thật!

Đã hơn 10 năm nay, "Trường Thực nghiệm" chỉ còn là một... cái tên, không hơn không kém! Toàn bộ chương trình học và toàn bộ cách tổ chức cuộc sống của học sinh ở trong trường này đều là bản sao nguyên xi của tất cả các trường khác trong cả nước. Khi công trình thực nghiệm Công nghệ Giáo dục (CGD) không còn nữa thì người ta thực nghiệm cái gì ở đây?!

Điều gây ngạc nhiên nằm ở chỗ đến tận hôm nay vẫn còn nhiều đến thế những phụ huynh bị hấp dẫn bởi chữ "thực nghiệm"! Nếu đúng vậy thì đó phần nào là điều may mắn cho nền giáo dục nước nhà. Nhưng sự thực lại không phải vậy.

Phụ huynh chọn trường này có lẽ bởi vì ngôi trường nằm trên một khu đất rộng ở một vị trí tuyệt đẹp. Hoặc giả ngôi trường này là nơi Ngô Bảo Châu- người đoạt Giải Fields danh giá từng theo học? Hoặc, hoặc và hoặc. Tất cả chỉ là phỏng đoán!

Tâm lý hoang mang, hỗn loạn bao giờ cũng bắt nguồn từ sự việc kiểu như vậy - bắt nguồn sự không thể tìm thấy một câu trả lời thỏa đáng cho một sự việc. Không thể tìm thấy một lời giải thích thấu đáo. Than vãn ủy mị lúc này về một hành động thực chất là bột phát của một đám đông, cũng chẳng để làm gì cả.

Ở một thái cực ngược lại, những tiếng nói quyết liệt hơn, thậm chí "dữ tợn" chẳng hạn như cổ vũ cho hành động đạp đổ cổng và kêu đòi đạp đổ cả những "cánh cổng" khác nữa, cũng không phải là cách giúp đem lại câu trả lời. Tất cả vẫn chỉ là lên tiếng phẫn nộ hoặc tìm cách đổ lỗi chung chung... Không ai biết được thực chất vấn đề nằm ở cái gọi là Chương trình năm 2000, gọi tắt là CT2000.

Ngay cả sự lên tiếng của GS Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của Công nghệ Giáo dục và Trường tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ (trước đây), giờ cũng đã yếu ớt, khác hẳn tiếng nói đầy dũng khí của ông ngày nào: "Tại sao mô hình có rồi lại không nhân ra để phụ huynh khỏi chen lấn? Người ta đã đổ tiền tỷ vào làm CT 2000  để thu lại sự không bằng lòng của "khách hàng" là phụ huynh. Cuối cùng, đọng lại chỉ là thành tích của lợi ích nhóm".

Ngay cả phát biểu của Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học Lê Tiến Thành ngày 14/5 rằng "không thể triển khai đại trà mô hình trường Thực nghiệm" cũng chỉ là một phát biểu theo cách nói... cho có và mới chỉ là một nửa sự thật. Nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật!

Sự thật là bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới cũng đều có các trường thực nghiệm. Đó là các trường tạm gọi là đi theo một đường lối giáo dục "mới hơn" so với nhà trường chính quy hiện hành. Các trường như vậy có thể được gọi bằng tên chung là một "progressive school" (trường tiến bộ) hoặc đôi khi được gọi thẳng thừng là một "experimental school" như trường hợp ở Việt Nam.

Một trường thực nghiệm có thể thuộc sở hữu hoặc tư nhân hoặc một trường đại học hoặc một tổ chức giáo dục nào đó. Không có luật nào của bất cứ đất nước nào bắt buộc phải áp dụng đại trà một mô hình thực nghiệm giáo dục. Song, một nền giáo dục hoàn toàn có thể áp dụng đại trà một thực nghiệm thành công nào đó.

Các phụ huynh chen chúc xếp hàng chờ mua đơn cho con. Ảnh:  Infonet.vn

...Và sự thật đáng buồn

Sự thật rành rành là cho tới trước khi CT2000 ra đời thì nền giáo dục Việt Nam đã đi theo hướng "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa": Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục làm ra và bộ sách giáo khoa của Công nghệ Giáo dục.

Sự thật là trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện đại trà Công nghệ Giáo dục, báo Nhân dân đã đưa: "Lần đầu tiên trong giáo dục nước ta, có một công trình nghiên cứu giáo dục được triển khai thực nghiệm có hệ thống về cuộc sống của trẻ em ở nhà trường phổ thông ngay từ lớp 1, trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và giáo dục lối sống. Đến nay, công trình đã xây dựng xong toàn bộ cơ sở lý luận về công nghệ giáo dục và hiện thực hóa đến các bộ môn tiểu học." (Báo Nhân dân, 21/ 7/1995).

Sự thật là cho đến năm 2000, 43 tỉnh/thành trong cả nước đã chấp nhận sách giáo khoa của Công nghệ Giáo dục.

Sự thật không thể lảng tránh là: Câu trả lời cho câu hỏi về số phận của Công nghệ Giáo dục - "Điều gì đang thực sự xảy ra đằng sau cánh cổng Trường Thực nghiệm?" - có thể được trả lời và chỉ có thể được trả lời bởi những "kiến trúc sư" của Chương trình CT 2000!

Vấn đề của mọi vấn đề nằm ở chỗ đó!

Sự thật đáng buồn là đùng một cái, năm học 2000-2001 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa!

Và, sự thật đáng buồn nhất là tháng 5 năm 2008, Công nghệ Giáo dục đã bị khai tử bằng một "quyết định hành chính" do Thứ trưởng Bành Tiến Long ký - GS Hồ Ngọc Đại đã phải cay đắng thốt lên "Công nghệ Giáo dục đã bị bóp mũi cho chết" (lời GS Hồ Ngọc Đại trong diễn từ nhận giải Giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010).

Chẳng nhẽ số phận của một công trình thực nghiệm cải cách giáo dục liên quan đến hàng triệu trẻ em của đất nước và đã được chứng minh là thành công vậy mà rút cục lại được "giải quyết êm thấm", "nhẹ nhàng" đến vậy sao?

Ngày mai, sự việc phụ huynh đạp đổ cánh cổng Trường Thực nghiệm sẽ lắng xuống rồi dần chìm vào quên lãng. Niên học mới sẽ bắt đầu và sẽ chẳng còn ai nhớ lại sự kiện tuy nhỏ này nhưng chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện, biết bao nỗi niềm.

Và tất nhiên sẽ có không ít người đang nín thở chờ đợi cho câu chuyện đáng buồn này sớm lắng xuống. Ngày mai, sự việc phụ huynh đạp đổ cánh cổng Trường Thực nghiệm sẽ chỉ còn là một câu chuyện đàm tiếu. Nhưng "bóng ma" của Trường Thực nghiệm sẽ còn ám ảnh nền giáo dục trừ phi người ta nhìn thẳng vào sự thật.

Sự thật không thể lảng tránh là: Câu trả lời cho câu hỏi về số phận của Công nghệ Giáo dục - "Điều gì đang thực sự xảy ra đằng sau cánh cổng Trường Thực nghiệm?" - có thể được trả lời và chỉ có thể được trả lời bởi những "kiến trúc sư" của Chương trình CT 2000!

Vấn đề của mọi vấn đề nằm ở chỗ đó!

Phạm Anh Tuấn