-  Liệu chúng ta có học được cách quản lý chuyên nghiệp, trách nhiệm và rất văn hóa của người Pháp, trong cách xây dựng, quản lý công trình, từ cái vỉa hè?

Thân phận đa đoan?

Cái vỉa hè Hà Nội như có thân phận, chẳng giống ai. Nếu đem định nghĩa về vỉa hè trong từ điển tiếng Việt ra soi, thì cái vỉa hè thuộc phố xá Hà Nội thực tế nó rất khác xa.

Không biết từ bao giờ, con người đã quàng cho cái vỉa hè thêm nhiều công năng, từ thứ công năng lùi xùi thời bao cấp như bơm vá xe, cắt tóc, tào phớ, chè chén, thuốc lá cuộn, lạc rang húng lìu và trăm thứ mặt hàng bung ra thời “ tự cứu”, đến tưng bừng thời đổi mới, thị trường, mở cửa.

Vỉa hè thời hiện đại thành không gian mở cho nhà hàng, cửa hiệu, tiệc cưới, quán cà phê, bia hơi, điểm tập kết rác, vật liệu xây dựng, trông giữ ô tô, xe máy... Nó cũng thành sân khấu biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo hàng hóa, thành sân chơi cầu lông và nơi cho các bà các cô tập thể dục dưỡng sinh theo nhạc mỗi sáng...Vào giờ cao điểm hay dịp lễ tết, lòng đường đông cứng, tắc tị, thì vỉa hè thành “điểm đến”, xe máy cứ thế phóng lên, khiến người đi bộ không còn lối len chân.

Và còn nữa, vài thứ công năng, rất oái oăm, rất phản cảm, hàng ngày hồn nhiên vãi lên vỉa hè, không tiện liệt kê ra đây.

Tôi có nhiều người quen, từ nơi xa đến Hà Nội. Họ rất thích đi bộ trên những con phố Thủ đô, nhưng lại cảm thấy thiếu tự tin khi đặt chân trên nhiều vỉa hè đã không còn là không gian dành cho người đi bộ.

{keywords}
Phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, đoạn gần trụ sở một phường.

Sang trọng mà nhếch nhác, luật lệ mà bừa phứa, của chung mà thành của riêng...đấy là những cung bậc sắc thái đối lập, đan xen từ cái vỉa hè.

Vỉa hè là bộ mặt đô thị. Nhìn cái vỉa hè, người ta phần nào nhận thấy đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của đô thị. Người ta cũng nhận ra các mối quan hệ nổi, quan hệ chìm và thực chất trách nhiệm công vụ, năng lực quản lý đô thị của đội ngũ quan chức, công chức...

Sao lại thế, tại sao thế?

Tôi có một phần đời làm việc, sinh sống trên đất Thủ đô, “hộ khẩu Hà Nội” hẳn hoi, và tự nhận mình có tình yêu với Hà Nội, nhưng tôi luôn một tâm trạng dân ngụ cư. Nhìn cái cách người ta ứng xử với cái vỉa hè (và cả với không gian cây xanh nữa), tôi không sao hiểu nổi, trong đầu cứ cất lên câu hỏi sao lại thế, tại sao thế, Hà Nội là thế này sao?

Trong khoảng hơn 10 năm làm việc ở cơ quan có trụ sở trên một đoạn phố Bà Triệu, tôi chứng kiến ít nhất 4 lần người ta lật lên, thay mới vật liệu lát vỉa hè, từ xi măng đến xi măng; rồi từ xi măng đến loại gạch đúc bằng xi măng hình con sâu, lá dừa, hình lục giác. Gần đây nhất là lát đá, hình như là đá tự nhiên. Lần nào cũng thế, đoạn hè phố vừa được lát, mấy hôm sau đã sụt lún, nứt vỡ, xô lệch.

Không hiểu khâu giám sát, nghiệm thu kiểu gì, cũng không hiểu cái quy định bảo hành công trình trong xây dựng cơ bản có hiệu lực ở công trình lát vỉa hè này không, mà tất tần tật sự làm dối, làm ẩu phơi bày bên mặt phố nơi đông người qua lại mà vẫn không hề hấn gì! Có lúc tôi chợt nghĩ, kỹ thuật lát vỉa hè, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, ta cũng như tây, chắc không có sự khác biệt, sao Hà Nội hỏng nhanh, hỏng đồng loạt thế? Có vẻ như làm dối, làm ẩu, làm cho nhanh hỏng mới là đúng chuẩn? Rồi vỉa hè vừa lát xong, lại thấy “ông” cấp thoát nước, cáp viễn thông, điện chiếu sáng đào lên, chôn xuống. Sau mỗi lần đào lên chôn xuống là bỗng thành nham nhở, bong tróc, nhấp nhô.

Con phố Bà Triệu không chỉ là cá biệt. Những con phố thuộc hàng đẹp nhất Thủ đô như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo... cũng chung thân phận cái vỉa hè như thế. Có đoạn vừa lát đá thời gian ngắn, đã thành thứ gì đấy, chứ không phải vỉa hè. Đơn giá cho một mét vuông lát vỉa hè, tuỳ loại vật liệu, chắc chắn không hề rẻ. Thế nhưng chất lượng lại không thể tốt. Có dạo, người ta lấy sắt thép bao xung quanh gốc cây cổ thụ dọc vỉa hè, vừa khiến không gian cho người đi bộ bị thu hẹp, lại dễ nguy hiểm, mà cây xanh như bị cùm trói, trông càng nhếch nhác, bức bối.

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng...

“Nhà mặt phố, bố làm to”. Cái câu thành ngữ đời mới này còn đúng đến bây giờ. Nhà mặt phố gắn với đoạn vỉa hè đem lại giá trị lớn, cũng như nhà có ông bố làm quan to nhiều quan hệ, lắm bổng lộc. Vì thế cái vỉa hè, vốn là không gian chung, tài sản chung, mặc nhiên biến thành của riêng, của một cá nhân, gia đình, cơ quan, của một nhóm người...

Người ta nhìn vỉa hè là thứ tài nguyên có giá, không phải đầu tư, hoặc đầu tư không nhiều, mà thu lời ngay.

Thử quan sát các khoảng lề đường, vỉa hè được chiếm dụng làm bãi đậu ô tô, xe máy. Những người có được đặc ân này, họ là ai? Mỗi điểm trông giữ xe đó, một ngày thu bao nhiêu tiền? Bao nhiêu phần trăm trong số đó được nộp vào công quỹ?

Những đoạn vỉa hè, thành quán bia hơi, cà phê, tồn tại năm này qua năm khác, người dân được gì, thành phố được gì?

Thành phố có cả hệ thống thanh tra xây dựng, môi trường, giao thông cùng với hệ thống luật lệ quản lý đô thị, sao vẫn tồn tại tình trạng nhiều trường hợp xây nhà cửa, trụ sở lại chiếm luôn phần vỉa hè phía trước, kéo dài nhiều năm?

Tại sao việc lập lại trật tự vỉa hè cũng giống như việc xây lát vỉa hè cho tử tế, lại khó đến thế? Hàng năm đều có các đợt gọi là ra quân dọn dẹp vỉa hè, nhưng sau mấy hôm, lại đâu vào đấy?

Khi nhìn nhận vỉa hè là tài nguyên thì người ta tìm mọi cách khai thác để thu lợi. Lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, mối quan hệ thân hữu đều thể hiện rất rõ xung quanh việc xây lát tới việc quản lý thứ được xem là tài nguyên này.

Hà Nội phải xứng đáng “Thủ đô ta”, từ cách ứng xử với cái vỉa hè

Cách đây vài năm, Hà Nội đã khiến người dân cả nước buồn lòng vì cái cách ứng xử với cây xanh đường phố.

Bây giờ là cái vỉa hè.

Gì thì gì, Hà Nội phải luôn xứng đáng là “Thủ đô ta”, cả trong cách quy hoạch, thiết kế, xây lát đến cách quản lý, sử dụng vỉa hè.

Vỉa hè là một phần bộ mặt đô thị, ẩn chứa những câu chuyện lịch sử văn hoá, nơi lưu giữ và gợi mở những ký ức của cộng đồng và mỗi cá nhân. Đó, cũng là nơi, người dân Thủ đô và khách thập phương có thể quan sát, biểu thị thái độ hài lòng hay không hài lòng với chính quyền đô thị. Như thế, phải thay đổi cách ứng xử, về cơ bản, không thể như đã từng ứng xử. Chỉ cần gạt bỏ tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm; tiếp thu kinh nghiệm từ các đô thị trong nước và nước ngoài; tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, Hà Nội sẽ có những tuyến vỉa hè phù hợp với từng không gian, cảnh quan, tồn tại lâu bền.

Mấy hôm trước, khi câu chuyện vỉa hè Hà Nội đang nóng, một đồng nghiệp quen biết đã kể câu chuyện. Toà soạn nơi anh làm việc nằm trên phố Phan Đình Phùng. Đó là căn biệt thự từ thời Pháp. Cách đây vài năm, cơ quan anh nhận được thư từ Paris nước Pháp.

Nội dung lá thư, đại để, rằng, căn biệt thự mà các ngài đang sử dụng, được xây dựng từ năm...đến năm..., tiêu tốn hết chừng ấy loại vật liệu..., hoàn thành năm..., đến thời điểm này tròn 100 năm. Xét theo các căn cứ...đã hết hạn sử dụng. Chúng tôi lưu ý, nếu tiếp tục sử dụng, các ngài cần... Hiện hồ sơ biệt thự này đang được lưu tại...

Kể câu chuyện này, người bạn đồng nghiệp muốn nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong xây dựng, quản lý công trình đô thị của người Pháp. Căn biệt thự mà cơ quan anh đang sử dụng, có tuổi thọ hơn 100 năm, trải qua chiến tranh, mưa nắng, qua nhiều chủ sử dụng, nhưng không hề có lún, nứt, gạch, gỗ lát nền vẫn còn nguyên.

Liệu chúng ta có học được cách quản lý chuyên nghiệp, trách nhiệm và rất văn hóa của người Pháp, trong cách xây dựng, quản lý công trình, từ cái vỉa hè?

Uông Ngọc Dậu

Câu hỏi khó từ việc truy nguyên tài sản bất minh

Câu hỏi khó từ việc truy nguyên tài sản bất minh

Vì sao không truy nguyên nguồn gốc tài sản để tịch thu những tài sản không được giải trình hợp lý? Đây là câu hỏi rất lớn và cũng rất khó khăn cho việc đưa ra phương án giải quyết.     

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Số liệu chính thức của cơ quan nhà nước về tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng là quá thấp do có nguyên nhân từ sự yếu kém của công tác kiểm soát thu nhập.

Đặt tên đường phố: Tôi từng biết vài chuyện ‘khó tin’

Đặt tên đường phố: Tôi từng biết vài chuyện ‘khó tin’

Liên quan việc đặt tên đường phố, tôi từng biết và chứng kiến vài chuyện mà nay kể ra, nhiều người chắc cũng khó tin.  

Sổ đỏ làm nóng công luận

Sổ đỏ làm nóng công luận

Bản chất ở đây phải hiểu là chỉ ghi tên “những thành viên khác trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc/và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

20 năm Internet Việt Nam: Những kịch tính giờ mới kể

20 năm Internet Việt Nam: Những kịch tính giờ mới kể

“Ông Phạm Gia Khiêm gọi điện hỏi: ông có hiểu Internet là thế nào không? Tôi phải thú thật, mới được nhận nhiệm vụ nên cũng chưa hiểu lắm."