Hội đồng Nhân dân TP Hải Phòng ngày 28/2 đã thông qua tờ trình của UBND TP về việc tặng hơn 587.000 hộ dân bộ ấm chén và cờ tổ quốc, mỗi suất trị giá không quá 500.000 đồng trong khoảng tháng tháng 5 và tháng 6 tới đây.

Thông tin này đang dấy lên tranh cãi nhiều chiều. Một luồng ý kiến bày tỏ sự hoài nghi cho rằng, việc tặng quà là lãng phí nhất là vào thời điểm đang cần có nguồn lực để chống dịch Covid-19; số tiền lớn như vậy có thể xây dựng nhiều công trình giao thông, bệnh viện, trường học, khu vui chơi cho trẻ em;…

Ở góc độ ủng hộ, khảo sát của báo chí cho thấy, đa số người dân Hải Phòng, nhất là dân khu vực nông thôn ủng hộ, hào hứng chờ quà tặng từ chính quyền. Có người dân Hải Phòng cho rằng, tiền này thực chất cũng là tiền của dân, lấy tiền của dân tặng cho dân làm cả dân và lãnh đạo vui.

{keywords}
Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế của đất nước.

Cá nhân tôi cảm thấy thú vị khi theo dõi những luồng quan điểm này trên báo chí và các mạng xã hội. Những băn khoăn đó cho thấy người dân ngày càng quan tâm hơn đến những quyết định của chính quyền và cất lên tiếng nói, bày tỏ quan điểm trước những quyết định đó.

Tôi cũng rất thú vị khi thấy rất nhiều người ủng hộ, bày tỏ cảm kích trước tin chính quyền Hồng Kong tặng người dân từ 18 tuổi trở lên mỗi người 10.000 đôla Hong Kong (gần 1.300 USD) trong gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ đôla Hong Kong (15,4 tỷ USD) và Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp khoảng 80 USD/ngày cho những phụ huynh phải nghỉ việc ở nhà chăm con trong bối cảnh các trường học nước này đóng cửa vì Covid-19.

Trước đây vài năm, chính quyền ở một số quốc gia như Singapore, Phần Lan, Canada, Arab Saudi,… cũng từng phát tiền cho dân chúng dưới hình thức này hay khác để hỗ trợ họ. Tất nhiên, dư luận trong nước đều cảm thấy thích thú, thậm chí còn “ghen tỵ” với những chính sách như thế.

Kể chuyện thế giới để thấy, chuyện chính quyền “cho” dân tiền thường diễn ra ở những quốc gia giàu có bậc nhất với nguồn lực tài chính dồi dào.

Có lẽ, Hải Phòng là địa phương hiếm hoi chia tiền cho dân trong mấy năm gần đây. Thực tế, họ có quyền làm như vậy theo thẩm quyền trong Luật Ngân sách mà không cần xin ý kiến trung ương hay bất kỳ ý kiến ai khác.

Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, kinh tế Hải Phòng khởi sắc sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Vinfast,  LG Display, LG Electronics,… về đầu tư ở đây. Năm ngoái, thu ngân sách của Thành phố này đạt 90.000 tỷ đồng. Những thành tích đó là điều đáng mừng sau một thời gian dài Hải Phòng “ngủ quên”.

Tôi tin phân trần của ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, về quyết định tặng tiền, rằng công tác phòng, chống dịch của Hải Phòng rất tốt, đến nay chưa có ca nào dương tính với Covid-19, khẩu phần ăn đối với người nước ngoài hay Việt Nam đều ở mức cao, 150.000 đồng/người/ngày và học sinh được phát khẩu trang miễn phí đến mức “Có thể nói khó có địa phương nào có điều kiện cách ly tốt như ở đây”. Ông cũng cho biết, về chính sách với người có công, Tết nguyên đán vừa rồi Thành phố đã tặng 4 triệu đồng/người. Về hạ tầng giao thông, ông nói thêm thời gian qua thành phố cũng đã triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt, trường học đều khang trang, bệnh viện xây mới quy mô lớn, diện mạo thành phố được thay đổi từng ngày.

Những thông tin như trên quả là rất tích cực và công khai về thành tích kinh tế của Thành phố biển.

“Tặng” tiền cho dân là chính sách tốt mà không mấy địa phương làm được. Tất nhiên, vật tặng có dứt khoát phải là “ấm và cờ” hay không là điều đáng bàn và dứt khoát phải đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Cách dùng tiền, cách cho tiền phải hiệu quả, thiết thực thì người dân mới thấy cảm kích và chính quyền mới được mang tiếng thơm.

Chỉ làm như vậy mới thể hiện được ý tốt của lãnh đạo Hải Phòng, xua tan nghi ngờ trong không ít người dân và không lặp lại chuyện lùm xùm Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua ấm chén tặng dân cách đây hơn 2 năm.

Tư Giang