“Chương trình Hành trình của sự sống và cái chết đến với chúng tôi như một cơ duyên trời định. Thú thật tôi không hề có ý định phải đi cứu thế giới, hay tới một vùng chiến sự đầy rủi ro như Trung Đông.”

LTS: Chào quý độc giả đã đến với chuyên mục Gặp gỡ và Trò chuyện của Tuần Việt Nam/ báo VietNamNet. Xin trân trọng giới thiệu khách mời của chúng tôi hôm nay là nhà báo Lê Bình- Giám đốc VTV24.

Nhà báo Thu Hà: Hẳn nhiều người đã biết năm vừa rồi chị Lê Bình và các cộng sự đã có một chuyến đi vô cùng đặc biệt đến Trung Đông, được chứng kiến cận cảnh những con người cuống cuồng rời bỏ quê hương thân yêu, trốn chạy cái chết, trốn chạy sự tàn độc. Thưa chị Lê Bình, cơ duyên nào thôi thúc chị và các cộng sự chọn điểm đến là Trung Đông, nơi có quá nhiều bất ổn, là lò lửa của bạo lực?

Nhà báo Lê Bình: Thực ra, khi đi đến Trung Đông, kế hoạch đầu tiên của chúng tôi là thực hiện một đoạn trong tạp chí kinh tế năm, một chương trình mà chúng tôi cũng thực hiện hàng năm và cũng rất kỳ vọng là món quà đầu năm cho quí vị độc giả của chúng tôi.

Chúng tôi thực sự không có ý định làm bộ phim “Hành trình của sự sống và cái chết” định sẵn từ trước. Tuy nhiên, ý tưởng này đã đến một cách vô cùng tự nhiên.

Cũng thú thật với bạn, tôi không có ý định phải đi cứu thế giới hay là đi vào vùng chiến sự với rất nhiều rủi ro và nguy hiểm như Trung Đông.

Nhưng khi hòa lẫn vào những dòng người đang cuống cuồng chạy trốn khỏi cái chết, nhìn sâu vào đôi mắt của những đứa trẻ vô tội đang chịu đói khát, cực khổ cũng như chứng kiến những cuộc sống tận cùng của sự hoảng sợ không lối thoát…. ý tưởng làm bộ phim về họ nảy ra và thôi thúc chúng tôi không ngừng nghỉ phải làm điều cần làm. Đó là định mệnh.

Máu nghề nghiệp trong bốn anh chị em ê kíp của chúng tôi bùng phát. Chúng tôi không thể cưỡng lại bản năng nhiệt huyết làm báo và đã làm như trái tim và sự nhạy cảm mách bảo.

Nhà báo Thu Hà: Khi tận mắt chứng kiến thực tế ấy, khi trực tiếp hòa lẫn vào dòng người đang cùng quẫn ấy,… ấn tượng mà chị cảm nhận được nó như thế nào?

Nhà báo Lê Bình: “Hành trình từ sự sống và cái chết” có quá nhiều ấn tượng buộc những người trải nghiệm, những người chứng khiến khó lòng quên được. Nó ám ảnh và day dứt vô cùng. Đó là những đôi mắt của những đứa trẻ. Bọn trẻ con Trung Đông rất đẹp. Tôi không hiểu tại sao những thiên thần ấy lại bị hành hạ. Những đôi mắt ngây thơ trong sáng đó đang bị hoảng loạn và đang bị đày ải trong nỗi khổ tận cùng khổ.

{keywords}
Nhà báo Lê Bình. Ảnh: VietNamNet

Tôi không thể tưởng tượng nổi những cái thân xác bé nhỏ với những gương mặt thiên thần như thế lại đang bị dày vò trong đói khát, rét mướt, bom đạn. Chính sự ngây thơ chấp nhận sự bất hạnh của mình như một sự hiển nhiên, cũng là một ấn tượng đối với tôi trong cuộc hành trình này.

Tôi cũng ấn tượng khi nghe một người đàn ông theo đạo Hồi vô cùng sùng đạo kể rằng, ông ấy đã không thể cầu nguyện được bởi vì ông ấy rất bẩn thỉu do không được tắm rửa. Nếu ông ấy cầu nguyện trong hoàn cảnh như vậy sẽ là xúc phạm đến thánh Allah. Ông ấy khao khát cầu nguyện và ông ấy không thể làm gì được.

Tôi đã nhìn vào cái đôi mắt của người đàn ông bất hạnh ấy và tôi đã thấy tận cùng nỗi tuyệt vọng.

Trong hành trình theo chân những con người đang phải rời bỏ quê hương, chúng tôi đã gặp nhiều người đàn ông khác, những người lực lưỡng, tràn đầy sinh lực, vậy mà hầu hết trong số họ chằng ai quyết định được cái số phận của mình. Họ là những đối tượng có khả năng bị trả về. Họ đứng co ro giữa trời giá rét nơi sát với biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia chờ phép màu đến từ một tờ giấy với thông tin được phép cho qua hay là ở lại. Có nghĩa là được phép đi đến vùng đất sống hay buộc phải quay trở lại với cái chết.

Những hình ảnh đó ám ảnh tôi vô cùng.

Nhà báo Thu Hà: Ranh giới giữa sự sống và cái chết nó là một cái lằn ranh vô cùng mỏng manh? Khi xem VTV đặc biệt “Hành trình của sự sống và cái chết” tôi bị ám ảnh vô cùng trước hình ảnh một đại gia đình phải chia nhau từng củ khoai tây rất nhỏ. Hay khi bắt gặp ánh mắt của một đứa trẻ khi nó kể rằng đã 7 ngày không được ăn. Khi tận mắt chứng kiến những sự thật đó, câu chuyện nào vẫn lắng đọng trong chị cho đến tận bây giờ?

Nhà báo Lê Bình: Khi chứng kiến một bữa tối của một gia đình người Syria ở sát biên giới Syria và Liban 4 chị em chúng tôi đã bật khóc.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Bản thân quay phim của chúng tôi đã rất là xúc động cho nên tay máy của bạn ấy  đã bị rung.

Chúng tôi tận mắt nhìn thấy họ đang đang luộc ba củ khoai tây. Khẩu phần bữa tôi của 12 con người, cả đàn ông, cả đàn bà và trẻ nhỏ. Chị hãy hình dung, 3 củ khoa tây nhỏ xíu, cho ngần ấy con người cầm cự với cái giá rét dưới 0 độ C.

Khi phỏng vấn mấy đứa trẻ con, chúng tôi đã òa, phiên dịch của chúng tôi cũng cũng không kìm nổi nước mắt. Bọn nhỏ kể là chúng đang rất là đói và rét. Tôi nhớ mãi một bé gái Syria chỉ khoác độc một chiếc áo mỏng manh, bên trong là một chiếc áo cộc tay, trong khi chúng tôi với rất nhiều quần áo dày mà vẫn rét run.

Tôi không biết cô bé ấy có thể chịu đựng nổi cơn giá rét đấy bao lâu và tôi cũng không thể hình dung những đứa trẻ con đấy liệu có thể chịu rổi cái lạnh của mùa đông năm nay.

E rằng, nỗi lo sợ của tôi đang thành sự thật. Nếu bạn theo dõi tin tức sẽ thấy, ngay khi chúng tôi trở về thì báo chí thế giới cũng bắt đầu đưa tin rằng những đữa trẻ đấy đang ở trong cơn tuyệt vọng. Có những đứa 7 ngày chưa được ăn một bữa cơm nào, cũng không có nổi một mẩu bánh mì.

Quay trở lại với cô bé mà tôi đã gặp trên đường. Tôi đã ôm cô bé vào lòng. Nó gần  như không muốn rời tôi ra, nó không muốn tôi dời bỏ nó, nó cần hơi ấm…. Còn tôi thì bất lực, tôi không biết làm thế nào để có thể giúp nó. Tôi chỉ là một nhà báo đến đấy để kể câu chuyện về nó. Tôi rất muốn làm một cái điều gì đó cho cô bé đó, cho những người dân ở đấy nhưng hoàn toàn tôi không có khả năng. Đấy cũng chính là điều làm cho tôi vô cùng ám ảnh.

Có quá nhiều những câu chuyện tôi gặp ở Syria, những câu chuyện ở Lebanon, những câu chuyện ở Macedonia và Hy Lạp khiến cho cuộc đời làm báo của tôi nó trở nên nặng nề hơn rất nhiều.

Nhưng tôi cũng cảm thấy mình đã may mắn khi ghi được những thước phim chân thực, kể về  những giây phút lịch sử đau lòng của nhân loại. Các thế hệ sau này phải ghi nhớ rằng đã có cuộc di cư khủng khiếp như vậy. Đã từng có những câu chuyện đau lòng đến như vậy.

Và bản thân những người đang tạo ra, đang tạo ra những cuộc chiến như vậy, đã khiến cho những người dân phải dời bỏ quê hương, ra đi như vậy sẽ phải suy nghĩ lại.  Nếu chưa phải là bây giờ thì đến cuối đời họ sẽ phải đối diện với những đôi mắt trẻ thơ ở Syria, họ sẽ phải lắng nghe những tiếng kêu khóc, những tiếng thảm thiết của nhưng con người mà đã bị chết tức tưởi ở cái mảnh đất Trung Đông, nơi mà những cái người vì tham vọng của mình vì những cái lợi ích cá nhân của mình mà tạo ra những cuộc chiến tranh như vậy để dẫn đến những thảm cảnh của những người vô tội như vậy. Tôi tin là thế.

Nhà báo Thu Hà: “Hành trình sự sống và cái chết” đã tác động đến cảm xúc của mọi người rất ghê gớm. Chị có tính đeo đuổi tiếp câu chuyện này không? Có thể là năm tới hoặc một vài năm tới nữa chị sẽ trở lại vùng này, tìm gặp lại những con người mà chị đã có cơ duyên gặp họ?

Nhà báo Lê Bình: Nói thật là tôi không biết là có đủ dũng cảm để quay lại cái vùng đất ấy một lần nữa hay không, và cũng phải hỏi thêm các bạn ở trong đoàn, không biết các bạn có đủ dũng cảm không?

Nếu chỉ nhìn vào những đứa con của mình đang ở nhà, chỉ nhìn vào cuộc sống của mình đang có chưa chắc tôi đã dám đâu.

Nhưng cuộc sống phụ thuộc vào nhân duyên. Biết đâu đấy, có một lúc nào đấy tôi lại khao khát tìm gặp lại những đứa trẻ đó. Biết đâu sẽ có một lúc nào đó tôi lại quay trở lại. Câu hỏi này, đến nay tôi không có câu trả lời định trước được.

Còn tiếp

Tuần Việt Nam