LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Trong 4 bài trước, người viết luôn nhắc lại các chuyện cũ cả trong và ngoài nước, từ đó thử gợi mở rất sơ bộ đôi điều về cách đi cho giai đoạn tiếp theo hướng tới đưa Việt nam vươn lên thịnh vượng, như chủ đề của Tuần Việt Nam/VietNamNet nêu ra.

Cũng theo tinh thần đó và nhân việc lãnh đạo nước ta hiện nay thường nói đến mốc lịch sử mới: “Khát vọng Việt Nam 2045”, người viết muốn đánh giá về một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng cách đây 1/4 thế kỷ để từ đó tìm cách đi phù hợp nhất có thể cho 1/4 thế kỷ tiếp theo hướng tới đưa Việt Nam vươn lên thịnh vượng.

{keywords}
"Khát vọng 2045" đưa đất nước trở nên thịnh vượng và hùng cường là khát vọng của cả dân tộc.

Bốn nguy cơ lớn được xác định rõ cách đây 1/4 thế kỷ

Từ ngày 20 đến ngày 25-01-1994 đã diễn ra Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng. Về thành tựu, thách thức và nguy cơ, Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: “Hội nghị đã phân tích sâu sắc những thành tựu và hạn chế của nền kinh tế - xã hội nước ta từ sau Đại hội VII; nêu rõ sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước các cơ hội lớn và cả những thách thức lớn. Bốn nguy cơ thách thức lớn đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.”.

Đến nay vừa tròn 1/4 thế kỷ (1994-2019) kể từ ngày Đảng cảnh báo “Bốn nguy cơ lớn”. Người viết thấy cần nhìn lại diễn biến của 4 nguy cơ lớn này, để từ đó thử tìm nguyên nhân thành công và nhất là nguyên nhân chưa thành công, thậm chí thất bại, nhằm tránh lặp lại những sai lầm trong 1/4 thế kỷ tiếp theo.

Do không có đủ thông tin để lượng hóa được “nguy cơ diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch”, nên dưới đây người viết tập trung nói về “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới” và “nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu”.

Trước khi nói về từng “nguy cơ”, người viết thấy rằng cần phân biệt “nguy cơ” và “hiện hữu”:  Khi nói “nguy cơ” là nói sự việc đó chưa xảy ra, vì thế các giải pháp đưa ra là để đề phòng, để tránh nguy cơ. Còn khi nói “hiện hữu” là nói sự việc đó đã và đang diễn ra ở thời điểm hiện tại; từ đó các giải pháp đưa ra không còn là để “đề phòng” mà là để “chữa trị”.

1. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa

Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội 1/4 thế kỷ qua, tác giả bài viết cho rằng không hề có “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trước hết xin được nhắc lại chủ nghĩa xã hội ở nước ta là theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì vậy, “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa” tức là chệch hướng so với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Do giới hạn của một bài báo không cho phép nói về chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và tác giả cũng không có ý định bàn về chủ đề này, nên tác giả chỉ muốn nói về một vấn đề trọng yếu nhất trong lĩnh vực kinh tế: đó là vấn đề sở hữu. Đây cũng là vấn đề cốt lõi nhất trong công cuộc đổi mới ở nước ta trong hơn 30 năm qua.

Về sở hữu, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”.

Thực hiện luận điểm này, Đảng ta đã tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm “xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất”, thay bằng chế độ công hữu dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể lúc đầu ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam. Đây là công cuộc biến nền kinh tế vốn là từ đa thành phần sở hữu thành nền kinh tế thực chất là đơn thành phần sở hữu.

Kết quả, mô hình phát triển kinh tế này tỏ ra bất cập, đẩy đất nước rơi vào “khủng hoảng kinh tế - xã hội” hơn 10 năm. Và để khắc phục khủng hoảng, năm 1986 Đảng ra Nghị quyết phát triển nền kinh tế nhiều thành phần sở hữu, tức làm ngược lại với luận điểm “xoá bỏ chế độ tư hữu”. Rất may là nhờ đó mà đất nước ta mới có bước phát triển như ngày nay.

Ngoài ra, nội dung của “xã hội chủ nghĩa” cũng đang trong quá trình “làm sáng tỏ”. Thí dụ, ngay trong Nghị quyết cách đây 1/4 thế kỷ mà tác giả nêu trên đây đã nhấn mạnh: “tổng kết một bước thực tiễn đổi mới từ Đại hội VI nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. TBT Nông Đức Mạnh thường nhắc đi, nhắc lại: “Chủ nghĩa Xã hội sẽ dần dần sáng tỏ” … Một sự việc đang trong quá trình làm sáng tỏ thì làm gì có cở sở để lo ngại nguy cơ chệch hướng đối với sự việc đó.

Từ các lập luận nêu trên, người viết khẳng định không hề có “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa” ở nước ta. 

Thực tế là như vậy, nhưng nhiều phạm trù kinh tế, chính trị, xã hội khách quan, thông thường, phổ biến trên toàn thế giới được gắn thêm cụm từ “xã hội chủ nghĩa” (kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền), làm cho nhiều khái niệm khoa học, khách quan, phổ biến trên trở nên mơ hồ, khó hiểu, có hại đối với việc triển khai các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển đất nước.

Thậm chí, Báo cáo Kinh tế của Đại hội XII năm 2016 nêu nguyên nhân thứ nhất trong các nguyên yếu kém là do: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa […], chưa đủ rõ và còn khác nhau. Vì vây, việc xây dựng thể chế, luật pháp, chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng […], chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.”

Chuyển nền kinh tế nước ta sang vận hành theo cơ chế thị trường là một đường lối lớn, có tính đột phá cao nhằm thúc đẩy đất nước phát triển. Vậy mà đã 1/4 thế kỷ trôi qua, việc tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn chưa đúng với nội dung, nội hàm đó. Từ đó, bên cạnh việc kiến nghị nâng cao trình độ của những người có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, thì việc quan trọng hơn là cần sửa lại, điều chỉnh lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho phù hợp.

2. Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang hiện hữu

Bằng tình hình thực tiễn, số liệu cụ thể thống kê, nhất là các số liệu thống kê về tốc độ tăng, giảm (tính bằng phần trăm hay lần), không ai có thể phủ nhận thành công to lớn trên mặt trận kinh tế mà nhân dân ta đạt được trong 1/4 thế kỷ qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều, nói đầy đủ về mặt này, người viết xin phép không nêu dẫn chứng cụ thể nữa.

Tuy nghiên, trong các văn kiện chính thức, chúng ta thường chỉ đánh giá một chiều rằng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm nước cao nhất thế giới, coi đó là thành tựu “có ý nghĩa lịch sử”. Nhưng thực chất, nếu xem xét kỹ về số tuyệt đối, mà điều đó mới là quan trọng nhất, thì Việt Nam đã và đang tụt hậu ngày càng xa hơn so với bình quân chung của thế giới và các nước trong khu vực, chứ không còn là nguy cơ như Đảng cảnh báo 1/4 thế kỷ trước.

Các nội dung này, người viết đã có đề cập tại bài “Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?”. Tuy nhiên, có lẽ do không trình bày được rõ ràng, khúc chiết nên người đọc vẫn còn phân vân. Vì vậy, tác giả xin phép được nhắc lại vắn tắt, làm rõ hơn sự đánh giá của mình về vấn đề đó để cùng tham khảo.

Chúng ta tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới do nhiều nguyên nhân, nổi bật là do tốc độ tăng trưởng của chúng ta không cao; chất lượng tăng trưởng kinh tế quá thấp, thiếu bền vững so với các nước (xem bảng dưới)

{keywords}
Đến nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam (màu đỏ) chỉ hơn Mianma. Tụt hậu đã là hiện hữu chứ không còn là nguy cơ. Nguồn: tác giả tính toán trên dữ liệu của GSO và WB.

 

Ví dụ, kinh tế Hàn Quốc tăng bình quân năm trong 30 năm (1967-1997) là 9,2%, còn kinh tế Việt Nam thì có nhịp tăng trưởng chậm dần đều và cũng trong vòng 30 năm (1985-2015) chỉ tăng 6,6%/năm, trong đó kế hoạch 5 năm 1991-1995) có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lịch sử, cũng chỉ đạt mức tăng 8,21%/năm.

Tuy nhiên, đó chưa phải là nguyên nhân chủ yếu nhất. Nguyên nhân cốt lõi là chất lượng tăng trưởng kinh tế quá thấp. Tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 30 năm qua chủ yếu trông vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo và nhờ vào tăng vốn đầu tư (chủ yếu là vốn vay). Trong khi đó, tài nguyên đang cạn kiệt và vốn vay thì không còn dễ dàng.

Trong khi đó, kinh tế các nước, gần nhất là các nước trong khu vực, đi lên chủ yếu bằng năng suất và hiệu quả. Hay nói cách khác trên măt trận kinh tế, chúng ta đang bị thua các nước trên tất cả các mặt: tụt hậu về thu nhập bình quân theo đầu người, tụt hậu về năng suất lao động, tụt hậu về năng lực cạnh tranh...

Trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước có nói về nguyên nhân của thực trạng này, nhưng chủ yếu mới dừng lại ở những nguyên trung gian.

Người viết cho rằng Đảng và Nhà nước ta cần chỉ cho được nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng trên thì mới mong khắc phục được tình hình và phải xem xét thật kỹ đường lối quản trị quốc gia và phát triển đất nước. Nếu phát hiện sai thì sửa ngay lập tức. Thời gian bây giờ đúng là “vàng”, nhất là khi nền kinh tế nước ta có độ mở cao nhất, nhì thế giới, mà thế giới thì đang thay đổi chóng mặt.

3. Tham nhũng đe dọa “sự tồn vong của chế độ”

Cách đây gần 1/4 thế kỷ, tức trùng vào thời gian Đảng khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ “nguy cơ về nạn tham nhũng”, Ban lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ ra nghị quyết chống tham nhũng số 14-NQ/TW ngày 15-5-1996, trong đó nhấn mạnh: “[…] cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta”.

Như vây, cũng cách đây gần 1/4 thế kỷ, Đảng đã thừa nhận tham nhũng đang hiện hữu chứ không còn là “nguy cơ”.

Điều đáng quan tâm là sau Nghị quyết số 14-NQ/TW nêu trên đã có thêm rất nhiều Nghị quyết trung ương, nhiều văn bản của lãnh đạo cấp cao về vấn đề này. Đọc kỹ các văn bản ấy, có thể nhận biết là văn bản sau không khác nhiều so với văn bản trước từ đánh giá tình trạng tham nhũng, hậu quả nghiêm trọng của nó đối với sự tồn vong của đảng, của chế độ…; nguyên nhân gây ra tham nhũng lần nào cũng bắt đầu bằng nguyên nhân do cán bộ đảng viên xao lãng trong rèn luyện, tu dưỡng…; đến các nhóm giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là kiểm điểm, kiểm thảo, kê khai tài sản, xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng…

Còn nói về thay đổi thì ai cũng nhận biết được rằng trong 1/4 thế kỷ qua có một thay đổi duy nhất, lớn nhất đã và đang diễn ra:

Đó là tham nhũng lan rộng đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, xảy ra phổ biến hơn gấp nhiều nhiều lần; là quy mô từng vụ tham nhũng lớn hơn gấp nhiều lần; là “tính tập thể”, mà người ta hay gọi một thuật ngữ là “lợi ích nhóm” trong tham nhũng đã phổ biến vô số lần; là phương thức, phương cách tham nhũng tinh vi hơn gấp rất rất nhiều lần; là tiền và quyền đã bện chặt vào nhau, đã quyện chặt vào nhau hơn bao giờ hết. Kẻ có quyền đang dùng quyền để vơ vét tiền nhiều nhất có thể. Kẻ có tiền đang dùng tiền để mua quyền để có nhiều tiền hơn. Quyền-tiền đã trở thành những giá trị đánh bạt đạo đức, kỷ cương và pháp luật. Thảm trạng này đã phổ biến hết sức rộng rãi.

Và “hậu quả hết sức nghiêm trọng” hay “khôn lường” mà Ban lãnh đạo Đảng nêu ra cách 1/4 thế kỷ đã được nhân lên gấp bội lần; mối lo về “sự tồn vong của chế độ” không những không giảm bớt mà lại còn tăng lên…

Ai cũng biết xử lý nghiêm khắc nhất có thể các vụ án đích thực tham nhũng là cần thiết, nhưng chỉ tập trung vào “chống” là rất chưa đủ. Thực tế mấy chục năm qua đã cho thấy điều này: càng chống, tham nhũng càng phát triển, càng phổ biến, càng tinh vi, càng trầm trọng.

Chỉ những người có quyền, không nhất thiết phải có chức, mới có điều kiện để tham nhũng. Vậy thì nhóm giải pháp quan trọng nhất để “phòng ngừa” tham nhũng là kiểm soát quyền lực một cách chi tiết, cụ thể bằng pháp luật. Điều đáng buồn đây lại là mặt yếu nhất, kém nhất của nước ta hiện nay. Chúng ta mới nói đến “kiểm soát quyền lực”, chứ hầu như chưa có giải pháp cụ thể, chưa có hành dộng cụ thể nào đáng kể về “kiểm soát quyền lực”.

Bài viết đã quá dài, xin phép dừng ở đây. Lần nữa, rất hoan nghênh VietNamNet mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Nếu được phép, tôi sẽ cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của các câu hỏi do Diễn đàn nêu ra và tôi có nhắc lại vài điều tại các bài viết trước.

Hải Lộc

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" theo địa chỉ Email: tuanvietnam@vietnamnet.vn