Đảng đã ban hành rất nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhưng khi thực thi thì hiệu quả chưa như mong đợi.

Tôi băn khoăn một số điểm. Những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không; việc tổ chức thực hiện có tương xứng với mục tiêu đề ra; những người thực thi có nghiêm túc; và các thiết chế cần và đủ để bảo đảm thực hiện các quy định đó đã hoàn thiện chưa.

Chỉ trong vòng bốn năm nay, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. Đó là Quy định 101 ngày 7/6/2012 dành cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng; Quy định 55 ngày 20/12/2016 về tăng cường một bước mạnh mẽ vấn đề nêu gương trong toàn Đảng và Quy định 08 vào tháng 10/ 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

Bên cạnh đó, Đảng còn có quy định về giám sát, kiểm tra ở tất cả các cấp từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và ở tất cả các đối tượng đảng viên.

{keywords}
Ông Nhị Lê: ‘Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ’

Chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như bây giờ. Tuy nhiên, theo tôi, việc thực thi các quyết định chưa tương xứng, chưa được như mong muốn, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng của  nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền. Thực tiễn đã đi rất xa.

Chúng ta hãy nhìn lại một loạt cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị khai trừ. Trong lịch sử của Đảng, lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng; một loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, truy tố...

Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Điều đó nhắc nhở, mục tiêu đã rõ, lộ trình đã được minh định nhưng còn vấn đề thể chế.

Đã nhiều lần tôi đề cập đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, đặc biệt theo Quy định 08 đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, nơi là hạt nhân của Đảng. Nếu hạt nhân bị tổn thương, không còn nguyên vẹn sẽ không sử dụng được nữa. Trong vòng 6 năm nay, Trung ương Đảng hết sức lo lắng, tìm mọi phương sách để chỉnh đốn Đảng.

Nói ngắn gọn, gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong những phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Trong 6 năm qua, 3 quy định nêu gương ở mọi tầm mức cho thấy, vấn đề nêu gương ngày càng trở thành vấn đề hệ trọng, then chốt, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng lòng tin của nhân dân.

Quy định 08 được ban hành trong Đảng, được phổ biến đến toàn thể xã hội, trong bối cảnh chúng ta bước qua giai đoạn rất quan trọng trong việc quyết định thành bại của Nghị quyết Đại hội XII tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đối tượng điều chỉnh của Quy định này trước hết  là 200 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là tinh hoa của Đảng.

Điều này cho thấy, chúng ta rất khó nâng cao vị thế, nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm cầm quyền của Đảng nếu không tập trung nâng cao trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương.

Vấn đề này không chỉ là cam kết về mặt chính trị mà còn là cam kết về mặt đạo lý, đạo đức của Đảng với quốc gia, dân tộc, với toàn thể nhân dân.

Quy định 08 trước hết tập trung ở tinh hoa của Đảng, tức là 200 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, dù chính thức hay dự khuyết. Một dân tộc người đứng đầu không xứng đáng với trách nhiệm của người đứng đầu thì dân tộc đó sẽ đi đến đâu? Một Đảng cũng như vậy, dù ở cấp nào.

Cho nên, tiếp tục phát triển Quy định 101, Quy định 55, Quy định 08  cho chúng ta thấy tầm mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng. Nếu chúng ta không thực thi tốt Quy định 08, rất khó nói về tương lai, nói về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với tinh thần thượng tôn pháp luật, việc nghiêm túc chấp hành vô điều kiện đường lối của Đảng là yêu cầu sống còn với các cán bộ, đảng viên.

Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng. Lòng tin của nhân dân là quốc bảo để giữ gìn, phát triển quốc gia, dân tộc. Lòng tin là tín chấp chiến lược đối với bạn bè quốc tế. Việc xử lý cán bộ của chúng ta không có vùng cấm. Kỷ luật của Đảng là bình đẳng đối với mọi đảng viên, dù đảng viên giữ trọng trách, hay chưa giữ trọng trách trong Đảng. Như vậy mới có lòng tin.

Những vụ “đại án” cho thấy, nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững sự nghiêp của Đảng. Nó như con sóng vỗ, ăn mòn niềm tin của dân với Đảng, của đảng viên với Đảng, ăn mòn niềm tin của bạn bè quốc tế với Đảng, thì hậu quả khôn lường. Cho nên, nêu gương trước hết là nêu gương trong xử lý kỷ luật.

Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người, đối với cũng như cả gia đình, dòng họ. Bây giờ không ít người “ngại” vào Đảng. Phải chăng  những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất vừa qua đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm? Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ!

Thực tế đó không phải bây giờ mới diễn ra. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập nhiều lần rồi. Qua nhiều năm vì sao lại như thế? Đó không phải chỉ là câu hỏi của Đảng, trước hết cố nhiên đó là trọng trách của toàn Đảng, là niềm đau đáu của nhân dân.

Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỉ. Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?

Tôi nghĩ từ có rất nhiều lý do. Họ nhìn thấy những đảng viên hàng ngày hàng giờ sống quanh họ chưa thực sự nêu gương, ảnh hưởng đến niềm tin của họ về Đảng. Thậm chí có những đảng viên đi ngược đạo lý, ngược lại lợi ích của nhân dân. Chính vì như vậy, chúng ta bàn định vấn đề nêu gương ở tất cả các tầm mức, các đối tượng trong toàn Đảng.

Ban Bí thư đã ra một Chỉ thị về việc sàng lọc đảng viên trong Đảng, để thực sự Đảng ta là tinh hoa của dân tộc, là đạo đức của dân tộc, đặc biệt để giữ gìn kỷ luật của Đảng.

Tôi theo dõi suốt mấy chục năm nay, hiếm có thời kỳ nào như hiện nay, việc đề ra và giữ vững kỷ luật Đảng, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nghiêm khắc pháp luật Nhà nước trong việc xử lý cán bộ, đảng viên mạnh mẽ, hiệu quả và công khai như bây giờ.

Điều đó cũng góp phần củng cố niềm tin của Đảng ta trong việc nêu gương. Xử lý các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng vi phạm kỷ luật ngay trong khóa XII, đấy chính là nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân.

Đảng chúng ta là đảng cách mạng, là đảng hành động. Những quy định đề ra phải được thực hiện nghiêm; đã là quy định thì không thể không làm. Cá nhân tôi và đông đảo nhân dân trông chờ Ban Chấp hành Trung ương hành động một cách công khai, không nói suông. 

Hội nghị mới đây nhất lựa chọn, quy hoạch 250 đồng chí cho Đại hội Đảng khóa XIII, theo tôi hiểu đó là những tấm gương. Nếu không chọn được những tấm gương tốt, thực sự là tấm gương thì là phản nêu gương, không nói chuyện nêu gương được nữa. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, mới hết nửa nhiệm kỳ đã có 3 đồng chí bị cách chức… để thấy rằng hành động trước hết của Ban Chấp hành Trung ương là như vậy.

Bác Hồ nói một ý rất hay: Dưới ngọn cờ của Đảng, các thành quả không được xây trên nền nhân dân, vì nhân dân thì không có nghĩa gì cả. Hơn 5 triệu đảng viên của Đảng phải thực sự là những tấm gương.

Lan Anh ghi