Đừng vì TPP sẽ không thành, nước Mỹ dọa sẽ xét lại NAFTA, rồi sẽ ra khỏi cả WTO để khỏi bị ràng buộc về những nguyên tắc quốc tế mà tập trung vào các hiệp định song phương (BTA)… mà suy ra hội nhập quốc tế sẽ tan vỡ (?).

Xem lại kỳ 1: Để trụ được chắc ông Trump phải rất linh hoạt; Kỳ 2: Cuộc đấu trí trên bàn cờ quyền lực

TPP dù không còn, những nguyên tắc đạt được của một của một Hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới vẫn cần dùng trong quan hệ của các nước với nhau, nếu chưa được thì cũng phải hướng tới, không phải vì vậy mà lừng chừng chờ đợi. Nếu muốn “hai bên cùng thắng”, trong quan hệ với bất kỳ nước nào cũng vậy, rất cần thiết phải biết đối tác của mình muốn gì, phải đặt mình vào vị trí của người ta để suy nghĩ, chớ chỉ vì mình mà vội trách người khi thấy lợi ích của mình không được đáp ứng như mong muốn… dám tạm thời nhượng bộ những gì không phạm đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, văn hóa...

Với ông Trump cũng vậy, mong muốn giữ chân các nhà đầu tư Mỹ ở lại trong nước để tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ của ông ấy cũng là một nguyện vọng chính đáng; song, có làm được hay không, tới mức nào, đó là cả một vấn đề mà ông Trump còn phải cân nhắc. Biết vậy, ta cũng cần xem những bang nào của Mỹ đang gặp khó khăn về việc làm, còn “nghèo”[4], nếu chưa đủ sức đầu tư vào được thì ta cũng (rất) cần xem sản phẩm gì họ làm ra lại không  xuất trực tiếp được, như ngô, bông, đậu tương…, chưa kể tới công nghệ, là những thứ ta vẫn nhập  với số lượng không nhỏ; đặt mình vào địa vị người Mỹ, họ sẽ nghĩ gì khi ta dùng tiền xuất siêu sang Mỹ để nhập các mặt hàng từ các nước khác mà Mỹ cũng có và cần xuất khẩu, đành rằng yếu tố cạnh tranh cũng cần phải tính tới.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Ngay từ bây giờ cần phải chủ động tính toán luôn để thể hiện thiện chí của mình chứ đừng chờ đợi tới APEC 2017 sẽ bàn. Với tình hình mới, nên nhớ rằng “tư duy nhiệm kỳ” của Mỹ, theo từng cấp, Hạ viện, Thượng viện bổ sung ra vào là 1,2  năm, rồi Tổng thống là 4 năm. Không tranh thủ thời gian ngay từ bây giời sẽ mất mất đà, lỡ nhịp và tuột cơ hội…

“Thần thiêng nhờ bộ hạ”, sau một loạt “test” chắc ông Trump đã nắm được phản ứng của thiên hạ, cả trong và ngoài nước, đã đến lúc chọn người thực hiện các ý tưởng  của mình.

Đây có lẽ là nội các giàu nhất của Mỹ từ trước đến nay vì hầu hết các thành viên đều vào lớp triệu phú hay tỷ phú của Mỹ. Điều này có thể dẫn đến hai khả năng: hoặc họ đã giàu rồi, họ sẽ tập trung vào việc nước, ông Trump cũng từng tuyên bố không nhận lương Tổng thống; hoặc là, họ sẽ lợi dụng chức quyền để làm giàu cho cá nhân và gia đình, điều này chắc khó có thể xảy ra trong một nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ như ở Mỹ, có sự rạch ròi giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp, có sự kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau; để tránh xung đột về lợi ích.

Ông Trump đã từng tuyên bố sẽ không tham gia điều hành công việc kinh doanh; một nét chung nữa là hầu hết những người sẽ tham gia bộ máy điều hành của Trump đều “cứng cựa” hơn, nếu không nói là họ hầu hết thuộc phe “diều hâu” thuộc Đảng Công hòa, những nhà kinh tế, những học giả nổi tiếng, trong đó phải kể tới GS Navarro, tác giả cuốn “Death by China” (“Chết trong vòng tay TQ” đã được dịch sang tiếng Việt). Chắc những người có trách nhiệm sẽ tìm hiểu “Who is Who?” để có đối sách tiếp cận phù hợp.                  

Với con người hoạt bát như ông Trump, nhiều cái không dự đoán trước được; Với một “good dealer” như ông Trump, lời nói và việc làm đôi khi không lường trước được… phương thức “phi truyền thống” được coi trọng hơn, và đôi khi còn có hiệu quả thiết thực và nhanh hơn so với những gì được coi là “truyền thống”, khuôn phép, chỉnh chu… “Vô chiêu thắng hữu chiêu” cũng là lẽ thường tình.

Tình hình vốn đã phức tạp, công nghệ tiến như vũ bão, khí hậu thay đổi bất thường, ô nhiễm môi tường đến mức báo động, nguy cơ khủng bố ngày càng tăng, nguy cơ chiến tranh lạnh lại hồi phục, nếu không giải quyết khéo, không có sức mạnh răn đe, khó tránh khỏi bạo lực. Một “cá tính” như ông Trump lãnh đạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề lớn của thế giới đồi hỏi rất nhiều kịch bản để “không bị bất ngờ”, cần cả những “quân xanh” thông minh ứng biến để “quân đỏ” cao thủ hóa giải khéo léo nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, đừng quên rằng với thể chế của nước Mỹ, Tổng thống không thể đứng trên lưỡng viện, không thể đứng trên chánh án tối cao, không thể đứng trên dân chúng.

Xin hãy sớm quên đi “trận động đất 9/11 và những dư chấn”, sớm tập trung, nâng cao khả năng thích ứng với tình hình và phản ứng nhanh với mọi tình huống.

Ai muốn mạnh cũng cần góp phần cho bạn mình mạnh lên. Vấn đề là chọn bạn.

“Lỡ nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công".

Tam Anh