Trăn trở vì 500 ngàn đồng

Hôm nay, tôi đọc bài viết của một cô bạn trên facebook và thấy cuối bài viết, cô ấy để số tài khoản. Inbox hỏi thăm, hoá ra cô ấy đang đầu tư một loạt bài viết có tính giải trí cao và đề nghị người đọc nếu thấy thú vị thì trả phí để cô có động lực viết.

Phí cho “gói” bài ấy là 500.000 đồng.Tất nhiên, tôi có thể không mất 500.000 đồng và chỉ cần bỏ ra vài phút để tìm kiếm câu chuyện đó. Nhưng vì muốn trải nghiệm cảm giác của một người trả tiền cho dịch vụ thông tin thường thức nên tôi chuyển khoản và được gửi cái link mình muốn.
Một cảm giác không hề tệ!

Tôi thấy nhẹ nhõm vì biết rằng ngày mai cô ấy sẽ tiếp tục tóm lược những câu chuyện hay ho để tôi có thể lựa chọn thứ mình cần một cách nhanh nhất mà không có cảm giác đang lợi dụng người khác.

Việc tôi vui vẻ chuyển một khoản tiền nhỏ góp phần tái tạo niềm vui lao động của một người lao động. Đó là một trải nghiệm dễ chịu. Nhưng có bao nhiêu lý do để chúng ta từ chối sự dễ chịu này?

Gần đây, nhiều lãnh đạo báo chí đã bắt đầu nói đến chuyện thu phí người đọc. Cũng đã có 1-2 tờ báo thực hiện điều đó. Tuy nhiên, mọi sự không hanh thông lắm. Nhiều người cho rằng người đọc chưa quen việc phải mua các bài báo để đọc. Tôi cho rằng không phải như thế.

Thu phí người đọc vốn là thói quen ngay từ khi trên đời này xuất hiện báo chí. Người ta mua báo để biết những câu chuyện xảy ra trên đời vốn là điều hiển nhiên.

{keywords}
Báo chí thu phí là một xu hướng tất yếu 

Mạng xã hội tước bỏ điều đó khi ai cũng có thể kể chuyện và chia sẻ cho toàn thế giới ư? Điều đó không đúng. Mạng xã hội có thể tạo ra nhiều người đưa tin hơn, trao cơ hội xuất bản cho tất cả mọi người. Vậy nhưng, mạng xã hội không thể tạo ra những nhà báo chuyên nghiệp, những người được đào tạo để kể chuyện hấp dẫn hơn, được luật pháp bảo trợ để tìm kiếm bằng chứng một cách dễ dàng hơn.

Mạng xã hội chỉ không cho phép các nhà báo lười biếng và dễ dãi mà thôi. Bởi dễ dãi và lười biếng, không dấn thân điều tra, không trau dồi kỹ năng kể chuyện, họ sẽ không thể tạo ra các câu chuyện vượt trội những facebooker tay ngang. Nếu câu chuyện được kể hấp dẫn hơn, với các bằng chứng có được từ lao động báo chí thực sự, tác phẩm của nhà báo mới xứng đáng được trả tiền.

Hấp dẫn, tin cậy, người đọc sẽ trả phí

Bản chất của báo chí là một ngành kinh doanh mặt hàng đặc biệt, là tin tức và các câu chuyện. Khởi thuỷ các tờ báo ra đời, tồn tại, phát triển là nhờ vào việc trả tiền của bạn đọc để đọc tin tức và các câu chuyện.

Người đọc có thể trả tiền trực tiếp để mua báo, hoặc được các tổ chức mua hộ, như cơ quan nhà nước đặt báo cho nhân viên, hoặc nhãn hàng trả tiền quảng cáo để báo chí miễn phí cho khách hàng của mình đọc.

Hai cách thức thu tiền của báo chí (thu trực tiếp của người đọc, và thu gián tiếp thông qua các tổ chức, nhãn hàng) về nguyên tắc sẽ không thể cùng áp dụng trên một tờ báo, vì xung đột lợi ích.
Nếu người đọc trực tiếp trả tiền, đó là vì tờ báo đó cung cấp thông tin, và các câu chuyện phù hợp với chính nhu cầu của người đọc, phụng sự bạn đọc. Nếu các tổ chức, nhãn hàng trả tiền thông qua quảng cáo, tài trợ, thì nội dung của tờ báo bị chi phối bởi lợi ích của dòng tiền, đến từ các nhà tài trợ, người mua quảng cáo.

Trong nhiều thập kỷ qua, sự bùng nổ của internet với thế mạnh của tốc độ khiến các loại hình báo chí truyền thống được thay thế bằng báo điện tử, trong khi các hình thức thanh toán online chưa phổ biến khiến việc thu phí bạn đọc trở nên khó khăn.

Các tờ báo điện tử chỉ có thể tồn tại nhờ quảng cáo và tài trợ. Khi các nền tảng mạng xã hội xuất hiện, người đọc ít nhiều ngộ nhận về nguồn tin, và vai trò cung cấp thông tin của các toà soạn chuyên nghiệp bị đánh giá thấp, việc trả phí đọc báo càng không được nghĩ đến.

Thậm chí, khi các nền tảng mạng xã hội phát triển cực đại như hiện nay thì nó cũng hút cạn dòng tiền quảng cáo, tài trợ vốn thuộc về các toà soạn. Báo chí đến lúc cần phải trở lại với bản chất của mình, sản xuất tin tức và các câu chuyện một cách chuyên nghiệp để buộc người đọc phải nghĩ đến việc trả phí để thụ hưởng.

Làm thế nào để người đọc quay lại trả phí cho các toà soạn?

Báo chí là một ngành kinh doanh, mà sản phẩm là thông tin và các câu chuyện. Vì thế mà các toà soạn phải sản xuất ra các sản phẩm tốt. Được định dạng tốt, thông tin được xử lý chuyên nghiệp, các câu chuyện được viết bởi các cây bút xuất sắc. Các thể loại điều tra, bình luận tin tức, phóng sự điền dã... là những thứ không dễ tìm được trên nền tảng mạng xã hội, được sản xuất bởi các nhà báo nghiệp dư.

Sản phẩm cần có được sự tin cậy của khách hàng. Điều đó đòi hỏi sự độc lập của các toà soạn đối với lợi ích của các tổ chức, các nhãn hàng. Có nghĩa là không có tài trợ, không có quảng cáo.

Sản phẩm cần phải được bảo hộ về bản quyền, không bị làm giả, làm nhái. Các toà soạn phải tìm cách bảo vệ bản quyền tác phẩm, hạn chế phụ thuộc vào các nền tảng trung gian.

Sản phẩm báo chí cũng cần được tiếp thị. Các toà soạn thay vì xác định mình là một kênh truyền thông, quảng cáo thì cũng phải xác định phải chi phí để quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm của mình.

Thị trường báo chí sẽ thay đổi như thế nào khi các toà soạn sống bằng tiền mua báo của độc giả?

Sẽ cạnh tranh nhiều hơn. Vì khi thu phí, các tờ báo sẽ trở thành đối tượng lựa chọn của người mua và sẽ phải đảm bảo sự độc đáo, hấp dẫn và đáng tin cậy của mình.

Nhân sự ngành báo sẽ được đào tạo kỹ lưỡng hơn để có thể thiết kế, phát triển được các sản phẩm báo chí tốt nhất, độc đáo nhất, để có thể sản xuất được các sản phẩm hấp dẫn nhất, đáng tin cậy nhất. Và nhà báo, cần có kỹ năng đa dạng, kiến thức sâu, rộng hơn.

Các toà soạn sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho nội dung tổng thể, có tính ổn định để định vị thương hiệu của tờ báo, thay vì chạy theo việc câu view ăn xổi.

Cuối cùng, người đọc có sẵn sàng trả phí?

Câu trả lời là có, nếu đáng để trả phí. Bởi vì người ta đã sẵn sàng trả phí để dùng Netflix, hoặc Spotify để nghe nhạc và xem phim không bị chèn quảng cáo. Báo chí, nếu hấp dẫn, đáng tin cậy, và không có quảng cáo sẽ luôn có người mua.

Chiều nay, tôi đã vui vẻ trả tiền cho cô bạn để mua bài viết của cô ấy, bởi vì đó là việc xứng đáng. Bởi vì cô ấy đã lao động một cách nghiêm túc để viết những status tóm tắt drama theo cách hấp dẫn nhất mà cô ấy có thể. Dù những bài viết trên facebook của cô ấy ai cũng có thể đọc miễn phí, nhưng nếu được trả tiền đều đặn, tôi tin cô ấy sẽ có động lực để đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm của mình.

Các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đang rốt ráo cho một mô hình mới “báo chí thu phí”.  Cuộc chơi này ở Việt Nam sẽ có nhiều thách thức lớn khi hàng triệu triệu người vẫn đang đọc “báo miễn phí”, đọc mạng xã hội như một điều tất yếu.

Nhưng đó là con đường để báo chí được là chính mình!

Tôi tin rằng luôn có đủ người đọc mong muốn thấy những bài báo tốt hơn, độc lập hơn, và luôn có những người đọc không muốn xem quảng cáo. Ngược lại, cũng luôn có những nhà báo muốn được làm việc bằng đam mê mà vẫn có thể sống.

Phạm Trung Tuyến (Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam)

 >>> Trải nghiệm không gian đọc báo Premium TẠI ĐÂY

 

VietNamNet thu phí phiên bản đặc biệtVietNamNet thu phí phiên bản đặc biệt

Hôm nay báo VietNamNet bước vào một thử thách mới, triển khai thu phí một phần nội dung của tờ báo, đó là chuyên mục VietNamNet Premium ra mắt rộng rãi độc giả từ hơn 2 tháng trước.