Ngày 10/05 vừa qua, trên trang web của Giáo phận Bùi Chu đã đăng tải Thông báo của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang-Tổng đại diện, Trưởng ban Xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu: "Sau khi cầu nguyện, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình nhà thờ chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải nhà thờ của giáo phận của chúng tôi".

Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định được khởi công xây dựng năm 1884, khánh thành năm 1885. Như vậy, Nhà thờ Bùi Chu có lịch sử tương đương Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (ra đời năm 1880) và Nhà thờ Lớn Hà Nội (ra đời năm 1886).

Nhà thờ Bùi Chu có chiều dài 78m, chiều rộng 22m, chiều cao 15m, tháp cao 35m. Nhà thờ có chiếc đồng hồ cổ kính, sản xuất đơn chiếc theo đơn đặt hàng ở Pháp từ năm 1922. Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc sử dụng thế năng. Ðồng hồ dùng ba quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg.

Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu còn là nhà thờ Công giáo Rômma, một trong những nhà thờ cổ kính nhất ở các tỉnh phía Bắc. Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông - Tây ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc.

Bởi vậy, khi có thông tin hạ giải Nhà thờ Bùi Chu để xây dựng mới, đã làm cho dư luận trong và ngoài nước xôn xao, nhất là trong giới kiến trúc sư và các chuyên gia về lịch sử, văn hóa. Hầu hết đều kiến nghị không nên phá bỏ Nhà thờ Bùi Chu mà cần trùng tu để bảo tồn.

{keywords}
Nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp thì không chỉ Nhà thờ Bùi Chu mà nhiều di sản khác sẽ bị phá bỏ, hủy hoại bất cứ lúc nào. Ảnh: VietNamNet

Theo Báo điện tử Vietnamnet, để có cơ sở kiến nghị bảo tồn, giữ lại Nhà thờ Bùi Chu, ngày 29 và 30/4/2019, một nhóm kiến trúc sư trong nước đã trực tiếp đến khảo sát tại Nhà thờ này.

Theo đánh giá của nhóm kiến trúc sư, công trình chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc; kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm.

Trên cơ sở khảo sát thực tế, nhóm kiến trúc sư này cùng với nhiều kiến trúc sư và nhà bảo tồn di sản trên khắp cả nước đã cùng ký "Đơn đề nghị cứu xét" gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định xem xét can thiệp giữ lại nhà thờ Bùi Chu.

Ông Martin Rama, cố vấn cao cấp Ngân hàng Thế giới, đồng thời là Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển Ðô thị bền vững, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã có tâm thư kêu gọi giải cứu nhà thờ chính tòa Bùi Chu.

Ngày 3/5/2019, trên trang web của Vatican (Vatican News) cũng đã đăng tải bản tin tiếng Đức về nhà thờ Bùi Chu với tiêu đề: "Việt Nam: Liệu còn cứu được nhà thờ?".

Trước sự lo lắng, băn khoăn của đông đảo dư luận trong nước và quốc tế, Giáo phận Bùi Chu đã thông báo tạm hoãn Kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu dự kiện tổ chức vào ngày 13/5/2019. Đây là tin vui với tất cả những ai mong muốn bảo tồn di sản cổ kính này.

Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu cho biết: "Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được chúng tôi lên kế hoạch cách đây 5 năm. Theo đó, hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu".

Như vậy, Giáo phận Bùi Chu đã có kế hoạch hạ giải, xây dựng mới Nhà thờ Bùi Chu từ cách đây 5 năm, vậy mà chính quyền các cấp và ngành văn hóa ở Nam Định từ tỉnh đến huyện đứng ngoài cuộc, không hề quan tâm.

Còn với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lich, mãi đến ngày ngày 2/5/2019, Cục Di sản Văn hóa mới có văn bản gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định yêu cầu khẩn trương kiểm tra nội dung thông tin báo chí đã nêu liên quan đến công trình này, chỉ trước kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu 11 ngày.

Từ sự việc trên đây đã qua, hay như vụ xâm hại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình vào cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 và nhiều vụ việc khác… cho thấy chính quyền một số địa phương và ngành văn hóa luôn thụ động, chỉ khi có áp lực của báo chí và cộng đồng mạng, thậm chí chỉ khi có đạo của Thủ tướng Chính phủ thì mới vào cuộc thực hiện chức năng của mình.

Vẫn biết, tu sửa hay xây dựng mới nhà thờ là công việc nội bộ của các giáo phận, hơn nữa Nhà thờ Bùi Chu chưa được công nhận di sản Lịch sử - Văn hóa. Tuy nhiên, đối với những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo như Nhà thờ Bùi Chu, khi giáo phận có kế hoạch trùng tu hoặc xây lại thì chính quyền địa phương và ngành Văn hóa không thể đứng ngoài cuộc.

Qua sự việc trên đây, chúng ta cần rút ra một số kinh nghiệm.

Đối với các nhà thờ, đình chùa, những công trình kiến trúc và nhiều di sản nói chung, ngành văn hóa nên phối hợp với chính quyền địa phương và các giáo phận, các dòng họ…tổ chức rà soát, xem xét công nhận di tích lịch sử - văn hóa đối với những di tích đủ tiêu chí theo quy định.

Theo Luật Di sản văn hoá, khi các công trình di tích, trong đó có các nhà thờ, chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa. Điều này đồng nghĩa quyền trùng tu hay phá bỏ một di sản hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu của di sản đó.

Vì vậy, nếu không kịp thời thực hiện biện pháp này thì không chỉ Nhà thờ Bùi Chu mà nhiều di sản khác sẽ bị phá bỏ, hủy hoại bất cứ lúc nào. Nhà thờ Trà Cổ ở Quảng Ninh bị dỡ bỏ làm mới năm 2017 là một ví dụ.

Hy vọng, qua sự việc Nhà thờ Bùi Chu cũng như nhiều di sản quý giá bị phá bỏ hay huỷ hoại, chính quyền địa phương các cấp và ngành văn hóa sẽ rút ra được bài học về bảo vệ các di sản có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và của quốc gia.

Nguyễn Tuấn Dũng