- Bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, họ dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ.

Lại thêm một đứa trẻ 15 tuổi tự tử bởi trầm cảm do kết quả học tập. Chuyện buồn như thế này không hiếm, khi mà trầm cảm đã trở thành một thứ bệnh của thời đại.

Như thường lệ, trước cái chết đau lòng của đứa trẻ, người ta lại mổ xẻ các nguyên nhân, phân tích các lựa chọn bằng những lời thông thái, xong rồi mọi chuyện sẽ qua đi, rồi lại tiếp tục có những đứa trẻ u uất vì kết quả học hành, đôi khi có đứa không vượt qua để rồi chọn đến cái chết để giải thoát. Bởi vì chúng không có quyền được học dốt.

{keywords}

Bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, họ dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ.

Khi một đứa trẻ tự tử vì nguyên nhân ban đầu là bị điểm kém, ai cũng đồng ý rằng học giỏi thì có ý nghĩa gì khi mà chỉ vì sức ép phải học giỏi đứa trẻ phải chết. Chỉ có điều, không nhiều người thực sự biết được giới hạn của những đứa trẻ, cho đến khi nó chọn cái chết.

Rất nhiều người trong chúng ta coi con cái là tài sản, là “của để dành”. Của cải thì phải mỗi ngày một nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, khoe khoang của người sở hữu. Những đứa con, những món “của để dành” của các ông bố bà mẹ cũng thế, luôn phải đáp ứng nhu cầu khoe khoang không giới hạn của mẹ cha.

Những đứa trẻ không có bất cứ sự lựa chọn nào, bởi người ta mặc định rằng chúng biết gì mà lựa chọn. Bởi đã bao giờ trong đầu các phụ huynh mất đi ý niệm “dạy dỗ” bọn trẻ đâu. Khi những đứa trẻ bị “dạy dỗ” nghĩa là chúng đang mặc nhiên phải trở thành những con người như người khác mong muốn. Và đó là lựa chọn duy nhất của chúng, hoặc có thể tìm đến hành động cực đoan.

Từ bao giờ, và vì sao cái ý niệm con cái là “của để dành” trở nên phổ biến trong xã hội chúng ta? Có lẽ đã từ rất lâu rồi, khi mà câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con” trở thành thành ngữ. Song, có lẽ chỉ đến bây giờ, khi mà nhu cầu khoe của trở nên mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của các hình thức truyền thông mới thì sức ép phải trở nên lung linh của những đứa trẻ mới khiến căn bệnh trầm cảm của trẻ con bùng phát.

Người ta vẫn đổ tội cho ngành giáo dục với căn bệnh thành tích. Nhưng không có thầy cô giáo nào mang giấy khen của học trò lên facebook để khoe. Trong khi đó, mỗi dịp kết thúc năm học, facebook ngập thành tích học hành. Nhà trường, lẽ ra là nơi cung cấp các dịch vụ giáo dục, nhưng vì nhu cầu “khoe của” của một số bậc cha mẹ học sinh mà trở thành nơi ganh đua bằng cấp.

Bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, không ít người dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ. Rất khó để cảm nhận niềm vui của con trẻ khi chúng được làm điều chúng thích, song cảm giác hưng phấn của việc đếm like khi khoe con thì lại rất gụi gần. Con trẻ cần hạnh phúc, song của cải thì phải để khoe!

Có những đứa trẻ dường như may mắn hơn những đứa trẻ khác, khi chúng hạnh phúc với việc trở thành giống như mong muốn của cha mẹ, khi những mong muốn của họ phù hợp với khả năng và sự lựa chọn của chúng. Nhưng đó không phải kết quả của sự “dạy dỗ”, đó là kết quả của sự sẻ chia. Người ta không sẻ chia với của cải, mà sẻ chia với con cái, như những người đồng hành trong cuộc đời của mình.

Con cái là “của để dành”, là một thứ tài sản của cha mẹ. Ý niệm đó, ngay từ đầu đã gây áp lực tới trẻ con, trước khi chúng hành động cực đoan vì trầm cảm.

Phạm Trung Tuyến