Gần 100 ngày không Covid-19 đã chấm dứt đầy đột ngột với tất cả chúng ta. Tới 42 trường hợp dương tính trong cộng đồng đã được phát hiện ở nhiều tỉnh thành chỉ trong 6 ngày qua và con số e là sẽ còn tăng nữa trong những ngày tới. Bao nhiêu công sức và thành quả chống dịch đang bị thách thức. 

Phần lớn Đà Nẵng, nơi dịch bệnh được ghi nhận bùng phát, đã bị phong tỏa khi áp dụng Chỉ thị 16 với nhiều biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn. Hà Nội đã ra lệnh đóng cửa một số hoạt động công cộng từ tối qua. Nhiều tỉnh đã có người dương tính cũng đang hồi hộp đến lượt mình. Sức ép về chống dịch và nhu cầu mở cửa nền kinh tế chưa bao giờ cân não và quyết định như lúc này. 

Kinh nghiệm chống dịch 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rõ thực tế này khi yêu cầu các lãnh đạo địa phương “không được ngăn sông cấm chợ” nhưng vẫn phải nâng cao “tinh thần cảnh giác và trách nhiệm” trước nhân dân về  chống dịch vì nếu để tình hình xấu đi thì trở tay không kịp. Ông để cho lãnh đạo địa phương “tùy diễn biến dịch” mà áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 hoặc 19/CT-TTg ngày 24/4. 

Như vậy, sau kinh nghiệm chống dịch tháng 3 và 4, đặc biệt là 3 tuần cách ly toàn xã hội, Chính phủ đã có nhiều bài học hơn và cân đối trong chống dịch và điều hành kinh tế. 

{keywords}
Phần lớn Đà Nẵng đã thực hiện cách ly để chống dịch.

Khi ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng được phát hiện, và thêm nhiều ca khác được phát hiện ở các tỉnh, thành khác, tôi đã không quá ngạc nhiên dù đã sống thảnh thơi ở “trạng thái cũ” trong hơn 3 tháng không virus. Dù chúng ta đã chống dịch khá thành công nhưng rủi ro vẫn là quá lớn. 

Đại dịch vẫn đang bùng phát ở nhiều châu lục, số người nhiễm vẫn đạt kỷ lục sau mỗi ngày, biên giới chúng ta quá dài khó kiểm soát, khoảng 80% các ca dương tính ở nhiều quốc gia được ghi nhận là không có triệu chứng, … nên nguy cơ bị lây lại là hiện hữu. Nhận thức được điều đó để không bất ngờ, hay thậm chí hoảng loạn khi phát hiện ra các ca dương tính lần này. 

Ứng xử như thế nào? 

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ứng xử với việc dịch đã lan ra cộng đồng như thế nào. Tôi vẫn luôn nói với bạn bè là cần đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội… Chúng ta phải thay đổi thói quen để phù hợp với trạng thái bình thường mới. Điều này quả là rất bất tiện nhưng cũng chả còn cách nào khác, các quốc gia khác đều đã và đang phải làm như thế để tránh dịch. 

Từ những bài học chống dịch Covid-19 các đợt trước, tôi có niềm tin sâu sắc là dịch bệnh sẽ không bùng phát mạnh ở nước ta vì rất nhiều yếu tố. Quyết tâm chính trị cực kỳ cao và thống nhất; tất cả các hệ thống vào cuộc quyết liệt ở mọi cấp, chẳng hạn Hà Nội đã gần như ngay lập tức truy vết hơn 21.000 người từ Đà Nẵng về, trong đó có 87 ca có triệu chứng sốt, ho, khó thở. 

Bên cạnh đó, người Việt Nam chúng ta cực kỳ cảnh giác và biết tự bảo vệ do đã có thời gian chuẩn bị về tâm lý, kinh nghiệm và kỹ năng. Vả lại, tôi vẫn tin là hệ miễn dịch của người Việt tốt vì đã chống chọi hiệu quả trước nhiều nguồn ô nhiễm và chưa có ca nào tử vong, kể cả bệnh nhân 3 tháng tuổi. 

Tôi không phải là người có chuyên môn để bàn về điều này nên xin trích ý kiến của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu. Khi được hỏi về đề xuất của ông làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam trên diễn đàn Quốc hội tháng 6 vừa rồi, ông giải thích với báo chí: "Đây là xét nghiệm đánh giá kháng thể đã tồn tại trong cộng đồng hay còn gọi là xét nghiệm đánh giá miễn dịch cộng đồng. Bởi trong cơ thể con người khi gặp tác nhân virus thì sẽ sinh ra kháng thể để chống lại. Sự tồn tại kháng thể chứng minh là người đó đã tiếp xúc với virus và khả năng lây bệnh sẽ rất thấp. Việc này rất quan trọng ở chỗ nó chứng minh những khu vực có miễn dịch cộng đồng. Khi có tỉ lệ nhất định miễn dịch cộng đồng thì giả sử làn sóng Covid-19 thứ hai xâm nhập vào Việt Nam, cũng sẽ không bùng phát mạnh mẽ như các nước khác”. 

Bác sỹ Hiếu nói: “Tôi nghĩ chắn chắn nhiều khu vực đã có kháng thể miễn dịch cộng đồng với số lượng nhất định. Tuy nhiên, cần phải làm xét nghiệm nghiên cứu ở những ổ dịch trước đây, như bệnh viện Bạch Mai, Vĩnh Phúc, Hạ Lôi... để xem xét tỉ lệ là bao nhiêu. Đây là điều các nhà khoa học rất quan tâm". 

Đánh giá đó liệu có cơ sở khoa học hay không? Tôi không biết, nhưng chợt hỏi, làm sao các quốc gia châu Âu, nơi từng là trung tâm của đại dịch, có thể mở cửa trở lại bền vững được kể từ 1/7? Đại học Oxford, nơi đang tiến hành thử nghiệm vắc xin giai đoạn ba – từng công bố nghiên cứu là đến một nửa trong tổng số dân Anh (66 triệu người) đã nhiễm virus. 

Chúng ta vẫn phải chờ đến khi có vắc xin để mở cửa bền vững. Vấn đề là những tin tức gần đây về vắc xin đã được thử nghiệm ở giai đoạn 3 ở Mỹ, Anh và một vài quốc gia khác thật hứa hẹn nhưng vẫn ở thì tương lai. Cho đến nay, chỉ duy nhất hệ miễn dịch của chính chúng ta mới giúp chúng ta giết được con virus mắc dịch đó. 

{keywords}
Ứng xử với Covid-19, ứng xử với chính mình

Cần thắng lợi kép 

Gần đây, các hồ sơ dịch tễ ở các quốc gia phát triển như Anh, Ý, Úc đã được thu thập khá đầy đủ và bắt đầu được công bố trên mạng. Cá nhân tôi thường tìm đọc và mong muốn các bạn nên tham khảo để biết và để không quá lo lắng. Lo lắng quá thì chưa bệnh vì nCoV mà đã bệnh vì trầm cảm, vì các bệnh khác, nhất là bệnh “viêm màng túi”. 

Nhân tiện nhắc lại một con số từng gây ám ảnh: có tới 40.000 người tự tử hàng năm ở nước ta vì trầm cảm, căn bệnh đe dọa sẽ nổi lên tới đây do tác động tiêu cực của đại dịch, của phong tỏa. 

Chúng ta không chịu nổi đợt bùng phát dịch bệnh nên vẫn phải phòng bệnh quyết liệt. Nhưng chúng ta cũng không chịu đựng nổi một đợt phong tỏa toàn diện và kéo dài như nhiều quốc gia giàu có. Chúng ta đã suy kiệt và mòn mỏi, thể hiện qua con số 31 triệu người thất nghiệp, giãn việc và bớt thu nhập trong nửa đầu năm nay mà GSO vừa công bố. Mặt trận kinh tế và mặt trận chống dịch đều quan trọng như nhau và cần “thắng lợi kép”, như Thủ tướng nói. 

Hãy biết bảo vệ mình và cộng đồng. Ai sốt, viêm họng thì nhớ tự cách ly ở nhà hoặc khai báo như chính quyền đã khuyến cáo và chỉ dẫn. Và xin đừng đổ lỗi cho ai đó vì đợt bùng phát này. Chúng ta phải hành động, thay vì trách móc, để bảo vệ cá nhân, gia đình và cộng đồng. 

Tư Giang