Trò chuyện với Tuần Việt Nam, cùng với Bí thư Quảng Ninh còn có nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành.

Gần 10 năm trước, ông Thành và ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch HĐND nhận một nhiệm vụ quan trọng. Đó là mời một tỷ phú Mỹ tới Vân Đồn để kêu gọi đầu tư, đưa huyện đảo này thành trung tâm du lịch phức hợp có casino.

Sau nhiều nỗ lực kết nối, tỷ phú Mỹ bay chuyên cơ sang Việt Nam. Do đường sá đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh liền mượn chuyên cơ của ông chủ Hòa Phát để bay về Vân Đồn.

{keywords}
Vân Đồn giờ đây đã khác nhiều so với 10 năm trước

4 câu hỏi mang tính “thức tỉnh” của tỷ phú Mỹ

Cuộc đón tiếp được Quảng Ninh chuẩn bị chu đáo. Khi bước xuống từ máy bay, vị tỷ phú Mỹ bắt tay Bí thư Tỉnh ủy khi đó - ông Phạm Minh Chính - rồi nói: Tôi biết ông là nhà lãnh đạo rất năng động, nhưng tôi xin được hỏi mấy câu.

“Ông ấy liền hỏi 4 câu”, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh kể.

Một câu hỏi về kết cấu cơ sở hạ tầng từ Hà Nội xuống Vân Đồn, từ các nước sang Vân Đồn vì thời điểm đó tất cả vẫn là số 0. Một câu hỏi về quy hoạch tầm quốc gia cho Vân Đồn. Một câu hỏi về sự cần thiết phải có luật vì “đầu tư lớn hàng chục tỷ đô la thì không thể làm bằng nghị định”. Câu cuối cùng: Ai là người có thẩm quyền  thay mặt Thủ tướng để quyết định các vấn đề liên quan đầu tư, nhà đầu tư?

{keywords}
Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Phạm Công

Bốn câu hỏi ấy làm các lãnh đạo Quảng Ninh thức tỉnh dù khi đó chưa thể có câu trả lời đầy đủ cho nhà đầu tư tiềm năng kia. Nhưng không để những câu hỏi trôi qua, nhiều năm sau đó, Quảng Ninh miệt mài đi tìm câu trả lời.

“Điều đó cho thấy muốn thu hút được đầu tư, mọi cái đều đi từ việc người ta cần gì và mình đáp ứng được gì”, ông Thành đúc rút.

Khi đó, ông Phạm Minh Chính cùng Thường vụ Tỉnh ủy đã vạch ra các đột phá chiến lược để Quảng Ninh đi lên. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện nguồn nhân lực, thu hút các nguồn lực đầu tư…

Từ quy hoạch sẽ ra tiền

Câu hỏi của vị tỷ phú nọ cũng đã toát lên thực trạng hạ tầng ở Quảng Ninh 10 năm về trước. Hạ tầng thời ấy được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký điểm lại bằng những con số.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt. Bản thân quy hoạch là nguồn lực chứ không phải là văn bản thông thường. Ảnh: Phạm Công

“Sau năm 2010, Quảng Ninh đối diện nút thắt hạ tầng. Ai đi ra Vân Đồn thì chỉ đứng từ xa nhìn, không tiếp cận được. Còn đi từ Đông Triều về Hạ Long ì ạch mất 3 tiếng. Từ Hà Nội về Hạ Long mất 5-6 tiếng. Còn đi từ đầu Quảng Ninh là thị xã Đông Triều đến cửa khẩu Móng Cái gần như mất 1 ngày”, ông Nguyễn Xuân Ký nhẩm tính.

“Những năm tháng vất vả ấy là bước đi đầu tiên thế hệ lãnh đạo thời Bí thư Phạm Minh Chính phải vượt qua”, ông Ký bộc bạch.

Rõ ràng, cải thiện hạ tầng trở thành một trong những điểm đột phá để Quảng Ninh bứt tốc. Nhưng hạ tầng “ngốn tiền” khủng khiếp. Năm 2010, Quảng Ninh chỉ mới thu ngân sách được 21.900 tỷ đồng, 70% trong số đó là thu từ xuất nhập khẩu - nguồn thu của ngân sách trung ương. Mấy nghìn tỷ còn lại không đủ để làm gì lớn lao.

Muốn có tiền, phải thu hút được nhà đầu tư. Muốn thu hút được nhà đầu tư, phải có quy hoạch. Dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính, từ năm 2012, Quảng Ninh bắt tay làm quy hoạch với sự góp mặt của nhiều tư vấn hàng đầu thế giới như Mckinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei Civil Engineering- NSC, NIPPON KOEI (Nhật Bản)…

Năm 2014, Quảng Ninh hoàn thành 7 quy hoạch chiến lược. Đây là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, trong đó có đầu tư tư nhân.

“Họ (tư vấn quốc tế) nói tiền từ quy hoạch này ra hết”, ông Thành nhớ lại. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên xin cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính tại buổi lễ công bố quy hoạch chiến lược tỉnh, tháng 9/2014. Ảnh: quangninh.gov.vn

Hợp tác công - tư cũng là ý tưởng bắt nguồn từ những nhà tư vấn quốc tế. Ngay sau đó, Quảng Ninh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để xin làm thí điểm và được đồng ý.

Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, các hình thức được lựa chọn là: Lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công. Ngày 5/12/2013, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết 10-NQ/TU chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư công - tư với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công”…

Giải thích lý do có nghị quyết này, ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ: Mục tiêu lớn nhất lúc bấy giờ là thay đổi nhận thức, bởi mở đường phải từ tư duy nhận thức. Phải đi đầu, mà muốn đi đầu thì phải bắt đầu từ lãnh đạo Tỉnh ủy.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ra đời trong hoàn cảnh như thế. Tổng vốn đầu tư huy động được ngoài ngân sách đến nay đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Quảng Ninh tính toán cứ 1 đồng ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đã thu hút được 8-9 đồng từ vốn đầu tư ngoài ngân sách. Nguồn vốn ngân sách chỉ để tập trung cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội, y tế như bệnh viện sản - nhi, bệnh viện thị xã Quảng Yên, bảo tàng thư viện tỉnh…

Dùng nội lực đầu tư hạ tầng

“Doanh nghiệp làm sân bay, bến cảng, cao tốc như vậy chắc chỉ có ở Quảng Ninh. Bởi vì họ tin cam kết của tỉnh, tin rằng trong dài hạn họ sẽ thu được phần đã đầu tư ra dù bài toán không hề dễ dàng”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Theo ông, nếu đầu tư làm bất động sản, họ sẽ thu tiền rất nhanh nhưng làm sân bay, bến cảng là sự đầu tư mạo hiểm.

{keywords}
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do tư nhân đầu tư. Ảnh: Phạm Công

Nhưng không phải không có hoài nghi khi Quảng Ninh dám làm những điều chưa từng có ấy. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là ví dụ. Dù đã định ngày động thổ, giấy mời đã phát đi, nhưng Quảng Ninh phải đột ngột hủy khi có lãnh đạo cấp cao vẫn còn băn khoăn “lấy đâu ra tiền làm”. Phải mất một thời gian dài thuyết phục lại, dự án này mới khởi công được.

Trên cơ sở thí điểm của Quảng Ninh và một số đơn vị bộ, ngành Trung ương, Chính phủ đã ban hành nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Năm 2020, Quốc hội đã ban hành luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Khó khăn nhất ngày đầu là thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khí thế cho cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Ký nhớ lại, “Nếu không có niềm tin, không ai bỏ tiền ra vì lúc ấy chưa có luật”.

Ông đúc kết: Vài nghìn tỷ vốn ngân sách đã tạo thành vốn mồi, làm được cầu Bạch Đằng, đường cao tốc, sân bay, bến cảng. Tất cả là nhờ 7 bản quy hoạch được lập từ 2012. Quy hoạch là chỉ dẫn vô cùng quan trọng, vừa là chỉ báo, niềm tin vừa là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính quyền với nhà đầu tư. Bản thân quy hoạch là nguồn lực chứ không phải là văn bản thông thường. Một bản quy hoạch tốt có thể biến một khu vực hoang hóa gia tăng giá trị.

“Quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt. Có dự án tốt sẽ có nhà đầu tư tốt”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhắc lại câu nói quen thuộc của ông Phạm Minh Chính khi còn trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Vân Đồn trong con mắt của tỷ phú Mỹ khi xưa giờ đây đã khác: Có đường, có cầu, có sân bay, thay da đổi thịt từng ngày. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, gần 10 năm nay, Quảng Ninh cũng vụt sáng thành “ngôi sao cải cách”, tiên phong thí điểm những chính sách mới mẻ, thăng hạng ngoạn mục trên các bảng xếp hạng, đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.

Gần 10 năm trước, tỷ phú Mỹ đặt ra những câu hỏi rồi rời đi. Đó là 1 đề bài, 1 thách thức mà lãnh đạo Quảng Ninh đã vượt lên để lần lượt có lời giải cho chính mình. Câu trả lời ý nghĩa nhất chính là tập đoàn của vị tỷ phú Mỹ nọ giờ đây bắt đầu có những tín hiệu quay trở lại. 10 năm trước, Quảng Ninh phải đi khắp nơi mời gọi đầu tư thì nay đã thành một cực hút và có thể tự tin sàng lọc nhà đầu tư theo chiến lược của mình.

Chặng đường 10 năm, với những cú vượt rào, bứt phá để tạo dựng những trụ cột phát triển, Quảng Ninh đã trở thành 1 cực phát triển đúng với tiêu chí mong đợi "hội tụ - lan toả".

Nguyên Bí thư Phạm Minh Chính từng đặt mục tiêu đến 2020, Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc. Giờ đây, Bí thư Nguyễn Xuân Ký tự tin nhấn mạnh "đã thành sự thật". Thành quả đạt được ấy chính là nguồn lực, là động lực quý giá để Quảng Ninh tiếp tục hành trình tìm tòi, đổi mới sáng tạo để tiếp tục mục tiêu đề ra.

* Kỳ tới: Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân Asin

Lương Bằng 

Khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thẳng vào tâm dịch

Khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thẳng vào tâm dịch

Cuối tháng 1, đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở Quảng Ninh, nặng nề nhất là thị xã Đông Triều. Tình thế cấp bách, tỉnh khẩn trương bắt tay vào cuộc chiến với những biện pháp thần tốc.