Cách đây ít hôm, tôi có một tranh luận nho nhỏ về chủ đề view trên báo chí online. Một người nói giọng phê phán, các anh giờ có xu hướng chạy theo “sốc sếch sến”, toàn “giật tít câu view”. Tôi không phủ nhận xu thế này, nhưng giải thích rằng, view là thước đo để báo chí sống được. Các khách hàng thường căn cứ vào view – độ phủ của tờ báo đến độc giả - để ra giá quảng cáo. View cao còn có quảng cáo, view thấp thì chả ai quan tâm. Rất nhiều tờ báo hiện nay đã tự chủ về tài chính, không được “bao” bất kỳ thứ gì từ Nhà nước mà không có view thì “chết”.

Tất nhiên, tôi bổ sung thêm, ngoài view thì chúng tôi vẫn cần những bài báo nghiêm túc, tử tế, tốn công sức để làm tăng uy tín của tờ báo. Tóm lại, chúng tôi phải đi hai chân, một bên là view, bên kia là bài tử tế nhưng ít view giúp làm tăng uy tín của tờ báo. Một cơ quan báo chí đâu có khác gì một một doanh nghiệp, cũng phải lo đầu vào, đầu ra, lo “cơm áo gạo tiền”. Hơn nữa, báo chí còn lại phải gánh vác nhiều nhiệm vụ chính trị khác để làm “công cụ” nữa. Giải thích của tôi chắc là thuyết phục được mấy vị đó nên câu chuyện chuyển sang đề tài khác.

{keywords}
Chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ của báo chí không ít khi được tính qua view. Ảnh Vneconomy.

Những cuộc tranh luận như thế này thực tế đã bắt đầu từ lâu nhưng gần đây càng nổi lên nhiều hơn trong làng báo, nhất là báo online. Nhiều đồng nghiệp của tôi kể, bài báo mà không được 300 view thì không có một xu nhuận bút; có báo không chấm nhuận bút khi bài không đạt 2.000 view; thậm chí có báo mà bài đến 10.000 view mà vẫn không có nhuận bút. Không ít tờ báo ra quy chế về nhuận bút, trong đó tiêu chí view là quyết định. Nhiều đồng nghiệp kể, họ không có nhuận bút vì tin bài không đủ view. Đó là một thực tế đầy nghiệt ngã mà ít người làm ngành nghề khác hình dung được.

Còn nhớ, năm 1997 khi bắt đầu làm báo, tôi nhận những đồng nhuận bút đầu tiên, khoảng 200-300 ngàn đồng cho mỗi bài và khoảng gần 100 ngàn cho mỗi tin - không phải quá dư dả nhưng cũng kha khá để sống. Một số đồng nghiệp ở các báo lớn khác còn cho biết, mức nhuận bút của họ còn cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Nay thì sao? Mức nhuận bút hiện nay vẫn giữ nguyên ở ngay chính các tờ báo đó, sau hơn 20 năm. Mọi so sánh là khập khễnh nhưng cần nhắc lại, hồi đó báo chí cũng chịu tác động rất lớn từ khủng hoảng tài chính khu vực mà vẫn trả được nhuận bút như ngày nay; và ngày nay, sau bao biến động bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, kéo dài mà mức nhuận bút vẫn như cách đây hai thập kỷ thì quả là rất đáng buồn.

Nhưng đó là thực tế không thể chối bỏ.

Kinh tế báo chí đang là vấn đề lớn, đại sự, đặc biệt với những tờ báo tự chủ về tài chính, không còn được rót một xu, một cắc nào từ bầu sữa ngân sách, không được ưu ái về trụ sở, về cơ sở vật chất, thuế má...

Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí mà thôi. Một khía cạnh khác, nhuận bút cho phóng viên không cao lên được do đầu vào, hay nguồn thu của báo chí, nhất là online, đang có vấn đề nghiêm trọng.

Theo ANTS và một vài nguồn tin khác, được ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Tập đoàn truyền thông Le Bros trích dẫn trong loạt bài đăng trên Tuần Việt Nam, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này. Dự báo hết năm nay tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến sẽ gia tăng lên khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD. Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Những số liệu đó rất tương đồng với số liệu của Kantar Media, một công ty tư vấn dữ liệu hàng đầu thế giới, về doanh thu quảng cáo online ở Việt Nam ở bảng dưới đây:

{keywords}
Miếng bánh quảng cáo online cho báo chí (màu vàng) còn tẻo teo, nguồn Kantar Media.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media phân tích, bảng trên cho thấy bức tranh chi cho quảng bá trên các kênh truyền thông trong 12 năm qua ở Việt Nam, ở đó tivi luôn chiếm ít nhất 70% tổng chi tiêu quảng cáo, có năm lên đến 88%, còn phần “bánh” của các loại hình truyền thông khác “bé xíu”, có năm chỉ còn chừng 12%. Từ 2016 media online bắt đầu bùng nổ nên chi cho các kênh trực tuyến có khá hơn, có năm lên được trên 20% tổng chi. Tuy nhiên, các loại hình truyền thông khác ngoài Tivi yếu đi nhanh, thậm chí gần như bị dẹp (báo in), nên phần chi cho các kênh truyền hĩnh vẫn chiếm 70% chi tiêu.

Trong khi đó, do các nền tảng Google và Facebook lại chiếm phần lớn quảng cáo của các kênh trực tuyến, nên các loại hình truyền thông trên Internet, trong đó có báo online, của Việt Nam còn khá ít. Trong bảng trên, phần bánh cho các báo online ở Việt Nam ngày càng suy giảm theo thời gian, và đến nay chỉ còn vỏn vẹn vài phần trăm.

Ông Ngọc nói: “Trong miếng bánh quảng cáo online thì Facebook và Google ăn hết phần lớn, phần còn lại cho báo online chỉ chút xíu vài phần trăm mà thôi”.

Như vậy, những nhà báo và các cơ quan báo chí, những nơi làm ra nội dung, được hưởng lợi rất ít, không tương xứng trong miếng bánh quảng cáo, dù miếng bánh đó đã to ra đáng kể. Phần lớn miếng bánh đó đã được dành hết cho Google và Facebook, nơi chỉ cung cấp nền tảng công nghệ chứ không đóng góp một chút gì về nội dung. Tất nhiên, những nền tảng đó mang lại nhiều giá trị cho chính báo chí, nhưng những giá trị cao nhất về bản quyền, về tài chính bị coi nhẹ, phớt lờ. Vậy có công bằng hay không?

Trong khi đó, xét về khía cạnh kinh tế, báo chí là một ngành kinh tế. Tuy nhiên, dù đã tự chủ, nhưng nhiều tờ báo chưa bao giờ được cư xử như là các đơn vị có doanh thu, còn ngành báo chí cũng chưa bao giờ được đối xử như là một ngành kinh tế do vai trò là “công cụ”. Tin bài cũng như sản phẩm của doanh nghiệp. Tin bài có chất lượng, thõa mãn nhu cầu của bạn đọc thì người ta mua, không thì người ta không mua. Tin bài không hay mà cho không, hay bắt đọc người ta cũng không đọc. Đó là chưa nói, báo chí vẫn là công cụ để Nhà nước phổ biến các chính sách, luật pháp, chỉ đạo, điều hành. Không phủ nhận vai trò “công cụ” nhưng lẽ ra, cần tách bạch, phân định các vai trò này thì tốt hơn cho báo chí.

Khi còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp đã không ít lần đề nghị cần có quỹ xuất bản để tài trợ cho các tác phẩm tốt, trong đó có báo chí. Ông nói đầy tiếc nuối: “Xoá bao cấp là xoá những cái cần xoá để có tiền bao cái cần bao”. Cho nên báo chí, xuất bản hay một số ngành nghệ thuật phải “bao” vì báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước nên cần có sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước ngược lại cho báo chí. Rất tiếc, ý định này chưa thành hiện thực.

Ngày Nhà báo 21/6 đã qua đi, cũng như đã qua đi những lời chúc mừng, vinh danh. Tôi vẫn muốn chúng ta trầm lại một chút để nói và chia sẻ về đề tài kinh tế, tài chính, hay chuyện “cơm áo gạo tiền” đang đè nặng lên nhiều cơ quan báo chí, nhiều đồng nghiệp mỗi ngày.

Tư Giang