Dù bất cứ mô hình nào thì vai trò của nhà nước trong nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Nhà nước giúp chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, cung cấp dịch vụ công, phúc lợi xã hội, chống độc quyền, bảo vệ môi trường, thậm chí cả việc đầu tư, kinh doanh, điều hành các doanh nghiệp nhà nước, cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế… 

Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế ra thành 4 nhóm chức năng: (1) tạo lập nền tảng của thị trường; (2) khắc phục khuyết tật của thị trường; (3) cung cấp dịch vụ công, phúc lợi xã hội; và (4) tham gia phát triển kinh tế. 

Nhà nước nên làm tốt từng nhóm chức năng theo thứ từ từ nhỏ đến lớn. Tức là đầu tiên phải tạo lập được nền tảng của thị trường rồi mới nghĩ đến chuyện khắc phục khuyết tật. Khắc phục khuyết tật thật tốt rồi mới nghĩ đến cung cấp dịch vụ công, phúc lợi xã hội. Cung cấp dịch vụ công tốt rồi mới tham gia phát triển kinh tế. 

Nhưng có lẽ, chúng ta đang cố gắng làm ngược lại, tập trung vào vấn đề tham gia phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ công, phúc lợi xã hội, trong khi các nền tảng của thị trường chưa được giải quyết thấu đáo.

Nền tảng thị trường là gì? Đó là bảo vệ quyền tài sản và quyền hợp đồng. 

{keywords}
Nhà nước không nên sản xuất và kinh doanh sữa.

Yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất của kinh tế thị trường là tài sản và hợp đồng. Bảo vệ tài sản khiến người ta tin tưởng rằng mình được hưởng thành quả lao động của mình, vì vậy người ta sẽ lao động nhiều hơn. Bước từ bao cấp sang đổi mới, một trong những cam kết quan trọng của Hiến pháp là bảo vệ tài sản sinh hoạt của người dân, do đó người nông dân, công nhân mới chăm chỉ làm việc, chứ không “lười” như thời bao cấp. 

Quan trọng hơn, bảo vệ tài sản khiến người ta yên tâm đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất cần đầu tư, từ đầu tư nhà máy, thiết bị, xây dựng, đầu tư cho thương hiệu, cho nghiên cứu sáng tạo. Nền kinh tế không thể chỉ sống nhờ nông nghiệp tay chân, nhờ bán lẻ, xe ôm, cắt tóc, gội đầu… mà cần có đường cao tốc, sân bay, cần có xây dựng, nhà máy, có điện, có thương hiệu, sáng chế. Tất cả những lĩnh vực lớn, bé này đều cần đầu tư dài hạn. 

Đầu tư sẽ biến tiền trở thành tài sản, nhưng tài sản đó mất thời gian rất dài để có thể thu hồi vốn. Vậy nếu trong thời gian đó có những rủi ro thì sao? Từ việc bị thu hồi đất và công trình, cây trồng lâu năm gắn liền với đất, cho đến việc bị ngừng, bị cấm kinh doanh vì những thứ giấy phép con và sự tuỳ tiện của cán bộ nhà nước. 

Chẳng ai đầu tư vào nghiên cứu chế tạo để có được các sáng chế, tài sản trí tuệ nếu biết rằng nó có thể bị đối thủ cạnh tranh hoặc người lao động của mình ăn cắp mà doanh nghiệp không có cách nào để được bảo vệ. Chẳng ai bỏ tiền làm thương hiệu, đi làm chứng nhận tiêu chuẩn cao cấp nếu hàng giả, hàng nhái tràn lan, hay việc giả nhãn mác, giả xuất xứ diễn ra nhan nhản. 

Thứ quan trọng thứ hai là quyền hợp đồng. Muốn kinh tế vận hành chúng ta phải có các hợp đồng. Nhưng người ta sẽ làm thế nào khi đối tác nhận tiền nhưng không giao hàng, hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng, làm thế nào khi người lao động được cử đi đào tạo nhưng lại về làm cho đối thủ, làm thế nào khi con nợ không trả nợ? 

Khởi kiện ra toà ư? Với thời gian xét xử tính bằng năm, nộp đơn đã khó, được thụ lý cũng khó, rồi để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, để không bị tạm đình chỉ, để không bị kháng nghị tuỳ tiện, không bị trả án xét xử lại đã là một hành trình gian truân. Đến khi thi hành án thì trung bình chỉ đòi được 32% số tiền kể cả khi con nợ còn tài sản.

Vậy nên, Nhà nước cần tập trung nhiều hơn vào việc cắt giảm giấy phép con, tăng cường kỷ luật cán bộ, chống hàng giả, hàng nhái, bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả của xét xử và thi hành án dân sự. Còn những việc như chiếu phim lưu động cho bà con, xây nhà hát nghìn tỷ, điều hành doanh nghiệp nhà nước bán bia, bán sữa, trợ cấp hoạt động của các đoàn hội… thì Nhà nước thư thư hẵng làm cũng được.

Nguyễn Minh Đức