ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Sách hiếm của chính trị gia Việt Nam
Câu chuyện rực rỡ và bi thảm về thế giới
(Ảnh minh họa: nguồn Pinterest) |
Vậy là Hector quyết định đơn thương độc mã thực hiện một hành trình vòng quanh thế giới, từ Paris đến Trung Quốc, châu Á, châu Phi, Hoa Kỳ... để quan sát cuộc sống của những người anh gặp, với hy vọng tìm ra bí mật của hạnh phúc. Tại mỗi địa phương, anh lại tìm thấy những lý giải khác nhau về hạnh phúc, cũng như đau khổ.
Tác giả Francois Lelord |
Một trong những cuốn sách diễn giải hay nhất, một ngụ ngôn hấp dẫn, hài hước và thú vị. Tác giả của nó - Francois Lelord chính là một bác sĩ tâm thần từng có sự nghiệp thành công cả ở Pháp và Mỹ. Trong một chuyến đi tới Hong Kong, nhân vật Hector đã nảy ra trong đầu ông. Cuốn sách đã đạt được những thành công to lớn ở Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác nữa. Sau này, ông dành nhiều thời gian cho việc viết lách và du lịch.
Vị sư già nhìn Hector lần nữa, mỉm cười nói: “Thật là một ngày đẹp trời, chúng ta cùng đi dạo một chút nhé!”. Khung cảnh bên ngoài thật hùng vĩ. Họ có thể thấy cả núi non, biển cả lẫn bầu trời. Hector cảm thấy đôi chút hồi hộp khi sánh bước cùng vị sư già tôn quý như vậy, và anh cũng không biết nói gì với ông. Nhưng anh cũng cảm thấy ông không hề mong anh nói gì đó đặc biệt thông thái, mà chỉ đơn giản muốn anh cùng chia sẻ vẻ đẹp nguy nga lộng lẫy của đất trời. Ông nói: “Sự thông thái đích thực là khả năng sống không cần tới cảnh đẹp này mà vẫn là chính mình ngay cả khi đang ở dưới đáy giếng. Nhưng điều đó, phải chân thành mà nói, hoàn toàn không dễ.” Hector hiểu rằng ông đã trải qua điều ông vừa nói, cảnh sống dưới đáy giếng. Họ dừng lại một lúc lâu để ngắm nhìn mây bay, ngắm nhìn mặt trời và làn gió lượn bay trên khắp ngọn núi. Hector tự hỏi tại sao đây lại không là một bài học cơ chứ: Hãy dành thời gian để ngắm nhìn vẻ đẹp của thế giới. Ngay lúc đó, một vị sư trẻ tuổi xuất hiện trên con đường mòn phía sau lưng họ. Anh ta nói gì đó bằng tiếng Trung Quốc với vị sư già rồi trở lại khu vườn của tu viện, nơi có những vị sư khác đang làm vườn (dạng làm vườn đặc biệt nhìn thì dễ, nhưng rất khó giải thích bằng lời). Vị sư già nói: “Có một vị khách đang chờ ta. Nhưng ta thực sự rất vui vì chúng ta đã dành thời gian bên nhau như vậy.” Kể từ khi rời khỏi đây lần trước, Hector đã mong muốn hỏi vị sư già một câu hỏi, và giờ thì anh đánh liều: “Lần trước gặp thầy, thầy đã nói với tôi rằng: Thật sai lầm khi nghĩ hạnh phúc là một mục tiêu. Tôi không chắc là tôi hiểu câu này.” “Đó là ta nói đến những mục tiêu mà trong xã hội văn minh các anh vẫn rất giỏi đặt ra, và chúng ngẫu nhiên giúp các anh đạt được rất nhiều điều thú vị. Nhưng hạnh phúc là một điều hoàn toàn khác. Nếu anh cố gắng đạt được nó, thì anh luôn có nguy cơ thất bại. Bên cạnh đó, làm sao mà anh biết được là mình đã đạt được mục tiêu hạnh phúc rồi? Tất nhiên là chúng ta không thể đổ lỗi cho con người, đặc biệt là những người bất hạnh, về ước muốn trở nên hạnh phúc hơn, về việc đặt ra cho mình những mục tiêu thoát khỏi tình trạng bất hạnh của mình.” “Ý thầy nói là cùng một bài học nhưng không thể áp dụng chung cho tất cả mọi người?” Vị sư già nhìn Hector và nói: “Anh có nói với tất cả bệnh nhân của mình cùng một điều hay không?” Hector suy nghĩ một lúc rồi trả lời không, rằng những gì anh nói tùy thuộc vào tính cách của họ, vào việc họ trẻ hay già, họ có thực sự nếm trải nỗi bất hạnh hay không. “Anh thấy rồi đấy, chuyện này cũng tương tự như vậy thôi.” Hector lại suy nghĩ thêm chút nữa rồi nói, dù anh không nói với tất cả các bệnh nhân của mình cùng một điều, nhưng có những nguyên tắc cơ bản mà anh thường áp dụng, đặc biệt với những người có chứng buồn bã hay sợ hãi: anh giúp họ phân biệt giữa những gì họ nghĩ về bản thân họ cũng như về người khác, và thực tế. Các bệnh nhân này thường có xu hướng nghĩ rằng những gì mình nghĩ đều là sự thật, nhưng thường thì không hoàn toàn như vậy. “Thế đấy, nó vẫn như vậy thôi. Giờ thì chúng ta quay trở lại nào.” Ông quay ngược lại con đường trở về tu viện. Hector đi theo ông, tự hỏi ý ông là gì. Khi họ đã đến cổng tu viện, vị sư già bảo anh đợi một chút vì ông có một thứ để đưa cho anh. Có một người Trung Quốc cũng đang đợi ở đó, và Hector nhận ra đó chính là vị khách mà vị sư trẻ đã báo. Nhưng người đàn ông này không ăn mặc giống như một vị sư mà giống một người đến từ thành phố, với đồ vét và cà vạt. Trong chuyến đi này, Hector đã hình thành thói quen bắt chuyện với người lạ. Thế là anh tự giới thiệu về bản thân với người đàn ông Trung Quốc kia – người nói tiếng Anh giỏi hơn hẳn anh. Hóa ra cả hai đều là bác sĩ. Người đàn ông Trung Quốc ấy là một chuyên gia, và cũng như một số trường hợp ở trước, chúng tôi sẽ không nói tên ông để bạn khỏi phải bận tâm. Vị sư già quay lại, cầm trên tay hai chiếc chén màu xanh và trắng với những nét hoa văn rất đẹp. Ông bảo Hector: “Đây là chén cưới. Anh có thể làm quà tặng hay giữ chúng cho riêng mình cũng được”. Ông lại cười rồi chào tạm biệt Hector. Ra khỏi bậc cửa, Hector quay lại và trông thấy vị sư già lẫn bác sĩ Trung Quốc đều nhìn theo anh. Vị sư già mỉm cười rồi đưa tay lên vẫy chào, khiến Hector lại liên tưởng đến Djamila. Bên ngoài vẫn là một ngày đẹp trời, nhưng sao Hector lại cảm thấy hơi buồn. Anh ngừng lại, cho hai chiếc chén vào túi bởi không muốn làm vỡ chúng chút nào. Giữa hai chiếc chén là một mẩu giấy nhỏ. Trên đó là dòng chữ: 20-13-10. Bài học số 20: Hạnh phúc là ở cách ta nhìn nhận sự việc. Bài học số 13: Hạnh phúc là cảm thấy mình có ích cho người khác. Bài học số 10: Hạnh phúc là được làm công việc mà mình thích. Hector tự nhủ đây là những bài học hay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. |
Vân Sam