Nếu nhìn vào hành trình “bắt chước ” của Sơn Tùng chắc chắn sẽ là sự khâm phục, bởi chàng trai trẻ này “bắt chước” có chọn lọc và có tính toán.


Rất nhiều những ca khúc Sơn Tùng sáng tác và trình diễn bị soi có “đạo nhạc” hay không, phong cách trình diễn và cả phong cách thời trang có “nhái” ca sĩ nào hay không. Và không ngạc nhiên là phần nhiều trong số đó bị cho là giống.

Đỉnh điểm là ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”, ca khúc viết cho phim “Chàng trai năm ấy” ồn ào suốt những tháng cuối năm 2014 vừa qua.

{keywords} 

Sẽ không có gì là ầm ĩ nếu đó không phải là bản “hit” phá vỡ một loạt các kỉ lục xem và nghe trên các trang nhạc, sẽ không ầm ĩ nếu nó không phải là của Sơn Tùng, không phải là nhạc phim đình đám.

Bị so sánh và cho là “đạo” lại ca khúc “Because I miss you” của Hàn Quốc, giữa hai luồng dư luận phản ứng và ủng hộ, thậm chí Cục bản quyền và Bộ Văn hóa - Thể thao và  Du lịch cũng vào cuộc.

Tuy nhiên không có một kết luận, văn bản hay án phạt nào kết tội Sơn Tùng “đạo”, “nhái”, cũng không có bất kì sự phản ứng tiêu cực nào từ nam ca sĩ này.

Thậm chí chàng ca sĩ trẻ này còn thẳng thắn bày tỏ anh yêu thích âm nhạc Hàn, những sáng tác và biểu diễn cũng một phần ảnh hưởng từ âm nhạc đất nước Kim Chi này.

Đây là sự thẳng thắn của một nghệ sĩ trẻ mới làm nghề nhưng không trốn tránh và không đôi co.

Vậy thì sự ảnh hưởng và học hỏi từ một nền văn hóa phát triển đi trước có được coi là “đạo” khi cái ranh giới đó trong nghệ thuật rất khó phân  định.

Nhưng nhẹ hơn sự ảnh hưởng có thể gọi là “bắt chước” và sự “bắt chước” của Sơn Tùng là có chủ đích và gặp thời.

Sơn Tùng - "Kẻ bắt chước” gặp thời

Văn hóa giải trí là sự ảnh hưởng và tiếp nối, đặc biệt là đối với nền văn hóa của các quốc gia chậm phát triển như chúng ta.

Từng có thời kì sự thịnh vượng của Pop, Cantro Pop sản sinh ra những tên tuổi như Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh…với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt.

Rồi cũng có những thời kì nền âm nhạc giải trí ảnh hưởng những boyband, girlband khi bảng xếp hạng âm nhạc MTV thu hút hàng triệu người xem.

Và sau đó là những trào lưu Hiphop, Rap…còn hiện nay là làn sóng văn hóa K-pop đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ với âm nhạc trong nước.

Cũng có nhiều phản ứng là a dua, học đòi, rồi là “đạo” với “nhái” ở những làn sóng âm nhạc này.

Có người thì “chôm” hẳn của người ta nói là của mình, có người thì “chôm” một phần, và có người chỉ là ảnh hưởng…

Cái sự ảnh hưởng từng thời kì rất rõ nét trong đời sống văn hóa giải trí Việt.

{keywords} 

Nhưng với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của K-pop đến toàn cầu như hiện nay thì tại Việt Nam không riêng gì Sơn Tùng mà rất nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ cũng nghiêng ngả với K-pop.

Nhưng nhiều trong số đó không bị để ý và tạo dư luận như Sơn Tùng, có thể họ không thành công và chưa có duyên.

Bởi thế, ca sĩ trẻ như Sơn Tùng với kinh nghiệm và thời gian tiến vào showbiz chưa đủ nhiều, cũng bởi tài năng chưa có dịp mài dũa nên văn hóa và âm nhạc K-pop ảnh hưởng rất sâu trong cả phong cách lẫn sáng tác.

Nhưng không thể phủ nhận, “Kẻ bắt chước” - Sơn Tùng đã thực sự gặp may và cái sự may mắn này một phần đến từ tài năng và phần nữa đến từ sự tính toán thông minh và bài bản.

Nếu hỏi “bắt chước” có đáng được tôn vinh không thì câu trả lời chắc chắn là không, và nếu hỏi có đáng bị lên án không thì phần nhiều trong đó chắc chắn là có.

Nhưng nếu nhìn vào hành trình “bắt chước ” của Sơn Tùng chắc chắn sẽ là sự khâm phục, bởi chàng trai trẻ này “bắt chước” có chọn lọc và có tính toán.

Tùng chọn theo phong cách của Hàn, bởi nó đang có sự ảnh hưởng đến văn hóa giải trí toàn cầu không riêng gì ở Việt Nam, chứ dại gì chọn những cái mờ nhạt.

Tùng chọn những tên tuổi đáng để so sánh như D-dragon, TOP hay Big Bang… chứ chẳng dại gì chọn những tên tuổi không ai biết.

Và rõ ràng Tùng thành công bởi mỗi sự so sánh là một sự chú ý mạnh mẽ đến Tùng từ bài hát đến phong cách biểu diễn lẫn phong cách thời trang.

Người ta không ngừng chê bai, chế giễu Tùng, nhưng họ cũng không ngừng nghe ca khúc của Tùng, thậm chí là thuộc nhiều ca khúc của Tùng là đằng khác.

Không thiếu quán cafe, siêu thị mở ca khúc của Tùng hát, không thiếu những hình ảnh cụ già tập thể dục lấy nhạc của Tùng về nhảy ở công viên, và đặc biệt rất nhiều trẻ em cũng thuộc những bài như: Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về...

Cũng thật lạ họ chê sáng tác của Sơn Tùng khó nghe nhưng lại thuộc rất nhiều bài hát của Tùng, họ chê tùng biểu diễn “bắt chước” nhưng cũng lại mê mẩn phong cách ấy.

Cũng may Tùng ít bị chê hát dở và diễn không hay.

“Bắt chước” thì sao mà coi là tài năng được, nhiều người bĩu môi và chê bai Tùng không thương tiếc.

Thậm chí còn coi Tùng là sự xấu hổ của âm nhạc Việt. Nhưng cũng nhiều người lại coi Tùng là tài năng, mà là người trẻ tài năng thật sự.

Không tài năng sao được khi mà sự xuất hiện của Tùng thôi cũng trở thành sự tranh cãi nảy lửa giữa làn sóng ủng hộ lẫn phản đối, đâu phải nghệ sĩ trẻ nào cũng có được cái sự quan tâm đó.

Mỗi ngày biết bao bài báo nhắc đến Tùng, bao nhiêu comment nhận xét về giọng ca này.

Không tài năng sao được khi mà liên tiếp có nhiều bài “hit” như vậy chỉ trong quãng thời gian ngắn 2 năm, mà toàn là “hit” khủng với số lượng người nghe và xem thuộc hàng kỉ lục, số lượng fan hâm mộ và cả antifan cũng lên con số khủng khiếp.

Đặc biệt Tùng chỉ hát những bài Tùng sáng tác, kiên định điều đó chứ chưa hề cover ca khúc của ai.

Không tài năng sao được khi vừa hát, vừa sáng tác mà đóng phim cũng được đánh giá tốt về diễn xuất.

Giải thưởng “diễn viên triển vọng” ở cánh diều vàng vừa qua là một minh chứng. Thành công của “Chàng trai năm ấy” cũng phần nhiều sự đóng góp của giọng ca “Không phải dạng vừa đâu”.

Ai cũng thấy rõ từ phong cách thời trang, biểu diễn, và cả ca khúc sáng tác của Tùng có dấu ấn rất nhiều từ âm nhạc K-pop.

{keywords} 

Nhưng cái duyên sân khấu và chất nghệ sĩ ở ca sĩ trẻ này mới là điều đáng chú ý, ở bất cứ sân khấu nào khi có Sơn Tùng biểu diễn là có sự hấp dẫn khán giả rất lớn.

Tùng diễn từ chính cái chất từ con người của Tùng, không có sư chau chuốt, bài bản theo một công thức sẵn có, ấy vậy mà lại duyên.

Đến "cơn sốt" không có dấu hiệu hạ nhiệt

Trở lại với âm nhạc sau những lùm xùm về nghi án đạo nhạc bằng sân chơi The Remix, với ekip quản lý mới và lọc lõi chuyên nghiệp, lần nữa cái tên Sơn Tùng nóng hơn ai hết.

Sự tính toán đó có phần chuyên nghiệp hơn rất nhiều, khi mỗi phần thi là một lần khán giả và truyền thông phải nhớ.

Từ đạo cụ biểu diễn như chiếc kẹo, ghế ngồi, sáng tác mới … cũng đủ làm điên đảo khán giả.

Cái sự giống mà lại không giống ai đó dễ làm người ta so sánh, dễ làm người không ưa khó chịu, nhưng về mặt truyền thông nó lại là sự thành công lớn dễ làm người ta nhớ.

Ngay cả khi đứng im một chỗ, sắc thái lạnh, thậm chí nghỉ diễn vì ốm cũng là đề tài bàn tán.

Kẻ chê người cười, kẻ ủng hộ người giận dữ, nhưng mặc nhiên họ cứ lao vào xem và bàn tán.

Chỉ nhìn vào số lượng view trên youtube phần trình diễn của Sơn Tùng thôi cũng đủ làm cho các đối thủ còn lại muốn có được như vậy.

Rõ ràng Sơn Tùng không ngây ngô và vô tư như vậy, mà là cả sự tính toán có chủ đích bởi một ê kíp chuyên nghiệp. Hơn hết là Tùng biết mình đang làm gì trong cái duyên sân khấu và tài năng của mình.

Cơn sốt thì có thể một thời gian ngắn sẽ hạ nhiệt, đến ồn ào như Uyên Linh rồi cũng mau chóng nguội.

Chưa biết “cơn sốt” của Sơn Tùng lúc nào sẽ hạ, nhưng có vẻ như thời điểm đó còn xa khi mà lượng khán giả đang ngày một tăng, tài năng cũng đang có sự chuyển biến có học hỏi, đặc biệt là năng lượng biểu diễn và sáng tác cũng đang gặp thời.

Cộng với sự quản lý của một nhà sản xuất rất ‘lỏi” về thị trường âm nhạc, nếu Sơn Tùng chịu khó đầu tư về kiến thức âm nhạc, về sự chuyên nghiệp trong biểu diễn và cả trong đời sống.

Thì khả năng tiến xa hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và cái duyên của Tùng, trong đó không thiếu cái tâm của một người nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Sự ảnh hưởng và học theo phong cách và trào lưu nào đó sẽ đến thời điểm giới hạn, phong cách riêng và chuyên môn có đầu tư của mình mới là hình ảnh giúp đi xa và sống lâu hơn trong lòng công chúng.

Theo Đại Lộ