- “Khi chúng tôi kiểm chứng mô hình giữa 2 kịch bản có cầu vượt “hình chữ Y” và không có cầu vượt thì ách tắc giao thông tại một số nút lân cận tăng lên khi có cầu vượt. Tuy nhiên, qua kiểm chứng một số giải pháp tối ưu hoá đèn tín hiệu giao thông tại một số nút quan trọng thì ùn tắc giảm đáng kể so với khi không xây cầu vượt…”.
TS Trần Hữu Minh - chuyên gia nghiên cứu, đánh giá tác động giao thông (Trường Đại học GTVT Hà Nội) cho biết về tác động giao thông khi xây dựng cầu vượt “hình chữ Y” qua Đàn Xã Tắc tại nút giao Ô Chợ Dừa (Hà Nội).
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Minh xung quanh việc lựa chọn phương án xây cầu vượt tại nút giao này:
Ông Trần Hữu Minh. |
- Trong 6 phương án xây dựng cầu vượt nút giao qua Đàn Xã Tắc được Hà Nội đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, phương án 3 và phương án 4 được chọn để tiếp tục nghiên cứu và chọn ra một. Ông đánh giá như thế nào?
Tôi cho rằng lựa chọn của UBND TP Hà Nội và các bên liên quan là hợp lý. Dựa trên các tiêu chí Hà Nội đưa ra, rõ ràng phương án 3 (xây cầu vượt theo hướng vành đại 1 lệch về phía Nam) và phương án 4 ( xây cầu hình chữ Y thêm nhánh cầu dẫn từ đường Khâm Thiên lên) là 2 phương án có rất nhiều ưu điểm.
Sự khác biệt giữa phương án 3 và 4 chỉ là nhánh từ Khâm Thiên đi lên. Nhưng, nếu phải so sánh thì tôi cho rằng phương án 3 sẽ tốt hơn về mặt bảo tồn, còn phương án 4 có ưu thế nổi trội về mặt giao thông vì nó hạn chế được mức xung đột nút Ô Chợ Dừa.
Hiện chúng tôi mới đánh giá phương án 4 và phương án này đem lại hiệu quả tích cực về mặt giao thông đối với cả khu vực nội thành.
- Ông có thể cho biết tác động về mặt giao thông khi xây dựng cầu vượt “hình chữ Y” tại nút giao qua Đàn Xã Tắc?
Khi đánh giá tác động giao thông của một phương án tức là phải so sánh tác động về mặt lưu lượng, tốc độ và chiều dài dòng xe chờ.
Tuy nhiên, có một chỉ tiêu rất quan trọng đó là tác dụng của giải pháp đó trên toàn mạng lưới về mặt tốc độ đi lại bình quân cần phải được so sánh, đánh giá.
Về tiêu chí này, khi chúng tôi so sánh phương án 4 với phương án không có cầu vượt, thì phương án 4 đã cải thiện được tốc độ của dòng giao thông trung bình trong toàn khu vực nội thành lên 1,2%.
Cụ thể, nếu tốc độ hiện tại chỉ 16km/h thì khi xây dựng cầu vượt “hình chữ Y” có thể tăng lên 17km/h. Như vậy, tốc độ giao thông trung bình của toàn mạng đã được cải thiện đáng kể.
- Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại việc tiếp tục xây cầu vượt tại nút Ô Chợ Dừa sẽ đẩy ùn tắc vào khu trung tâm nội thành và các nút giao lân cận. Ý kiến của ông như thế nào?
Lo ngại này theo tôi là hoàn toàn có cơ sở. Khi chúng tôi kiểm chứng mô hình giữa 2 kịch bản có cầu vượt và không có cầu vượt thì ách tắc giao thông tại một số nút lân cận tăng lên khi có cầu vượt.
Cụ thể, tại các nút Cát Linh – Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên – Lê Duẩn, Đê La Thành – Hoàng Cầu… ách tắc tăng do dòng xe chờ tăng và tốc độ giao thông giảm đi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiểm chứng tiếp một số giải pháp tối ưu hoá đèn tín hiệu giao thông tại một số nút quan trọng và kiểm soát dòng xe tắc ngay tại nút giao Ô Chợ Dừa thì chiều dài dòng xe chờ tại nút Tôn Đức Thắng có thể giảm 30 – 34%, Đê La Thành giảm gần 40%...
Như vậy, song song với việc triển khai cầu vượt qua Đàn Xã Tắc cộng với việc có giải pháp hợp lý tại các nút giao thông lân cận thì hoàn toàn có thể thiểu hoá được tác động tiêu cực.
Cầu vượt “hình chữ y” có giúp giao thông Hà Nội giảm ùn tắc? |
Nghiên cứu kỹ để đảm bảo ATGT
- Đường Khâm Thiên ngắn và hẹp nhưng mật độ phương tiện qua lại đông. Không những thế đường lại bị tuyến đường sắt Bắc - Nam án ngữ đầu tuyến. Vậy theo ông, nếu xây cầu vượt theo phương án 4 với thiết kế thêm một nhánh dẫn từ đường Khâm Thiên lên nhịp cầu chính, liệu có phát sinh những khó khăn gây mất an toàn giao thông?.
Chắc chắn nếu phương án 4 được chấp thuận thì chủ đầu tư và tư vấn phải nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo an toàn giao thông tại nhánh đường Khâm Thiên giao cắt với đường sắt.
Khi lưu lượng giao thông tăng đột biến có đường sắt đi qua thì quy trình đảm bảo an toàn giao thông cũng phải chặt chẽ hơn, nếu không sẽ xảy ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường.
Việc lo ngại đường Khâm Thiên có tuyến đường sắt lại thêm đường dẫn cầu vượt gây mất an toàn giao thông, theo tôi lo ngại này hoàn toàn có thể xử lý được, nếu như chúng ta thiết kế nút giao cắt với đường sắt một cách hợp lý.
Thực tế hiện tại đã có đầy đủ công nghệ, trang thiết bị và quy trình tổ chức giao thông an toàn tại tuyến đường này. Tuy nhiên, theo tôi, chủ đầu tư và tư vấn nên tổ chức một Hội thảo tổ chức nút giao thông Khâm Thiên để lấy ý kiến rộng rãi và tìm ra phương án hợp lý nhất.
- Có ý kiến cho rằng, phương án 4 có nhiều ưu điểm về mặt giao thông hơn so với phương án 3, nhưng lại có hạn chế về mặt mỹ quan đô thị và nguy cơ ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc. Quan điểm của ông như thế nào?
Rõ ràng phương án 3 có ưu điểm về mặt bảo tồn. Nhưng nếu như là người được ra quyết định, tôi sẽ chọn phương án 4.
Dù kiến trúc cảnh quan đô thị cũng rất là quan trọng, nhưng một trong những yêu cầu cơ bản hiện nay là chúng ta phải đảm bảo cho giao thông được lưu thông tốt.
Hiện nay, trục Khâm thiên là trục “bận rộn” nhất Thành phố Hà Nội khi luôn dày đặc phương tiện đi lại. Nên nếu giải toả để kết nối ra Hoàng Cầu thì trục giao thông này sẽ được cải thiện rất đáng kể.
- Xin cám ơn ông!
Vũ Điệp (Thực hiện)