"Nên tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với những tài xế phạm tội nghiêm trọng thay vì chỉ cấm hành nghề từ 1-5 năm như hiện nay. Cần thiết có thể đề nghị Quốc hội sửa luật Hình sự", bạn đọc Nguyễn Nam nhấn mạnh.

Học 3 tháng, "sờ" xe 8 giờ

Khi đề cập nguyên nhân khiến tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng gia tăng, nhiều độc giả quả quyết trước hết là do ý thức tham gia giao thông của người dân.

Độc giả Lê Hải cho rằng, việc nước ta ở top đầu TNGT không có gì quá ngạc nhiên, bởi tất cả những nơi sử dụng xe gắn máy nhiều thì ý thức về việc tuân thủ giao thông đều kém.

"Tôi đã có dịp sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới và thấy kể cả ở những nước như Thái Lan, Malaysia hay các nước phát triển như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Mỹ... hễ cứ có xe máy là họ chạy len lỏi vào giữa làn ô tô. Vì thế vẫn có những vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô xảy ra", độc giả này dẫn giải.

{keywords}
Nhiều trung tâm dạy lái xe đang dạy theo kiểu làm thế nào để không bị rớt - (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nhìn nhận một thực tế lâu nay, bạn đọc Bùi Thanh cho rằng, nhiều người Việt không có ý thức bảo vệ mình khi tham gia giao thông.

"Nhiều người có thói quen rất lạ. Đợi đèn đỏ cả 60 giây không sao, nhưng còn chừng 5 giây là nổ máy phóng. Khi ra đường, thấy bóng CSGT thì chậm lại, qua chốt rồi lại tăng tốc tẹt ga. Có người vừa lái xe vừa nhắn tin, gọi điện... Đến bản thân mình còn không ý thức bảo vệ mình thì sao bảo vệ được tính mạng người khác".

Một số ý kiến khác cho rằng tai nạn nhiều do cơ sở hạ tầng kém, đường đã nhỏ còn bị rút ruột, thi công đốt cháy giai đoạn.

"Không công trình giao thông nào ở Việt Nam không bị ăn bớt. Nhiều thì 30-40%, ít cũng phải 10% kinh phí dự án", bạn đọc Thành Lương nhận định.

Tuy nhiên, theo nhiều độc giả, ý thức cộng đồng muốn thay đổi cần rất nhiều thời gian, đường sá muốn to đẹp cũng cần rất nhiều tiền. Nhưng có một thực tế khác dễ tác động hơn, dễ kiểm soát hơn chính là tiêu cực trong quản lý, sát hạch.

Một độc giả tên Hùng ở Đà Nẵng cho biết, chỉ cần đóng mấy triệu, học một tuần là có ngay bằng B2.

Độc giả Trần Dũng tiết lộ thêm: "Tôi cũng học lái xe ở một trung tâm dạy nghề cấp huyện, trong suốt cả khóa học chỉ được lái xe có 8 giờ trong khi chương trình đào tạo phải học đến 3 tháng".

"Còn chạy đường trường, hỏi thử xem có ai đi thi mà chạy đường trường không? Đi học là người ta chỉ dạy làm thế nào để thi không bị rớt. Trong các trường thậm chí còn đánh dấu sẵn các vị trí, chỉ cần làm đúng theo các... tiêu chuẩn đó thì chắc chắn đậu", độc giả này viết.

"Tôi cũng từng đi học, thi, thấy đến 60% để bằng trên nóc tủ, thậm chí có người còn không biết xe có mấy số. Đào tạo ở Việt Nam theo kiểu qua quýt, cứ có tiền là đậu hết, thậm chí không cần học, không cần thực hành. Có trung tâm còn là sân sau của mấy sếp Sở GTVT, vậy thanh tra gì nữa???", bạn đọc Việt Trần bức xúc.

Tai nạn xuất phát từ... tiêu cực?

Nói về công tác đăng kiểm, nhiều độc giả không khỏi ngao ngán, thở dài.

Bạn đọc ở địa chỉ hovietho@... nêu thực tế: "Một số xe mang đi đăng kiểm thì mượn, thuê phụ tùng của các xe khác hoặc từ các gara và sau khi đăng kiểm xong thì tháo ra trả lại. Nhiều xe khác, cũng chẳng cần thay, cứ làm luật bằng phong bì là đạt chuẩn hết".

Đăng kiểm đã vậy, khâu giám sát, thanh tra cũng gặp "vấn đề". Rồi luôn luôn có tình trạng "làm luật" tại nhiều cung đường, chung chi rồi thì lỗi nào cũng cho qua.

{keywords}
Nhiều độc giả cho rằng việc có quá nhiều chốt chặn, trạm thu phí là một trong những nguyên nhân khiến giới lái xe phóng nhanh vượt ẩu đề bù giờ

"Nếu ai đó đi chuyến xe 4h sáng thứ hai hàng tuần từ Tam Quan - Hoài Nhơn đi Qui Nhơn thì thấy ớn lạnh như thế nào. Xe 16 chỗ mà tài xế nhồi 36 người. Ghế tài xế ngồi tới 3 người, tài xế ngồi giữa. Ngay cả cán bộ cao cấp huyện, tỉnh đi công chuyện, học tập, công tác cũng đều chấp nhận những chuyến xe thế này và lâu nay xe vẫn bon bon chạy", bạn đọc Lê Văn Thành dẫn chứng.

Theo giới lái xe đường dài, một nguyên do khác khiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, chính là việc lập quá nhiều trạm thu phí cầu đường và các chốt chặn kiểm tra tốc độ trên QL 1A.

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng theo lý giải, việc này làm ảnh hưởng đến tốc độ, chi phí của các phương tiện. Khi đó lái xe, nhà xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hầu như không có lãi.

Độc giả Lã Quý Thứ đưa ra một phép tính đơn giản: "Bình thường đường rộng, vận tốc thiết kế cho phép chạy >60km/h, nhưng khi gặp CSGT hay biển hạn chế tốc độ, các xe phải đi chậm lại, chưa kể có thể bị kiểm tra. Do đó chỉ cần đi qua khỏi chốt này, các tài xế sẽ thi nhau chạy, xe khách trở thành xe đua trên đường để lấy lại quãng thời gian đã mất, nếu không không kịp hành trình và thời gian trả khách.

Ví dụ tuyến Pleiku - Hà Nội, thường thường chạy hết 22 giờ - 24 giờ (sáng 7h30 xuất bến, sáng hôm sau khoảng 5-7h30 tới Hà Nội). Nếu chạy đúng tốc độ quy định thì phải mất 24 giờ chạy liên tục với vận tốc trung bình là 50km/h, như vậy vận tốc lữ hành sẽ không phải là 50km/h nữa mà phải là 60-65km/h và vận tốc tối đa có thể lên đến 100km/h".

"Còn chưa kể đến lái xe bị ức chế tâm lý vì phải làm luật ở khắp nơi nên chỉ cần chút sơ sẩy là có thể gặp tai nạn như chơi", bạn đọc Dũng Minh nhận định.

Giải pháp nào?

Chia sẻ trên VietNamNet, nhiều độc giả khẳng định chúng ta không nên quá trông chờ vào việc thay đổi ý thức, trước hết hãy tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm.

- "Nên tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với những tài xế phạm tội nghiêm trọng thay vì chỉ cấm hành nghề từ 1-5 năm như hiện nay. Cần thiết có thể đề nghị Quốc hội sửa luật Hình sự", bạn đọc Nguyễn Nam nhấn mạnh.

- "Giải pháp giảm TNGT chỉ có cách tốt nhất là mở rộng đường QL 1A, chia ra 2 phần đường riêng biệt ngược chiều nhau. Lâu nay 2 xe tránh nhau đã hết đường thì tai nạn xảy ra là điều tất yếu", độc giả Thái Sơn.

- "Phải phạt thật nặng, vì nhiều lái xe sau khi gây tai nạn mặc cho bảo hiểm lo. Thực tế cũng cho thấy mức đền bù thiệt hại quá thấp (từ 5-50 triệu đồng). Thử hỏi nếu gây tai nạn cho 1 trụ cột trong gia đình, thì gia đình đó sẽ như thế nào? Tôi thấy cứ ra luật phạt thật nặng, căn cứ vào mức lương, thu nhập của người bị tai nạn, tính theo tuổi về hưu để đền bù. Dĩ nhiên phải căn cứ theo lỗi vi phạm", độc giả ở hoang6692@... gợi ý.

- "Nên độc lập cơ quan sát hạch với cơ quan đào tạo GPLX", bạn đọc Nguyễn Như.

- "Chừng nào còn nhiều xe máy, giao thông sẽ vẫn hỗn độn. Do vậy nên ưu tiên phát triển giao thông công cộng để giảm thiểu tai nạn và cũng góp phần cho xã hội văn minh và phát triển", độc giả Nguyễn Hải nêu quan điểm.

Đ.Tâm (tổng hợp)

Những vụ tai nạn hàng chục người thương vong

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng khiến TNGT đã trở thành nỗi ám ảnh của bao gia đình.

Bộ trưởng Thăng: "Ai cũng đúng, tai nạn vẫn liên tiếp"

 Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp khẩn sau hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra gần đây.

Những vụ người nước ngoài bị TNGT ở Việt Nam

Giao thông ở Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh đối với người nước ngoài. Nhưng ngay cả khi lường trước được nguy hiểm, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân một cách đáng tiếc.

Làm gì để không còn nỗi đau tai nạn giao thông?

Chỉ trong 3 ngày, 3 vụ TNGT thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 16 người, hơn 50 người khác bị thương. Chúng ta cần làm gì để không còn nỗi đau TNGT?