Cũng như khi vừa xuất hiện, đề xuất bỏ xử phạt xe không chính chủ lại tiếp tục gây nên những tranh cãi kịch liệt trên các diễn đàn mạng. Trong đó ý kiến nhận được nhiều like (thích/đồng tình) nhất là nên áp dụng quy định đó cho xe sản xuất, mua từ năm 2013.
Chưa phải lúc phạt xe chính chủ
Bất cứ một đề xuất này cũng sẽ nhận được 2 luồng phản hồi rõ rệt, tuy nhiên, nhiều người phải thừa nhận nghị định xử phạt xe không chính chủ là một trong những nghị định khiến người dân “đau đầu” nhất. Bởi vậy, đề xuất bỏ phạt xe không chính chủ lại nhanh chóng làm nóng các diễn đàn.
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh, thành viên Hieuphantom cho biết: “Nói
cho công bằng, xe chính chủ dễ quản lý về mặt hành chính, nhưng muốn dân sang
tên đổi chủ, phải dẹp bỏ thủ tục lằng nhằng, giảm thuế trước bạ, tạo điều kiện
cho người dân sang tên đổi chủ. Tôi nghĩ không hẳn người ta sợ đóng thuế, mà sợ
nhất là thủ tục mua bán xe, sang tên đổi chủ”.
“Ý kiến bỏ xử phạt vụ xe chính chủ là đúng. Nhiều người đi xe chưa sang tên
giờ biết tìm chủ cũ ở đâu ra. Tôi hoàn toàn tán đồng việc hủy bỏ trên”, một
độc giả khác đồng tình.
Ảnh minh họa (Ảnh: Dân trí) |
Nếu như lúc đề xuất xử phạt người dân chỉ “phỏng đoán” những rắc rối khi sang
tên đổi chủ cho phương tiện. Thì nay, nhiều người trong số họ đã có trải nghiệm
thực sự khi tiến hành đi sang tên đổi chủ cho xe.
Một độc giả chia sẻ: “Muốn làm cái gì phải có chuẩn bị. Muốn phạt không chính
chủ thì trước tiên phải dẹp bỏ những rắc rối trong thủ tục hành chính, bên cạnh
đó, cần cho người dân một thời gian để sang tên đổi chủ. Trước kia tôi mua 1
chiếc xe ở Lạng Sơn nhưng chủ cũ không còn ở địa phương. Tôi có làm đơn gửi cơ
quan công an nhưng người ta không giải quyết đòi nhiều thủ tục rườm rà. Tôi đã
phải đi lại rất nhiều lần mà không được việc”.
Độc giả ở địa chỉ mail duchoatn@gmail.com cũng chia sẻ: "Mình đã đi sang tên
cái xe của mình, đến cục thuế thấy bà con ta cũng chấp hành tương đối tốt chính
sách của đảng và nhà nước. Nhưng mình thấy bà con vất vả quá, có người đi sang
tên con Dream TQ đời 2003 giá trị chẳng đáng là bao, nộp tiền thuế trước bạ mất
10.000 vnđ cũng chẳng đáng gì. Người này ngồi uống nước chè đợi nộp thuế mất
30.000 cũng chẳng đáng là bao. Nhưng cái mất lớn của bà con mình là phải xếp
hàng nửa ngày mới nộp được 10.000 đồng vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, giấy
tờ của mấy cô chú cán bộ thuế nhiều, ký đến 4 chữ ký mới hết, tiền giấy với công
chắc nhiều hơn tiền thuế...”.
Bạn đọc này kết luận: “Thiết nghĩ những người làm chính sách nên nghĩ và
nghiên cứu cho thấu đáo rồi hãy đưa ra áp dụng, trước khi đưa ra cũng nên thăm
dò ý kiến nhân dân xem sao. Cứ đề xuất rồi rút lại gây xáo trộn cuộc sống người
dân, chuyện đó ai chịu trách nhiệm?”.
Thấp thỏm chuyện "chính chủ hay không"
Tuy vậy, nhiều bạn đọc cũng hoài nghi, phương án bỏ xử phạt xe không chính chủ
sẽ còn nhiều bất cập.
Thành viên có nick Julidengo thắc mắc: “Vậy cho hỏi đóng thuế xe thì sao ạ?
Giờ UB phường đang đến từng nhà yêu cầu khai xe và đóng thuế. Nếu công an kiểm
tra không đóng thuế sẽ phạt hành chính. Nhưng xe không phải tên em hay tên ai
trong nhà thì em có đóng thuế được không? Có khai tên xe để đóng thuế không?”
“Thế lúc những người chạy xe bạt mạng lạng lách, đánh võng bỏ chạy cảnh sát giao
thông đuổi bắt bạn có ý kiến sao không phạt nguội không? Phạt nguội mà xe không
chính chủ thì phạt bằng gì?”, một độc giả khác phản bác.
Độc giả Nguyễn Nho cho rằng: “Chúng ta đang tiến đến việc dùng thiết bị kỹ
thuật dần thay thế con người. Việc đặt Camera tại các giao lộ hay những điểm
xung yếu giao thông để giám sát người và phương tiện tham gia giao thông sẽ như
thế nào nếu việc phạt nguội-giấy báo phạt vi phạm giao thông gửi đường bưu điện
đến chủ xe, nhưng chủ xe đã bán lâu rồi mà chưa sang tên? Việc sang tên đổi chủ
xe cộ giúp cơ quan quản lý người tham gia giao thông tốt hơn bằng các thiết bị
hiện đại”.
Nhiều bạn đọc VietNamNet đồng tình với đề xuất xử phạt xe không chính chủ
đều đưa ra các lý do để làm dẫn chứng như: Việc xe chính chủ nó có liên quan đến
nhiều vấn đề trong việc quản lý chủ sở hữu xe trong trường hợp gây tai nạn bỏ
chạy bị camera ghi biển số xe, tìm tung tích nạn nhân, các trường hợp vi phạm xã
hội khác…
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ quan điểm nhiều độc giả đã có những đề xuất khá khả
quan. Độc giả Petit_cochon đề xuất trên một diễn đàn: “Thay vì bỏ xử phạt chỉ
cần sửa lại thành "những xe đăng ký mới từ 1/8/2013 trở đi khi mua bán phải sang
tên chính chủ". Những xe mua bán trước đó tạm thời chưa xử phạt. Trước đây thì
còn đổ lỗi do phí cao nên ngại sang tên còn giờ đây thì kể cả phí trước bạ sang
tên lần 2 giảm xuống 1% dân cũng kệ, vì có bị phạt đâu mà sang tên làm gì”.
Một độc giả khác cũng đồng tình: “Mình nghĩ nên bỏ phạt xe chính chủ tuy
nhiên nên quy định xe sản xuất từ 2013 nếu chuyển nhượng phải sang tên, như vậy
trong vòng 10 năm tới Việt Nam mới có thể quản lý tốt việc xử phạt theo chủ xe
được”.
Một độc giả khác lại cho rằng: “Chỉ cần ra quy định, nếu không sang tên đổi
chủ trong trường hợp xe đó gây ra tai nạn, mà không tìm ra được người gây tai
nạn thì chủ xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Xử lý mạnh tay như thế thì khi
mua bán xe người dân phải tự giác đi sang tên thôi”.
Ngoài ra, nhiều bạn đọc cho rằng, thay vì bỏ phương án phạt xe không chính chủ
thì chính quyền phải tạo điều kiện để chủ phương tiện sang tên đổi chủ tại bất
cứ nơi nào mà người đó đăng ký thường trú hoặc tại nơi mà họ đang làm việc.
Chủ xe không cần thiết bắt họ phải về quê nơi đăng ký hộ khẩu để sang tên đổi
chủ. Nghĩa là họ được đăng ký xe tại bất cứ tỉnh thành nào trên toàn quốc.
“Xe tôi mua ở Nghệ An, đứng tên của bố tôi. Năm tôi về quê chỉ được 3, 4 lần
lại vào những dịp lễ, tết những ngày ấy cơ quan nào làm việc mà chúng tôi đi
sang tên đổi chủ được”, độc giả Thanh Bình (TP Vinh, Nghệ An) nhấn mạnh.
Độc giả Hoàng Hưng (Quảng Bình) lại bức xúc: "Tôi đã mất công lặn lội xin
nghỉ việc về quê để làm thủ tục sang tên đổi chủ cho xe, giờ lại bảo không xử
phạt có phải là làm mất thời gian của người dân không?".
Cũng như anh Hoàng Hưng, một độc giả khác chia sẻ trên facebook cá nhân: "Hy
vọng các ban nghành sớm đưa ra quyết định cuối cùng về chuyện xe chính chủ. Từ
lúc đề xuất ra đời đến nay gây bao nhiêu tranh cãi, mất thời gian của người dân.
Những người đi đường thấp thỏm, chỉ lo bị phạt. Mà sang tên đổi chủ có phải là
chuyện làm trong một sớm một chiều được đâu?"
Lê.Lam (Tổng hợp)