Ngày 20/5 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) diễn ra tại Manila, Philippines với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, WEF đã công bố lựa chọn các công ty tăng trưởng toàn cầu (GGCs) ở khu vực Đông Á, bao gồm 20 công ty năng động và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đây sẽ là những công ty có nhiều tiềm năng để trở thành các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu.

Trong danh sách mà WEF đưa ra cho khu vực Đông Á năm nay có 2 công ty khá đặc biệt: đó là Line đến từ Nhật Bản và VNG của Việt Nam. Đây là 2 doanh nghiệp cùng có sản phẩm công nghệ đình đám trong 2 năm gần đây, đại diện cho một xu hướng phát triển mới trên toàn cầu: Line với ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) cùng tên và VNG với sản phẩm Zalo.

Không giống như các công ty khác lọt vào danh sách nhờ phát triển ở những sản phẩm truyền thống, Line và VNG đại diện cho một làn sóng mới. Trên thực tế, sức ảnh hưởng và tăng trưởng của Line cũng như VNG trong 2 năm gần đây (tiêu chí quan trọng để đưa vào danh sách GGC) chủ yếu được biết đến qua sản phẩm OTT với số lượng người dùng rất lớn.

Với Line, đó là hơn 400 triệu người dùng trên toàn thế giới chưa kể đến cuộc cách mạng về liên lạc trong những hoạt động cứu trợ nạn nhân sóng thần mà OTT này đã làm được ở Nhật Bản. Trong khi đó, Zalo với hơn 12 triệu người dùng (phần lớn ở Việt Nam và đang vươn ra thế giới) tạo nên một câu chuyện cổ tích về công nghệ ở một nước đang phát triển.

Trải qua hàng trăm năm, ngành viễn thông thế giới vẫn lấy doanh thu từ nhắn tin và gọi điện làm “nồi cơm chính”. Trong khi đó, với sự xuất hiện của các OTT như Line, Zalo, phương thức kinh doanh truyền thống của những công ty viễn thông nhiều tỷ USD trên toàn cầu buộc phải thích ứng nhanh chóng bởi họ cho miễn phí gọi và SMS với nhiều tính năng vượt trội so với dịch vụ truyền thống.

Trong khi Line (ra đời sớm hơn) lan toả tầm ảnh hưởng của mình từ Nhật Bản ra toàn cầu thì “người đàn em” Zalo khiến cho rất nhiều chuyên gia công nghệ ngạc nhiên với khả năng của những kỹ sư Việt Nam. Rất ít người có thể tin rằng, một sản phẩm công nghệ cao của người Việt lại có thể cạnh tranh và đánh bại những ứng dụng đình đám thế giới như Line (Nhật), Kakao Talk (Hàn Quốc), Wechat (Trung Quốc)… để có mặt trên hơn 50% số smartphone tại Việt Nam.

Trên thế giới khi viết về OTT, giới truyền thông nói về một cuộc cách mạng trên di động và những thương vụ mua bán sáp nhập nhiều tỷ USD mà điển hình là WhatSapp (19 tỷ USD cho công ty chỉ có vài chục người). Cũng vì thế, OTT được coi là nhân tố làm thay đổi nhiều quy luật vốn tồn tại cả trăm năm trên thế giới trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Đây cũng là lý do WEF đã chọn 2 công ty có sản phẩm OTT nổi bật (Line, Zalo) vào danh sách những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới ở khu vực Đông Á.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (một trong những công ty Việt Nam đầu tiên là thành viên của WEF) chia sẻ: “Những công ty lọt vào danh sách GGC của WEF không chỉ vì họ tăng trưởng nhanh. Điều quan trọng hơn là họ có tiềm năng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thế giới thông qua hoạt động của mình. Cũng vì thế, nếu một công ty chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước sẽ không được WEF đưa vào danh sách thành viên GGC”.

Trên thực tế, Line đã khẳng định rõ tầm ảnh hưởng quốc tế của mình với sự hiện diện tại nhiều quốc gia với số người dùng khổng lồ. Zalo hiện có 12 triệu người và 150 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày, theo tiết lộ của ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc VNG - tại “Ngày hội công nghệ FPT” hôm 16/5. So với con số 1 triệu tháng 3/2013, OTT Việt Nam đã tăng trưởng 10 lần chỉ sau 1 năm. Với con số người dùng này, Zalo đã phủ sóng hơn 50% thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam và cho thấy sự bắt nhịp của ứng dụng Việt trong bối cảnh OTT đang bùng nổ trên toàn cầu.