Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 (VNITO 2019) với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến cho đổi mới sáng tạo” được tổ chức hôm nay 24/10 tại TP.HCM.
Sự kiện nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của ngành CNTT Việt Nam, cung cấp thông tin, dữ liệu và đánh giá về thị trường CNTT của Việt Nam từ các tổ chức nghiên cứu thị trường/công nghệ uy tín trên thế giới, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh thiết thực ngay tại diễn dàn hội nghị.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung. |
Trao đổi với báo chí, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, đơn vị đồng tổ chức - cho biết sự kiện quy tụ nhiều đối tác nước ngoài tham dự, đặc biệt đến từ Nhật, Hàn Quốc. Có khoảng 300 doanh nghiệp Việt đăng ký tham dự với khoảng 100 gian hàng.
“Bên cạnh đó, có hàng trăm đăng ký matching (gặp gỡ) giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt tìm cơ hội kinh doanh quốc tế”, ông Long nói. Ngoài các bài trình bày của diễn giả từ nhiều công ty lớn trên toàn thế giới, sự kiện còn có hoạt động triển lãm, giao lưu, xúc tiến thương mại, tiệc tối,... giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Ông Long cho biết nhiều doanh nghiệp Việt đã có các sản phẩm hàm lượng chất xám cao, có thể tích hợp trong các hệ sinh thái IoT, AI của các tập đoàn lớn, do đó cơ hội tiếp xúc giữa các doanh nghiệp mang ý nghĩa rất lớn.
Tại sự kiện này, tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc kỹ thuật cấp cao Qualcomm, có bài phát biểu về Trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây (the edge cloud), và công nghiệp IoT mang lại những cơ hội phát triển cho Việt Nam.
Nói với ICTnews, bà An cho biết đang hỗ trợ một số công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong các vấn đề công nghệ và cách đưa các công nghệ đó ra toàn thế giới. Ngoài ra, Qualcomm cũng làm việc với nhiều nhà mạng Việt Nam từ các giai đoạn 3G, 4G, cho tới thời điểm hiện tại là 5G để chuẩn bị nền tảng kết nối cho thời kỳ chuyển đổi số.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long nói thêm, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á - 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (2019) và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số (Digital Transformation)...
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam và TP.HCM cũng đang triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh trong cả nước, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế... Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới, và cũng là cơ hội vàng để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam bứt phá.
Trong vai trò là đơn vị đồng tổ chức, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết ITPC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Việt Nam về các công nghệ mới đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Hội nghị Phát triển Dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 ghi dấu ấn với lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Liên minh VNITO và 6 tổ chức quốc tế, trong đó 3 tổ chức đến từ Nhật Bản gồm: Trung tâm Chiến lược và Đổi mới CNTT Okinawa (ISCO Okinawa), Tổ chức Heart Industry Holdings - Ủy ban trao đổi Sinh viên Quốc tế Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm thành phố Fukuoka (FISA), và 3 tổ chức đến từ Hàn Quốc: Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc tại TP.HCM (KICC HCM), Hiệp hội Phần mềm Thương mại Hàn Quốc (KOSW), Tổ chức Kết nối Thương mại Hàn Quốc (Korean Trade Network).
Lễ ký kết là sự kiện đánh dấu việc hợp tác của Liên minh VNITO nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra hai thị trường trọng điểm trên nói riêng và thị trường thế giới nói chung.