Với mảng nội dung, ngoài FPT Online đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Báo điện tử tin nhanh VnExpress từ năm 2017, đến nay vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nội dung số nào chuyển đổi IPv6 cho các trang tin điện tử có lượng truy cập lớn (Ảnh minh họa). |
Tỉ lệ ứng dụng IPv6 trong doanh nghiệp nội dung tại Việt Nam còn thấp
Ngày 28/2/2019, Trung tâm thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương (APNIC) đã thông báo khu vực bước vào giai đoạn cạn kiệt nghiêm trọng; hạn chế cấp địa chỉ IPv4 cho các đơn vị, doanh nghiệp và chính thức mở màn kỷ nguyên bùng nổ chuyển đổi IPv6 tại khu vực. Sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), 5G làm tăng nhu cầu về địa chỉ kết nối, nhu cầu băng thông lớn và yêu cầu về bảo mật,… cũng khiến cho việc chuyển đổi IPv6 càng trở nên cấp thiết. Bởi IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 4G/5G và là công nghệ duy nhất có thể đáp ứng cơ sở hạ tầng đám mây (Cloud), IoT.
Trên thực tế, giao thức IPv6 đã chứng minh được sự ưu việt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ tới người sử dụng. Các doanh nghiệp nội dung số lớn như Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Instagram, CNN… triển khai IPv6 từ sớm và đã lên kế hoạch tắt dần IPv4. Akamai, Facebook và LinkedIn đã tiến hành nghiên cứu so sánh hiệu năng giữa IPv6 và IPv4 đối với người sử dụng di động tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu năng được cải thiện đáng kể trong mạng thuần IPv6 và thời gian tải trang Web cũng tăng đến 10%. Về vấn đề an toàn thông tin, IPv6 đề xuất các giải pháp an ninh bằng cách cho phép mặc định công nghệ IPSec. Công nghệ IPSec gồm tập hợp các giao thức mã hóa các kết nối đầu cuối (end-to-end), nhằm tăng tính bảo mật cho dữ liệu.
Trong trao đổi tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, tuy tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam hiện đã vượt hơn 25,58%, với hơn 14 triệu người sử dụng IPv6; song mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các doanh nghiệp nội dung, khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp (dưới 2%).
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách yêu cầu triển khai IPv6 cho website của cơ quan nhà nước, tiêu biểu như Trung Quốc đã có trên 67% website cơ quan nhà nước chạy IPv6; số website cơ quan nhà nước của Malaysia chạy trên IPv6 là 500 website... “Trong khi đó, ở Việt Nam, đối với khối cơ quan Đảng, Nhà nước, hiện mới chỉ có Bộ TT&TT đã kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Các Bộ, ngành khác hiện còn chưa quyết liệt trong chuyển đổi IPv6 và chưa xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí hợp lý trong công tác chuyển đổi IPv6”, đại diện VNNIC cho hay.
Tương tự, với mảng nội dung, ngoài FPT Online đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Báo điện tử tin nhanh VnExpress từ năm 2017, đến nay vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nội dung số nào chuyển đổi IPv6 cho các trang tin điện tử có lượng truy cập lớn. Theo thống kê của VNNIC, tính đến hết năm 2018, khối cơ quan Đảng, nhà nước có tổng 48 website hoạt động với IPv6 (chiếm 1,63% trên tổng số website của cơ quan nhà nước và chiếm 0,77% trên tổng số website tên miền “.VN” đã hoạt động với IPv6.
Đại diện VNNIC nhấn mạnh: “Mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước và khối doanh nghiệp nội dung hiện đang thấp hơn nhiều so với tỉ lệ ứng dụng IPv6 trung bình của Việt Nam. Trong năm 2019, các đơn vị này cần tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi Internet sang IPv6 nếu muốn tránh khỏi nguy cơ trở thành “ốc đảo” trên Internet.
Sẽ khuyến nghị hỗ trợ IPv6 khi cấp phép dịch vụ nội dung
Để thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung và trong mạng cơ quan Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi IPv6.
Khoản 4, Điều 15, Thông tư 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ TT&TT quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã nêu rõ: “Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, DNSSEC phù hợp với lộ trình ứng dụng IPv6 theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) .VN”.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành quy định cơ quan nhà nước khi đầu tư, mua các các thiết bị mới có kết nối Internet phải đảm bảo các thiết bị có hỗ trợ công nghệ IPv6 theo quy định của Bộ TT&TT; tất cả các thiết bị, phần mềm viễn thông và công nghệ thông tin kết nối Internet được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng IPv6, hướng tới ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị, phần mềm không hỗ trợ công nghệ IPv6.
Để thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung trong nước, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải giao Vụ CNTT và Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thời gian tới có lồng ghép, tuyên truyền, thúc đẩy IPv6 trong chức năng nhiệm vụ liên quan (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong kế hoạch 2019, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã chỉ đạo rõ, cần tăng cường hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, thúc đẩy ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước; thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung trong nước thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến nghị hỗ trợ IPv6 khi cấp phép dịch vụ nội dung.
Cụ thể, Thứ trưởng giao Cục Tin học hóa chủ trì, xây dựng yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong thẩm định hồ sơ ứng dụng CNTT, thẩm tra, góp ý các nội dung liên quan đến đề án ứng dụng CNTT; xây dựng yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong đề án xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; các thiết kế cơ sở dự án ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài sử dụng ngân sách nhà nước; Đề án chuyển đổi số quốc gia; Đề án xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ đô thị thông minh; Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
VNNIC có trách nhiệm tổ chức chương trình làm việc với một số đơn vị nhà nước tiêu biểu; tư vấn các Sở TT&TT và các đơn vị nhà nước để hỗ trợ triển khai IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công, mạng ứng dụng CNTT; tiếp tục các hoạt động tập huấn IPv6 cho các đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, các Sở TT&TT.
Để thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung trong nước, Vụ CNTT và Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử được giao có sự lồng ghép, tuyên truyền, thúc đẩy IPv6 trong chức năng nhiệm vụ liên quan; VietNamNet triển khai hỗ trợ IPv6 cho ít nhất một trong các báo điện tử do đơn vị phụ trách.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban công tác, VNNIC hiện đã lên kế hoạch hoạt động tập huấn, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp nội dung, cơ quan Đảng, Nhà nước. Dự kiến, trước Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 6/5/2019, VNNIC sẽ chủ trì tổ chức các Hội nghị tập huấn về IPv6 cho các đơn vị miền Trung, miền Nam và miền Bắc tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội lần lượt vào tháng 3, 4/2019. Ngoài ra, để hỗ trợ các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6, VNNIC đã biên soạn tài liệu hướng dẫn triển khai IPv6 cho khối cơ quan Đảng, Nhà nước; các cơ quan có thể tham khảo tại đây.