Dùng cơ chế kinh tế thay cơ chế “xin cho"

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, bộ máy của VNPT đã bắt đầu chuyển động tốt sau khi áp dụng cơ chế quản lý mới bằng biện pháp kinh tế. Trong đó, VNPT giao quyền chủ động cho các VNPT địa phương tự quyết về sử dụng vốn đầu tư khả dụng mà Tập đoàn giao hàng năm theo các định hướng phát triển của Tập đoàn. Như vậy, các đơn vị địa phương sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh vốn đầu tư của mình. Tập đoàn tập trung giám sát chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của đơn vị. Với cơ chế giao vốn đầu tư như vậy, Tập đoàn sẽ loại bỏ được cơ chế “xin-cho” và các đơn vị sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh nhịp đầu tư theo thị trường.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, theo cơ cấu mới của VNPT, các đơn vị viễn thông tỉnh thành sẽ thực hiện tách riêng phần kinh doanh, bán hàng và mạng lưới. Hiện nay đã có hơn 20 đơn vị thực hiện tách phần kinh doanh, bán hàng theo cơ cấu mới. Với tiến độ tái cơ cấu như hiện nay, đến tháng 1/2015 VNPT sẽ thực hiện tái cơ cấu xong và hoạt động theo mô hình mới. Toàn bộ cơ chế kinh tế giữa kinh doanh với hạ tầng đã được chuẩn bị từ năm ngoái. Vì vậy, khi viễn thông tỉnh thành tách phần kinh doanh và mạng lưới thì tất cả các cơ chế kinh tế này sẽ chuyển từ cơ chế nội bộ sang cơ chế hạch toán độc lập. Nếu như trước đây, phần truy nhập cố định sẽ do viễn thông các tỉnh, thành đảm nhiệm, nhưng với tổ chức mới thì viễn thông các tỉnh thành sẽ quản cả phần truy nhập vô tuyến và cố định. VinaPhone sẽ đóng vai trò hỗ trợ hạ tầng. Mục tiêu của tái cơ cấu viễn thông các tỉnh thành là làm sao để các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ như lắp đặt trạm thiết bị vô tuyến, di dời, tối ưu hóa là giao cho các viễn thông tỉnh, còn VinaPhone sẽ ở sau hỗ trợ. "Với cơ cấu mới của VNPT sẽ có 3 phần gồm kinh doanh, hạ tầng và dịch vụ. Mỗi đơn vị trong mô hình tổ chức sẽ chuyên một công đoạn, như vậy sẽ rõ việc, rõ trách nhiệm. Trước đây, một khách hàng có mấy đơn vị của VNPT cùng chăm sóc, nên lãng phí công sức lao động. Theo mô hình phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ có một đơn vị thực hiện chăm sóc khách hàng", ông Trần Mạnh Hùng nói thêm.

Khi thực hiện mô hình mới tách biệt giữa mạng lưới và kinh doanh, VNPT đã xây dựng chỉ tiêu kinh tế để đánh giá giữa các mảng kỹ thuật và kinh doanh. Cơ chế này còn đánh giá sự phối hợp giữa kỹ thuật với kinh doanh bởi bên nào làm kém thì bên kia cũng sẽ bị ảnh hưởng vì quyền lợi hai khối này đã gắn chặt với nhau. Như vậy sẽ kích thích người lao động của cả hai khối bằng mọi cách phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, với công cụ quản lý như hiện nay thì quản lý bằng cơ chế kinh tế giữa khối kinh doanh với kỹ thuật không còn là vấn đề khó. Khối kỹ thuật và kinh doanh sẽ phải phối hợp trực tiếp với nhau, thay vì trước kia làm gì cũng phải trình lên cấp trên phê duyệt rồi lại xuống sẽ bị chậm và mất cơ hội kinh doanh.

Ông Trần Mạnh Hùng cũng khẳng định, với cơ chế quản lý mới sẽ không còn chuyện làm giám đốc cho đến khi nghỉ hưu nữa. Thay vào đó là người đứng đầu các đơn vị nếu không đảm bảo hiệu quả kinh doanh sẽ phải miễn nhiệm để tìm kiếm những người có năng lực thay thế vào vị trí đó. Với những cơ chế này sẽ tạo động lực cho tất cả các đơn vị trong VNPT phấn đấu cho sản xuất kinh doanh.

VNPT khẳng định, với cơ chế quản lý mới sẽ không đặt nặng vấn đề bằng cấp mà quan trọng nhất là năng suất lao động. Đây cũng sẽ là tiêu chí để đánh giá cán bộ vì nếu giữ cơ chế cũ theo kiểu chưa làm gì mà muốn biết cuối tháng lương bao nhiêu thì sẽ triệt tiêu động lực phát triển.

Đã xuất hiện gam màu sáng

Mặc dù điều kiện hiện nay đối với VNPT rất khó khăn, đặc biệt khi Chính phủ quyết định tách MobiFone ra khỏi VNPT, nhưng ông Trần Mạnh Hùng cho rằng đây cũng sẽ là cơ hội để VNPT cải tổ lại, thay đổi tư duy quản lý theo hướng thị trường cạnh tranh. Nếu VNPT thực hiện tốt chiến lược này, VNPT vẫn giữ được vị trí vai trò tập đoàn chủ lực của mình.

Thực tế cho thấy, sau thời gian điều chỉnh cơ chế, tình hình kinh doanh của VNPT có những chuyển động tốt so với thời điểm trước đó. Trong 7 tháng đầu năm 2014, VNPT tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển, một số chỉ tiêu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013. Tổng doanh thu khối hạch toán phụ thuộc của VNPT tăng 15% so với cùng kỳ, thuê bao băng rộng tăng 213%, trong đó thuê bao cáp quang tăng tới 464%. Đặc biệt, có 34 đơn vị đạt lợi nhuận dương so với cùng kỳ, có 17 đơn vị chuyển từ lợi nhuận âm sang lợi nhuận dương so với cùng kỳ. Có điểm khá đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2014 là kinh tế khó khăn và việc tái cơ cấu ảnh hưởng đến tư tưởng của người lao động, thế nhưng kết quả kinh doanh của VinaPhone trong 6 tháng này lại tốt nhất trong 18 năm qua. Ngoài hiệu quả kinh doanh, chất lượng mạng VinaPhone được nâng lên đáng kể so với năm 2013 sau khi tiến hành tối ưu hóa mạng; thuê bao và lưu lượng 3G trên mạng VinaPhone cũng tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu của VNPT sẽ phải chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT để phục vụ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả khối chính phủ.

VNPT đặt mục tiêu là làm sao phải làm chủ được công nghệ sản xuất thiết bị đầu cuối. Hiện nay, khối công nghiệp của VNPT chủ yếu sản xuất cáp, trong khi đó sản xuất các thiết bị điện tử thì hầu như không có. Nếu VNPT muốn cung cấp giải pháp cho khách hàng thì phải làm chủ công nghệ. VNPT Technology sẽ có nhiệm vụ sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn và đóng vai trò nòng cốt của khối công nghiệp. Hiện nay VNPT Technology đang có dây chuyền sản xuất và được giao sản xuất các thiết bị đầu cuối. VNPT đang đặt mục tiêu sản xuất các thiết bị đầu cuối như smartphone, máy tính bảng, modem, đầu cuối quang, đầu cuối thiết bị cho MyTV…

(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 96 + 97 ra ngày 11/8/2014)