Từ khoảng cuối năm 2013 cho đến nay, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu sự ùn tắc, chờ đợi gây khó khăn và phiền nhiễu cho các doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam đã và đang triển khai giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH với tên gọi I-VAN, bảo  hiểm y tế (BHYT) qua phần mềm iBHXH của Công ty cổ phần TS24. Các giao dịch điện tử qua I-VAN bao gồm: đăng ký kê khai BHXH, quản lý nhân sự, quản lý và kiểm soát thông tin hồ sơ khách hàng, kết nối giao dịch giữa khách hàng và các tổ chức doanh nghiệp trên cả nước qua cổng thông tin điện tử.

Với việc áp dụng hình thức giao dịch điện tử, đánh giá bước đầu cho thấy, thời gian mà đơn vị sử dụng lao động cần bỏ ra để thực hiện thủ tục BHXH, BHYT sẽ giảm nhiều và nhất là giảm được chi phí phát sinh cho các bên tham gia; giúp đơn vị sử dụng lao động có được công cụ lập thủ tục tham gia đúng quy định; hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai; hỗ trợ xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng; đồng thời giảm phiền hà cho người lao động cũng như đơn vị sử dụng lao động…

VNPT - VinaPhone đang cung cấp dịch vụ chữ ký số cho các khách hàng có nhu cầu thực hiện các giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử. Chỉ cần máy vi tính và đường truyền Internet, sử dụng chữ ký số điện tử, các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm có thể truy cập website www.vnpt-bhxh.vn và thực hiện các thao tác khai bảo hiểm. Hồ sơ khai BHXH của doanh nghiệp khi nộp qua dịch vụ này sẽ được đảm bảo tiếp nhận thông suốt, doanh nghiệp không phải in tờ khai, không cần đến cơ quan BHXH, tờ khai được nộp trực tiếp qua mạng và nhận kết quả ngay. Bên cạnh đó I-VAN VNPT VinaPhone còn hỗ trợ cơ quan BHXH tiết kiệm chi phí, nhân lực, tăng cường hiệu quả trong quản lý, xử lý thủ tục hồ sơ BHXH. 

Ông Nguyễn Văn Hải cho hay, từ ngày 26/10 dến 2/11 hệ thống I-VAN VNPT chỉ gửi thành công duy nhất 1 hồ sơ vào sáng ngày 26/10, còn lại 205 hồ sơ bị từ chối tiếp nhận. Qua trao đổi với các đơn vị I-VAN khác như Viettel, Bkav, Thái Sơn thì họ cũng gặp phải trường hợp tương tự. Tuy nhiên, vấn đề này lại không xảy ra với Công ty TS24.  

“Vấn đề này chứng minh Công ty TS24 dùng biện pháp kỹ thuật để cản trở dịch vụ I-VAN của các nhà cung cấp khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, làm đình trệ hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với giao dịch điện tử của bảo hiểm xã hội với cơ quan BHXH”, ông Hải phân tích.

Trước đó, theo kết luận của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 22/10/2015 đã yêu cầu Công ty TS24 đến ngày 28/10/2015 phải gỡ bỏ các mã nguồn cản trở những đơn vị I-VAN khác cung cấp dịch vụ, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm Luật Giao dịch điện tử cũng như hợp đồng đã ký với BHXH.

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty TS24 bị “tố” dùng biện pháp kỹ thuật để chặn các đối thủ khác cung cấp dịch vụ I-VAN. Hồi đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cho biết, thời gian qua, khi triển khai phần mềm kê khai BHXH điện tử tại các tỉnh,TP, Công ty TS24 đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh: dùng biện pháp kỹ thuật để chặn chữ ký số của các doanh nghiệp khác, đồng thời đưa ra các chính sách chuyển đổi hấp dẫn.

Trong quá trình thực hiện giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT điện tử trên phần mềm do TS24 phối hợp cùng BHXH Việt Nam cung cấp, nhiều doanh nghiệp đã không thể sử dụng chữ ký số của các đơn vị cung cấp dịch vụ khác như; Bkav, VDC, Nacencomm. Trong khi đó, theo các quy định của pháp luật thì dịch vụ chứng thực chữ kỹ số công cộng của các nhà cung cấp được Bộ TT&TT cấp phép đều bình đẳng và có giá trị pháp lý như nhau; một chữ ký số có thể sử dụng để thực hiện nhiều loại giao dịch điện tử khác nhau như: kê khai thuế qua mạng, khai hải quan trực tuyến, BHXH điện tử...

Trước thực trạng nêu trên, tháng 1/2015, Bkav đã chính thức có văn bản gửi Thanh tra Bộ TT&TT phản ánh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của TS24. Bkav cho rằng, sau khi triển khai phần mềm kê khai BHXH điện tử tại các địa phương, Công ty TS24 đã dùng biện pháp kỹ thuật để chặn chữ ký số của các nhà cung cấp khác; đồng thời TS24 cũng đã đưa ra các chính sách chuyển đổi hấp dẫn như miễn phí Token, cộng thời gian sử dụng còn lại cho khách… để lôi kéo, thu hút khách hàng của các nhà cung cấp khác.

Trong văn bản cung cấp thêm thông tin gửi Thanh tra Bộ TT&TT ngày 13/3/2015, đại diện Công ty Bkav cho biết, từ khoảng quý II/2014, các khách hàng có phản ánh việc không thể dùng chữ ký số của Bkav để kê khai trên phần mềm BHXH do TS24 triển khai. Khi các khách hàng liên hệ với TS24 thì được tư vấn: chỉ có chữ ký số Safe-CA do TS24 cung cấp mới kê khai được bảo hiểm điện tử và yêu cầu khách hàng chuyển đổi sang chữ ký số của TS24 (mặc dù khách hàng đã mua và đang dùng chữ ký số của nhà cung cấp khác).

Hiện tượng trên bắt đầu tại TP.HCM và sang đến tháng 11/2014 đã lan sang các tỉnh, thành khác như Vũng Tàu, Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ của Bkav, từ tháng 8/2014 đến trung tuần tháng 3/2014, có 75 trường hợp khách hàng của Bkav phải mua thêm chữ ký số của TS24; 82 trường hợp đang dùng chữ ký số của Bkav phải chuyển đổi hẳn sang sử dụng chữ ký số của TS24. Ngoài ra, còn một lượng khách hàng nhất định đang gặp vấn đề nhưng không liên hệ với Bkav.