VNPT đã mất nhiều khi tiến hành tái cơ cấu

Tuy chưa được xếp vào các cơ sở đào tạo mang tầm khu vực nhưng Học viện cũng được xem là một trong những cơ sở đào tạo đại học có uy tín và bề dày lịch sử ở Việt Nam. Sau một thời gian dài được VNPT đầu tư, đến nay Học viện có thể tự cân đối và không sử dụng ngân sách để hoạt động như nhiều trường đại học khác. Cho đến thời điểm này, Học viện là đơn vị đào tạo duy nhất cả nước chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông với 2 cơ sở đào tạo tại đặt tại 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM.

Đã không dưới 2 lần Học viện được quyết định chuyển về Bộ TT&TT. Lần đầu tiên, tháng 4/2008, Thủ tướng đã ký quyết định điều chuyển Học viện về Bộ TT&TT. Sau đó, VNPT có văn bản xin để Học viện và được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 10/2008. Thế nhưng, sau đó, trong Đề án Tái cơ cấu VNPT được Chính phủ phê duyệt thì Học viện chính thức chuyển sang Bộ TT&TT quản lý từ năm 2014. Cơ sở để Chính phủ và Bộ TT&TT tiến hành chuyển Học viện về Bộ TT&TT là không để đơn vị sự nghiệp nằm trong doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Một số cán bộ ngành Bưu điện bày tỏ rằng ngay cả khi Học viện chuyển về Bộ TT&TT đã mang cảm giác “bùi ngùi”. Thế nhưng, nhìn về lịch sử thì Học viện có một thời gian dài là của Tổng cục Bưu điện. Đến thời kỳ tách bạch quản lý nhà nước và kinh doanh thì Tổng cục Bưu điện mới chuyển Học viện sang cho VNPT quản lý. Như vậy, việc chuyển Học viện về Bộ TT&TT cũng có thể xem là chuyện trong nhà với nhau.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, VNPT đã dành rất nhiều tâm huyết, tiền của, công sức để gây dựng và phát triển Học viện. Mặt khác, khi còn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT, Học viện là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn, giúp Tập đoàn củng cố và ngày càng lớn mạnh. Mối quan hệ của VNPT với Học viện là mối quan hệ đặc biệt trong thời gian dài từ khi thành lập đến nay. Vì vậy, khi thực hiện tái cơ cấu, mặc dù VNPT hoàn toàn đủ nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển Học viện và cũng có nguyện vọng giữ lại Học viện nhưng Tập đoàn đã nghiêm túc chấp hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, Tập đoàn này phải chịu nhiều thiệt thòi khi không còn quản lý Học viện cũng như phải “bấm bụng” tách MobiFone, đơn vị chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của mình. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ BCVT cũng thẳng thắn phân tích: "Bản thân tôi nếu ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết, tôi muốn để cả 2 vì MobiFone cũng là công sức của VNPT bao nhiêu năm nay, gây dựng nó lên thành "đứa con cả" trong nhà VNPT, "đứa con" làm ăn tốt nhất, chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của VNPT. Phải nói rằng đứng về tâm lý mà nói thì VNPT không muốn tách ra, mà tách ra là một thiệt thòi cho VNPT. Tất nhiên là của Nhà nước cả, nhưng phải nói rằng đấy là công sức của VNPT, cho nên vạn bất đắc dĩ mới tách ra. Nếu tách ra thì VNPT đương nhiên khó khăn. Đó là thực tế".

Thế nhưng, khi nỗi niềm "bùi ngùi" chia tay Học viện và MobiFone về Bộ TT&TT chưa kịp nguôi ngoai thì VNPT không khỏi bàng hoàng trước đề xuất chuyển Học viện về Viettel - đối thủ có cùng ngành nghề kinh doanh trên thị trường.

Thực tế hiện nay, sẽ có rất nhiều trường Đại học muốn đầu quân về Viettel bởi rất nhiều trường đang thiếu sinh viên tuyển sinh, khó khăn về tài chính… và họ thèm muốn nguồn lực đầu tư phát triển từ một tập đoàn kinh tế hùng mạnh như Viettel. Thế nhưng, Học viện Công nghệ BCVT lại không nằm trong danh sách những trường này. Học viện đang hội tụ đủ yếu tố hấp dẫn nhất đối với mục tiêu chiến lược của Viettel bởi đây là cơ sở đào tạo có quy tín, đội ngũ nhân lực hùng hậu chuyên về lĩnh vực mà Viettel nhắm tới cũng như có 2 cơ sở ở vị trí đắc địa.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cũng khẳng định, VNPT đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động nên nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động của VNPT, nghiên cứu triển khai gắn kết sản xuất kinh doanh là rất lớn và rất cần một đơn vị như Học viện để thực hiện các chương trình nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của mình.

Chưa nên đặt vấn đề chuyển Học viện về Viettel

Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ICT nhận định, với tiềm lực của Viettel hiện nay rất có thể Học viện sẽ được đầu tư mạnh và đưa phương thức quản trị mới để phát triển. Thế nhưng, xét về việc quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô sẽ là không thuận bởi nó thiếu nhất quán. Trong bối cảnh VNPT đã bị mất mát quá lớn như vậy sau khi tiến hành tái cơ cấu mà giờ chuyển nguồn lực, tài sản của đơn vị do Tập đoàn này đã đầu tư để tăng sức mạnh cho đối thủ của họ là Viettel rất không hợp tình. Vì vậy, chắc chắn VNPT không thể ngồi yên để nhìn “một phần máu thịt” của mình chuyển sang đối thủ cạnh tranh.

Vị chuyên gia này còn bình luận thêm, những chiến lược phát triển của Viettel ở thời điểm này mang trọng trách của quốc gia, Tập đoàn này cũng cần có cơ sở đào tạo tốt nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các mục tiêu lớn đó. Thế nhưng, cũng không vì thế mà đặt vấn đề chuyển Học viện Công nghệ BCVT về Viettel.

Trả lời ICTnews về vấn đề trên, đại diện Viettel cho biết: “Viettel muốn góp sức trực tiếp xây dựng Học viện trở thành cơ sở nghiên cứu đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế, khi Học viện mạnh có thể sẽ đề nghị tách ra trở thành đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Điều này nhằm mục đích góp phần hỗ trợ Bộ TT&TT trong quản lý phát triển Học viện. Trong trường hợp nếu Thủ tướng không quyết định theo như đề nghị của Bộ Quốc phòng thì Tập đoàn Viettel cam kết trở thành đối tác chiến lược hợp tác với Học viện, vẫn góp phần để đầu tư cho Học viện”.