Thưa ông, theo tôi được biết trong năm 2016, một trong những lĩnh vực mũi nhọn của VNPT là CNTT, vậy việc ra mắt VNPT IDC lần này có mục tiêu gì trong chiến lược trên?

Từ trước đến nay nguồn lực CNTT của VNPT rất mạnh, nhưng VNPT chỉ tập trung vào việc kết nối. Quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày- 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, VNPT xác định CNTT là dịch vụ mũi nhọn nên phải triển khai rộng. Do xu hướng phát triển mạnh mẽ của điện toán đám mây, nên các DC đều đã đưa dịch vụ ảo hóa trên nền điện toán đám mây vào triển khai cung cấp. Trong kế hoạch dài hạn, VNPT cũng đã xác định mục tiêu trở thành đơn vị phát triển Trung tâm dữ liệu Điện toán đám mây hàng đầu Việt Nam và sánh ngang thế giới.

Chúng tôi có nhiều cơ sở để thực hiện được mục tiêu này. Hiện, VNPT có hạ tầng mạng được đầu tư bài bản nhất. Về năng lực cũng như kinh nghiệm 70 năm trên thị trường, chúng tôi tin mình có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, băng rộng và các giải pháp tích hợp VT- CNTT. Về thị trường, hiện nay,VNPT có thị phần Internet lớn nhất cả nước. Thực tế, thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam vẫn do các công ty công nghệ lớn của nước ngoài chiếm lĩnh, một phần vì các dịch vụ về điện toán đám mây trong nước còn khá mới, có những vấn đề kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, phần vì các các doanh nghiệp Việt vẫn còn e ngại, chưa dám ứng dụng dịch vụ này cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, trong tương lai, xu thế điện toán đám mây toàn cầu là bắt buộc. Trong khi đó, vấn đề an toàn an ninh mạng toàn cầu cũng gia tăng. Đây là lý do mà chúng tôi tin rằng các nhà cung cấp nội địa  vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị trường do lợi thế về ngôn ngữ, đặc điểm tiêu dùng và đặc biệt là vấn đề an toàn thông tin, khi khách hàng là các cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ,  những đơn vị thường xuyên phải xử lý các thông tin liên quan đến vấn đề chính trị và an ninh quốc gia.

Thưa ông, theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ 15/2/2015 được coi như Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho việc thuê ngoài dịch vụ CNTT trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, vậy VNPT đã làm gì để nắm bắt cơ hội này?

Trong năm nay chúng tôi đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về CNTT với 42 UBND tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến trong năm tới chúng tôi sẽ tiến hành ký tiếp với các UBND tỉnh, thành phố còn lại. Ngoài ra, chúng tôi còn ký kết với các Tập đoàn, doanh nghiệp, các Hiệp hội lớn…  Sau khi ký kết chúng tôi còn triển khai, đánh giá quá trình triển khai và quyết tâm thực hiện kế hoạch hợp tác đã đề ra với các tỉnh, thành phố. Chúng tôi đã đưa ứng dụng viễn thông - CNTT vào các lĩnh vực Chính phủ điện tử, giáo dục, y tế...  Hiện nay, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang đứng trước bài toán về cắt giảm chi phí vì chi phí thuê ngoài dịch vụ Trung tâm dữ liệu thấp hơn rất nhiều so với việc doanh nghiệp tự xây dựng và vận hành riêng một Trung tâm dữ liệu.

Nắm bắt được nhu cầu này, VNPT đã sớm triển khai và hôm nay ra mắt 2 Trung tâm dữ liệu mới hiện đại nhất hiện nay, VNPT IDC có đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp giám sát hoạt động của các thiết bị và các công việc liên quan 24/7 cũng như thực hiện bảo dưỡng định kỳ. Rõ ràng với hiệu quả kinh tế xét về quy mô, chuyên môn và độ linh hoạt thì việc thuê ngoài trung tâm dữ liệu là một lựa chọn thông minh cho các tổ chức và doanh nghiệp.

ICTnews.vn xin trân trọng cảm ơn ông!