Lần đầu làm mẹ của nữ bác sĩ

Chị Phương Trân (33 tuổi), một bác sĩ công tác tại TP.HCM, là nhân vật tham gia tập 191 của chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa.

Dù làm bác sĩ nhưng trong lần đầu làm mẹ, những tình huống bất ngờ xuất hiện khiến chị Trân có chút bối rối và hoang mang.

Nữ bác sĩ kể, khi vừa kết hôn, vợ chồng chị dự định sẽ có con sớm. Thế nhưng, sau cưới, chồng chị Trân nhận được suất học bổng du học. Để vợ chồng có thể bên nhau, chồng chị tìm cách xin cho cả vợ cùng sang Đài Loan (Trung Quốc) học tập.

Nữ bác sĩ kể chuyện lần đầu làm mẹ trên sóng truyền hình.

“Kế hoạch có em bé của chúng tôi đành hoãn đến 3 năm. Năm cuối du học xứ người, cả hai xác định phải có con, bởi tôi đã lớn tuổi”, chị Trân cho biết.

Suốt mấy tháng sau, vợ chồng chị Trân thấp thỏm trông chờ tin vui. Đến khi chuyển chỗ trọ, chị mới có thai.

Khoảng thời gian đó, cả hai bước vào giai đoạn cuối của chương trình nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Việc này buộc chị Trân thường xuyên tiếp xúc hóa chất. Tuy nhiên, chị không muốn nhận đặc cách nên giấu chuyện mang thai.

Nhờ có đồ bảo hộ, em bé trong bụng chị Trân phát triển bình thường. Chị không bị ốm nghén. Đến lúc bụng to, mọi người biết chị mang thai.

Dù có nhiều kiến thức y khoa nhưng nữ bác sĩ không tránh khỏi căng thẳng khi sinh con đầu lòng.

Dịch bệnh Covid căng thẳng, vợ chồng chị xác định tự chăm nhau, không có người thân bên cạnh. 

“Chồng rất thương yêu tôi. Tôi thèm món gì anh cũng cố gắng đáp ứng. Khi tôi thèm món Việt Nam, anh mở Youtube vừa xem vừa nấu theo hướng dẫn. Anh chính là điểm tựa của tôi lúc sinh con xa nhà”, chị Trân hạnh phúc kể.

Sống chung “người thứ ba”

Đi sinh lúc Đài Loan rơi vào đỉnh dịch, chị Trân trải qua nhiều kỷ niệm khó quên, vui buồn đan xen. 

Chị nhớ, ngày dự sinh, vợ chồng tìm cách gọi taxi và nhờ chủ nhà trọ hướng dẫn. Khi mọi thứ sẵn sàng, chị lại không có biểu hiện chuyển dạ.

Khoảng 3 ngày sau, cả hai quyết định đi bằng xe máy đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ quyết định tiêm thuốc giục sinh cho chị Trân. Ngấm thuốc, chị đau bụng dữ dội nhưng vẫn không thể sinh thường. 

Cuối cùng, chị Trân được đưa vào phòng sinh mổ. Thế nhưng, 2 bác sĩ phải dùng hết sức mới kéo được em bé ra ngoài. Nghe tiếng khóc của con, chị rơi nước mắt hạnh phúc.

Niềm vui chưa ấm, vợ chồng chị Trân tiếp tục rơi vào hoang mang khi phát hiện trong tã của con có máu. Dù có nhiều kinh nghiệm y khoa nhưng cả hai vẫn luống cuống, tưởng tượng ra các tình huống xấu.

Cả hai chỉ an tâm khi bác sĩ chẩn đoán em bé ra máu kinh trẻ sơ sinh do ảnh hưởng nội tiết tố của mẹ.

“Xuất viện, vợ chồng tôi bắt đầu tập sống chung với 'người thứ 3' đáng yêu. Khoảng thời gian đó, chúng tôi vô cùng căng thẳng. Cả hai đều bị quá tải do phải tự làm tất cả”, bác sĩ Phương Trân tâm sự.

Lúc đầu, chồng chị Trân chịu trách nhiệm chính, bao gồm nấu ăn cho vợ và chăm sóc con gái. Dù mạnh mẽ nhưng sau vài tuần, anh bị đuối sức, tinh thần có chiều hướng đi xuống.

Thương chồng, chị Trân cố gắng chăm con, làm việc nhà trong thời gian ở cữ. Không có người thân, nhiều lúc chị cảm thấy tủi thân, tay rửa bình sữa mà mắt nhìn xa xăm.

Vợ chồng bác sĩ cùng con gái trong khoảng thời gian xa xứ.

Hai tháng sau sinh, bác sĩ Phương Trân đi học và làm việc trở lại. Vợ chồng chị thay nhau chăm con, xen kẽ mỗi người 4 tiếng. Đến tối, chờ con ngủ, cả hai lại ngồi vào bàn làm việc.

Lần đầu làm mẹ, chị Trân không khỏi lo lắng khi nhiều vấn đề mới mẻ diễn ra. Chị tự trách tại sao lại ăn món cay, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Có lúc, chị phải cầu cứu người thân, nhờ hướng dẫn cách vắt sữa, cho con bú.

Lúc con bị dị ứng do chích vắc xin ngừa bệnh lao, vợ chồng chị Trân thấp thỏm, suy diễn đủ thứ. Những chuyện không đâu cũng khiến hai người căng thẳng, cãi nhau.

Nữ bác sĩ xúc động: “Vợ chồng cãi nhau đến mức con ngủ gục trên vai. Thương con, cả hai ôm nhau khóc, động viên mọi chuyện sẽ qua nhanh. Hiện tại, cuộc sống chúng tôi ổn định, con gái 2 tuổi khỏe mạnh và đáng yêu”.

Cuối chương trình, chị Trân không quên gửi lời cảm ơn chồng - người đàn ông đã tin tưởng và nắm chặt tay chị vượt qua khó khăn.