Nhưng với thu nhập chỉ 10 triệu/tháng thì quyết định nên mua đất hay thuê nhà tại Hà Nội là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, Hà Nội có 8,05 triệu dân, chính vì thế nhu cầu tìm chỗ ở của người dân là rất lớn. Trong khi đó, cung thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu, kéo theo giá đất và giá nhà tại Hà Nội không ngừng tăng trong những năm gần đây.

Nhiều chuyên gia về bất động sản nhận định nếu thu nhập khoảng 20 triệu đồng thì đừng nghĩ đến việc mua nhà mà giải pháp thuê là an toàn nhất. Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group - cho rằng thu nhập 20 triệu đồng/tháng chỉ phù hợp với mua nhà dưới 1 tỉ đồng/căn. Nhưng trên thị trường nguồn cung những căn hộ này này đã "tuyệt chủng". Nếu thu nhập 20 triệu, trong khi mua căn nhà khoảng 2 tỉ đồng, đi vay khoảng 1 tỉ đồng thì sẽ trả nợ vay không nổi.

Những phát biểu này đã khiến nhiều người hoang mang, đặc biệt là những người chỉ có thu nhập chỉ khoảng 10 đến 15 triệu/tháng khi muốn tìm nơi an cư tại Hà Nội.

{keywords}
Nhu cầu tìm một chỗ ở tại Hà Nội của các gia đình có thu nhập trung bình là rất lớn

Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện nay điều kiện giao thông và hạ tầng tại các quận, huyện vùng ven như Hoài Đức, Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì, Mỹ Đình, Hà Đông, Hoàng Mai… đang dần hoàn thiện, giúp cho việc di chuyển vào các quận trung tâm thành phố như Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa,… trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Điều này mở ra cơ hội lớn cho những gia đình có mức thu nhập vừa phải có thể tìm được cho mình một nơi an cư.

Gia đình anh Sơn chị Thơm quê Thái Bình đang sinh sống tại Yên Nghĩa – Hà Đông chia sẻ với PV việc quyết định chuyển ra sinh sống tại vùng ven đô đã giúp gia đình có cuộc sống khá ổn định dù tổng thu nhập chính hàng tháng của hai vợ chồng chỉ từ 15-20 triệu.

Chị Thơm cho biết khi chuẩn bị sinh con thứ 2 đầu năm 2017, gia đình tích lũy được số tiền 200 triệu đồng, tìm hiểu thấy giá đất tại một số nơi của phường Yên Nghĩa – Hà Đông chỉ tầm 10-15 triệu đồng/m2 nên gia đình chị đã xuống khảo sát và quyết định mua thửa đất 44m2 hết 500 triệu đồng. Để có tiền mua đất và xây căn nhà cấp 4 có gác xép ổn định chỗ ở, chị vay mượn anh em trong gia đình được 200 triệu đồng và vay ngân hàng thêm 250 triệu đồng.

Với khoản nợ gần 500 triệu sau khi mua đất và làm nhà, gia đình anh chị đã thực hiện chính sách tiết kiệm trong chi tiêu. Để tăng thêm thu nhập, chị cũng buôn bán thêm trên mạng trong khi anh Sơn chạy xe ôm công nghệ. Mỗi tháng cũng kiếm được một khoản để gia đình cải thiện trong sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, cháu lớn của anh chị có một không gian sống thoáng đãng và không phải “xếp hàng” để xin đi học ở trường công.

Kể về quyết định mua đất của gia đình tại Yên Nghĩa – Hà Đông, anh Tuấn và chị Lan quê Nam Định cho biết khi quyết định mua đất để an cư, anh chị chỉ có 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mua từ cuối năm 2016 nên số tiền bỏ ra để sở hữu mảnh đất 45m2 trong ngõ đi 2m chỉ 400 triệu. Do xây nhà kiên cố luôn nên anh chị cũng có khoản vay ngân hàng 400 triệu đồng và vay người thân trong gia đình 300 triệu nữa. Sau quãng thời gian hơn 3 năm làm việc ổn định với mức lương mỗi người 10 triệu đồng/tháng và tích góp từ công việc làm thêm nên đến nay khoản nợ của gia đình anh chị đã trả gần hết. Anh Tuấn cho biết có thể trả xong nợ mua đất và làm nhà của mình chỉ trong 6 tháng nữa.

Cả anh Tuấn, chị Thơm đều chia chia sẻ, khu vực anh chị sinh sống chuyện những gia đình có tích lũy chỉ từ 100-250 triệu và thu nhập mỗi người trong tháng vào khoảng 10 triệu đồng là khá phổ biến. Để mua đất xây nhà ổn định chỗ ở, các gia đình thường huy động thêm tiền từ anh em và vay ngân hàng khoảng 200 đến 500 triệu với thời hạn từ 7 đến 15 năm.

Anh Tuấn cho biết, kể từ khi chuyển về chỗ ở mới, dù quãng đường đi làm có xa hơn khi còn thuê nhà nhưng không phải lo trả tiền thuê nhà hàng tháng hay lo phải chuyển chỗ ở mới mỗi khi chủ nhà tìm được khách thuê mới. Bên cạnh đó nếu cứ tích lũy tiền chờ có đủ mới tính đến chuyện mua đất làm nhà hay mua chung cư thì rất khó bởi “giá đất và nhà chỉ có ngày càng tăng chứ có giảm bao giờ”. Ngay khu vực anh ở hiện tại, giá đất cũng đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm gia đình chuyển về. Trong khi đó, điều kiện học tập của các con cũng được đảm bảo khi các cháu học ở trường công trên địa bàn phường.

Anh Sơn kể có nhiều người bạn trước đây được anh rủ về mua đất định cư nhưng tất cả đều đưa ra lý do chung là xa chỗ làm, xa trung tâm thành phố và quyết định tiếp tục thuê trọ. Nhưng đến giờ khi tích cóp được khoản tiền nhất định tìm mua đất thì lại gặp khó bởi thời gian qua giá đất và nhà đều tăng phi mã. Mua chung cư ở các dự án cũng sẽ phải vay thêm số tiền rất lớn. Qua nhiều lần xuống nhà anh chị chơi, chứng kiến sự đổi thay của khu vực, những người bạn đều bày tỏ có phần tiếc nuối do thiếu quyết đoán trong quá khứ.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc 1 DN BĐS - thừa nhận việc mua đất hay mua nhà là nhu cầu thực tế của rất nhiều cặp vợ chồng khi quyết tâm trụ lại ở những thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, để không phải gặp khó khăn hay áp lực lớn về tài chính, mỗi người có thể đưa ra quyết định dựa trên điều kiện kinh tế của bản thân. Việc lựa chọn mua nhà, đất ở các quận/huyện lân cận với kết nối giao thông liền mạch với trung tâm, dễ di chuyển tới nơi làm việc và có nhiều tiện ích xung quanh: chợ, siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi,... có thể là một sự lựa chọn tối ưu cho nhiều gia đình với mức thu nhập khiêm tốn.

(Theo Dân Việt)