Sáng 21/2, TAND huyện Thạch Hà cho biết đã hòa giải thành công vụ án dân sự ly hôn của cặp vợ chồng đòi tát nước bắt cá dưới lòng hồ lên để phân định tài sản.

Cụ thể, đầu năm 2022, đơn vị nhận được đơn khởi kiện của chị P.T.A. (trú huyện Thạch Hà) về việc đề nghị ly hôn với chồng là anh N.X.Đ. Nguyên nhân chị A. yêu cầu ly hôn là do anh Đ. thiếu quan tâm, thường xuyên bạo hành, đánh đập vợ.

Ngoài việc đưa ra yêu cầu liên quan đến nuôi dưỡng con chung, chị A. đề nghị tòa án phân chia khối tài sản chung mà 2 vợ chồng tạo lập được gồm đất ở và một thửa đất thuê của để nuôi trồng thủy hải sản. Trên phần đất nuôi thủy sản, chị A. đề cập có khoảng 2 tấn cá trong lòng hồ.

Phiên tòa hòa giải diễn ra căng thẳng do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Trong khi chị A. yêu cầu chia đều thửa đất thuê cho 5 thành viên trong gia đình và chia đôi tài sản trên đất cho các bên được hưởng thì anh Đ. lại kiên quyết không đồng ý. Anh Đ. cho rằng thửa đất do anh trả tiền thuê hàng năm và giấy chứng nhận quyền sử dụng mang tên mình nên chỉ chấp nhận việc chia đôi tài sản trên đất.

Đỉnh điểm của việc đòi phân đôi tài sản, khi cả hai bên yêu cầu cán bộ tòa phải tiến hành bắt toàn bộ cá đang được nuôi dưới lòng hồ để phân chia, nhằm đảm bảo tính công bằng. 

TAND huyện Thạch Hà nơi diễn ra vụ án dân sự của cặp vợ chồng yêu cầu tát nước bắt cá lên để chia đôi tài sản. Ảnh TL

Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà, người phụ trách phiên tòa dân sự này cho hay, 17 năm công tác trong ngành tòa án, 7 năm là thẩm phán, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ ly hôn, song đây là lần đầu tiên ông gặp tình huống hy hữu như vậy.

"Chị A. nói dưới hồ có khoảng 5 tấn cá, sau đó thì nói khoảng 2 tấn. Giá cá đưa ra là 70.000 đồng/kg. Nhưng thực tế, cá dưới lòng hồ để kiểm đếm rất khó, không biết cụ thể dưới lòng hồ có bao nhiêu tấn cá, bao nhiêu con cá, những loại cá như thế nào. Việc phân cá chỉ mang tính chất ước lượng tương đối. Nếu bảo tát nước bắt cá lên để phân tài sản thì khó quá. Cá dưới hồ đủ loại cá rô phi, cá chép, cá trắm... giá trị khác nhau. Nếu bắt cá lên thì chắc gì cá đã sống. Nếu bắt cá lên không ai mua, cá chết thì sẽ bán giá khác", ông Hoàn nói.

Ngoài ra, để gỡ nút thắt, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn đã trực tiếp đến thửa đất nuôi trồng thủy sản của gia đình chị A. để thẩm định. Đồng thời hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm lâu năm về nuôi trồng thủy sản. Quá trình quan sát, thẩm phán định lượng cá trong lòng hồ khoảng 1 tấn cá các loại. 

"Tòa nói việc kéo cá lên để phân chia thì tòa cũng làm được nhưng sẽ thiệt hại cho các bên. Thứ nhất chi phí thuê nhân công kéo, thành lập hội đồng định giá cá. Sau khi giao cá cho các bên thì việc bán cá cho thương lái cũng không đơn giản. Chúng tôi phân tích, nếu kéo cá lên thì cũng phải có vị trí để đựng cá. Do mâu thuẫn nặng nề, căng thẳng nên kéo dài nhiều buổi hòa giải. Ngoài cá ra thì đũa bát cũng chia đôi, ấm chén bao nhiêu cái cũng thống kê vào hết", thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn cho hay.

Trên cơ sở đó, nếu cặp vợ chồng hiểu vấn đề và việc phân đôi tài sản thì diễn ra dễ dàng hơn.

Sau nhiều buổi hòa giải nên các các đương sự thống nhất là lượng cá dưới hồ là một tấn với giá bán là 30.000 đồng/kg. Anh Đ. phải đưa lại cho chị A. một nửa số tiền quy ra từ việc thống nhất số lượng cá.  

"Mặc dù ban đầu khá khó khăn nhưng chúng tôi lý giải theo kiểu mưa dầm thấm lâu, phân tích đúng hướng nên cả hai vợ chồng đã thống nhất phương án, không còn yêu cầu tát nước bắt cá dưới lòng hồ lên nữa", vị phẩm phán nói.