Ng.L.H, cậu bé 13 tuổi tại TPHCM được gia đình đưa đến phòng khám tâm lý sau một thời gian có những biểu hiện bất ổn.
Gần một năm trở lại đây, cậu học trò có nhiều dấu hiệu bất thường. Em nổi loạn, thường xuyên gây hấn với bạn bè, thầy cô và bỏ bê việc học.
Ở nhà, L.H lao vào game, chống đối bố mẹ ra mặt bằng cách không tiếp xúc, trò chuyện. Không ít lần cháu đã gào vào mặt bố mẹ, thậm chí xô mẹ té ngã giữa nhà. Bố mẹ cháu hoảng loạn, lúng túng khi con đang ở độ tuổi dậy thì nhạy cảm nhất.
Dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương vừa rồi, anh chị bàn kế hoạch đưa con đi du lịch hoặc về quê nhưng không ngờ cậu nhóc gào lên trong nước: "Ông bà đừng diễn kịch nữa, con biết hết rồi! Bồ mẹ đâu mà phải đi với bố, với con!".
Vợ chồng họ sững sờ!
Thực sự, quan hệ của bố mẹ L.H trục trặc từ nhiều năm trước. Mâu thuẫn, cãi vã, bạo hành ngầm... có đủ cho đến khi họ chọn lối sống kiểu "thân ai nấy lo", không can thiệp vào đời sống cá nhân của nhau. Họ vẫn duy trì cuộc sống hôn nhân trên danh nghĩa, tạo vỏ bọc gia đình hạnh phúc với tất cả mọi người xung quanh và với chính cậu con trai duy nhất.
Họ thường lấy lý do đi công tác để tránh mặt nhau, còn bình thường vợ chồng vẫn thu xếp cùng nhau đưa con đi ăn uống, du lịch, vui chơi. Trước mặt con, cả hai luôn tỏ ra vui vẻ với người kia, "anh anh em em" ngọt xớt, xây dựng hình ảnh gia đình hạnh phúc.
Vậy nhưng, chỉ cần con quay lưng đi thì giữa họ chỉ còn là những cái bĩu môi khinh miệt. Người chồng đã có người phụ nữ khác từ lâu, chị vợ sau đó cũng có tình nhân...
Họ cho rằng bản thân đang hy sinh, đánh đổi để con được bình yên trong "mái ấm" mà không ngờ, con biết hết mọi chuyện. Cháu bị tiếng cười, lời nói bày vẽ mỗi ngày của bố mẹ làm cho hoảng loạn, ám ảnh trong thời gian dài.
Những tưởng khi sự việc được vỡ lở, bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau hơn thì ngược lại, tình trạng lại càng trở nên nghiêm trọng. Nhất là khi người mẹ không ngừng trách mắng rằng vì con mà bà phải chịu đựng bao năm qua, lẽ ra con phải hiểu, phải thông cảm cho bố mẹ. Từ đó, cậu bé ngoài thất vọng, tức giận, khủng hoảng giờ gánh thêm cảm giác dằn vặt, tội lỗi.
Khi được đưa đến phòng tư vấn tâm lý, tình trạng của cậu bé đã nghiêm trọng vì thời gian dài chịu đựng không khí giả tạo trong gia đình, hành động giả tạo của bố mẹ. Cháu căm hận bố mẹ và đã có ý định tự vẫn. Không chỉ dừng ở tư vấn tâm lý, gia đình được gợi ý cần đưa cháu đến bệnh viện để trị liệu.
"Ủ mưu" 10 năm để ly hôn
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội sốt xình xịch với câu chuyện người vợ dành hẳn một thập kỷ "ủ mưu" chờ con thi đại học xong rồi ly hôn. Trong cả 10 năm chờ đợi đó, hàng ngày, người phụ nữ này "đeo mặt nạ" để sống với chồng, với con ngay trong cái gọi là mái ấm gia đình.
Âm mưu "quân tử mười năm trả thù chưa muộn" của người vợ được rất nhiều người đồng tình, khen ngợi. Điều này cũng không khó hiểu khi dường như thực tế đời sống xã hội, đang có quá nhiều cuộc hôn nhân trong tình trạng "hấp hối" như vậy. Không ít người như thấy chính mình trong câu chuyện, trong quyết định giằng xé 10 năm đó.
Những gia đình sống chung với bạo hành tinh thần khi vợ/chồng ngoại tình, sống trong vỏ bọc ngày một nhiều hơn. Những cặp đôi chọn cách sống này ngầm thỏa thuận không thay đổi cách ứng xử, không tìm cách cải thiện mối quan hệ và cũng không giải thoát cho nhau.
Nhiều cha mẹ sống khổ sống sở rồi khoác cho mình lý lẽ là "trọng trách vì con" mà không hiểu, "sự hy sinh" đó cũng là một dạng bạo hành với trẻ nhỏ. Sự lạnh lùng, tệ bạc, tàn nhẫn của bố mẹ dành cho nhau là bản án khủng khiếp nhất với mọi đứa trẻ.
Trong một chương trình tư vấn tâm lý ở TP.HCM, một ông bố cho biết, vợ chồng anh không còn tình cảm, đối xử với nhau vô cùng lạnh nhạt, nếu không muốn nói là tệ bạc nhiều năm nay. Họ tính ráng thêm 5 năm nữa, khi con đủ 18 tuổi sẽ ly hôn nhưng đến giờ, chính anh cũng đã kiệt sức khi phải gồng mình "diễn kịch" với con.
Trong gia đình bề ngoài nhìn vào tưởng như bình yên đó là một bầu không khí lạnh lẽo đáng sợ đang rút kiệt sinh lực của các thành viên.
Lắng nghe chia sẻ này, GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch nêu quan điểm, người lớn, nhất là bố mẹ, đừng bao giờ nghĩ mình có thể đóng kịch được trước mặt trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm, chúng không chỉ nhìn vào những gì bố mẹ thể hiện mà nhìn thấu thái độ bên trong của người lớn.
Hai vợ chồng thật sự không còn tình cảm nhưng vẫn mong muốn, xác định sống vì con, thực tế, là một lựa chọn của nhiều người, tùy hoàn cảnh, người ngoài cuộc không thể nói đúng hay sai.
Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Gia Hiền, nếu đã lựa chọn như vậy thì người trong cuộc cần tìm cách ứng xử nhau một cách đàng hoàng, tử tế để tránh tổn thương con cái.
Điều mà các chuyên gia tâm lý lưu ý, bố mẹ thường xem nhẹ con trẻ trước các quyết định trong cuộc sống. Nhiều vấn đề trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, bố mẹ lao đi hỏi chuyên gia tâm lý, nhờ đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm, cộng đồng mạng... nhưng bỏ quên mất những đứa con bên cạnh mình.
Ông Hiền khuyến cáo, chuyện bố mẹ chọn sống với nhau thế này hoặc bố mẹ ly hôn, đi bước nữa... là những vấn đề hoàn toàn nên trao đổi, chia sẻ, hỏi ý kiến con cái. Bởi trước khi mong con hiểu và thông cảm cho lựa chọn của mình thì bố mẹ cần chân thành với trẻ.
Theo Dân trí