Tiền bạc là một trong những vấn đề gai góc nhất trong cuộc sống hôn nhân. Dẫu gắn bó lâu dài, nhiều cặp vẫn khó mở lời hoặc có những bất đồng trong việc quản lý tài chính.

Theo khảo sát của Fidelity, cứ 5 đôi vợ chồng thì có một cặp coi tiền bạc là rào cản lớn nhất. Đôi khi, khúc mắc chỉ là chuyện ai chi tiêu phung phí, ai không tiết kiệm tiền hay câu chuyện “tiền tôi, tiền em, tiền chúng ta”.

Thực tế, không có tiêu chuẩn nào về cách quản lý tiền bạc trong hôn nhân. Tiêu tiền chung hay riêng có thể phụ thuộc vào bí quyết tài chính, sở thích hoặc quan điểm của mỗi người.

Zing chia sẻ câu chuyện của 4 gia đình trẻ để tìm hiểu cách họ quản lý tài chính, cũng như tiết kiệm tiền thông thái.

Chồng là "tay hòm chìa khóa"

Ngọc Thiện (27 tuổi) - Hồng Mơ (26 tuổi, TP.HCM)

Tai chinh hon nhan anh 2

Sau khi kết hôn, Ngọc Thiện - Hồng Mơ thống nhất chồng là người nắm giữ tài chính.

Sau khi kết hôn vào năm 2022, chồng tôi quyết định nghỉ việc để cùng vợ kinh doanh quần áo, mỹ phẩm. Buôn bán thuận lợi, hai đứa quyết định mở thêm quán ăn ở Vùng Tàu.

Là người đam mê kiếm tiền, nhiều ý tưởng kinh doanh, nhưng tôi chưa biết cách giữ tiền. Hơn nữa, tôi nghĩ không giữ tiền sẽ bớt suy nghĩ, giảm áp lực và có tinh thần thoải mái.

Vì vậy, chúng tôi thống nhất chồng là người nắm tài chính. Đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn vì từ đó, tôi luôn cảm giác gia đình có của ăn, của để.

Nhờ khoảng thời gian sống tự lập ở TP.HCM, chồng tôi biết tính toán chi tiêu, suy nghĩ thấu đáo hơn. Trong nhà, anh mua sắm mọi thứ từ nước giặt, nước rửa chén cho đến đồ gia dụng.

Là "tay hòm chìa khóa" nhưng chồng tôi hiếm khi mua sắm cho bản thân. Đôi lúc, tôi chi tiêu lãng phí cho những thứ không cần thiết, anh sẽ góp ý giúp tôi tiết kiệm và dành tiền đó cho mục tiêu kinh doanh.

Cả hai thường xuyên trao đổi, cân nhắc đúng sai và tìm hướng giải quyết vấn đề. Vì thế, sau khi về chung một nhà, chúng tôi hầu như không xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc.

Vợ chồng tôi tách riêng các khoản tiền thành hai phần: một phần dùng để kinh doanh, còn lại dành cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Như vậy, cả hai sẽ tự điều chỉnh được chi tiêu ở mức cố định.

Ngoài ra, hai đứa cũng lập quỹ dự phòng cho những việc cấp bách.

Chúng tôi vẫn đang thuê nhà, chỉ mua xe để phục vụ việc đi lại, quản lý hàng quán và thăm gia đình. Có tiền dư dả, cả hai gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản.

San sẻ để cùng quản lý
Quỳnh Anh (28 tuổi) - Ngọc Ánh (30 tuổi, Hà Nội)

Tai chinh hon nhan anh 3

Quỳnh Anh - Ngọc Ánh quyết định phân chia các mục tài chính để cùng nhau quản lý.

Tôi là giáo viên, đồng thời điều hành hai trung tâm tiếng Anh. Chồng là y sĩ Y học cổ truyền, chuyên về vật lý trị liệu phục hồi cho bệnh nhân tai biến. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 50-70 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng tôi tách thu nhập thành từng khoản và chia nhau quản lý. Ví dụ, chồng sẽ là người phụ trách học phí của con và phí sinh hoạt hàng ngày. Vợ sẽ lo trả các khoản vay, đồng thời quản lý quỹ dự phòng rủi ro hoặc quỹ đầu tư.

Ngoài ra, hai đứa cũng có quỹ chung dành cho du lịch hàng năm và khoản để dành cho con cái sau này.

Hai vợ chồng phân chia như vậy để mỗi người đều phải có trách nhiệm chia sẻ kinh tế trong cuộc sống hôn nhân. Đồng thời, cả hai vẫn có tự do tài chính, không quá phụ thuộc vào đối phương khi chi tiêu những khoản nhỏ vì mục đích cá nhân.

Công việc của vợ chồng tôi gặp khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát. Khi tình hình dịu đi vào năm ngoái, các khoản thu nhập mới dần ổn định trở lại. Đến nay, hai đứa đã trả được 2/3 khoản vay để xây nhà và mở trung tâm trước đó.

Kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất, chũng tôi cũng hiếm khi tranh cãi về chuyện tiền bạc. Nếu có, cũng chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt như chồng mua sắm đồ không cần thiết, vợ thấy lãng phí nên càu nhàu một chút.

Dồn tiền vào 4 tài khoản ngân hàng

Nhật Linh - Đức Anh (Bình Dương)

Tai chinh hon nhan anh 4

Nhật Linh hiện làm nội dung trên mạng xã hội, chủ đề về quản lý tài chính và đời sống hàng ngày.

Hồi mới cưới, thu nhập của gia đình tôi chỉ dưới 20 triệu đồng/tháng, trong khi phải trả tiền thuê nhà, đam mê xê dịch nên không mấy dư dả.

Nhờ làm nhiều công việc khác nhau, mỗi tháng tích cóp đều đặn 8-10 triệu đồng, vay thêm người thân, bạn bè và ngân hàng, cuối cùng, vợ chồng tôi cũng “tậu” được căn chung cư ở ngoại thành TP.HCM.

Mua nhà xong cũng là lúc hai đứa cạn tiền, lại còn nợ thêm một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên, sau nửa năm nỗ lực, chúng tôi lại có khoản tiết kiệm tương đối.

Từ thời điểm đó, vợ chồng luôn nhủ lòng phải cố gắng chi tiêu hợp lý, tiền “nhàn rỗi” sẽ tích lũy, dự phòng cho kế hoạch sau này.

Chồng tôi hiện là dân IT. Tôi đã nghỉ việc, đang mang thai nên chỉ ở nhà nội trợ và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập.

Lương nhận chuyển khoản, chi tiêu chủ yếu dùng thẻ tín dụng cuối tháng “quẹt” một lượt, mua sắm đều trả bằng ứng dụng thanh toán trực tuyến. Do đó, vợ chồng tôi thống nhất dồn tiền vào 4 tài khoản ngân hàng thông qua các ứng dụng quản lý chi tiêu online. Nhờ đó, chúng tôi có thể dễ dàng kiểm soát và cân đối tài chính.

Theo quan điểm của tôi, nhiều người không chuộng thẻ tín dụng vì không biết cách dùng hoặc sợ bản thân tiêu xài quá trớn, nhưng khi biết rồi lại thấy có lợi hơn nhiều.

Ngoài ra, nhiều năm qua, tôi luôn chăm chỉ ghi chép lại các khoản tiền nong trong gia đình. Phương pháp này rất hiệu quả, giúp tôi biết chính xác mình đã thu và chi bao nhiêu.

Nhiều người muốn chia tiền thành nhiều quỹ nhỏ rồi rút tiêu dần, nhưng cách đó không ưu việt hơn. Ghi chép dù mất công, nhưng theo tôi đó là cách hay nhất.

Nhìn lại 5 năm kết hôn, tôi thấy mình sống thoải mái, không quá tằn tiện, vẫn đi ăn hàng, đi du lịch, tự tin với khoản tiết kiệm 100 triệu đồng đón em bé đầu lòng.

Trong tương lai, thu nhập dư dả hơn vợ chồng tôi nhất định sẽ đầu tư để mở rộng tài chính.

Có tiền chung, tiền riêng
Ngọc Vân (32 tuổi) - Phương Hoa (29 tuổi, Hà Nội)

Tai chinh hon nhan anh 5

Thu nhập khá, Ngọc Vân và Phương Hoa không bị gò bó khi chi tiêu cho mua sắm, du lịch.

Cuộc sống của vợ chồng tôi đang dần đi vào ổn định sau 4 tháng kết hôn. Chúng tôi ở xa quê, điều kiện tài chính cũng khá, có thể tự lo liệu chuyện tiền bạc, nhà cửa, không phụ thuộc vào bố mẹ.

Tôi đã lên kế hoạch tìm mua nhà ngay khi có ý định lấy vợ. Trước đám cưới, tôi đã trả được 1/3 tiền nhà. Đến giờ, hai đứa vẫn đang tự lực gom góp trả nốt số còn lại.

Cũng nhờ quyết định mua nhà mà sau khi kết hôn, cuộc sống của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Khó khăn tất nhiên cũng có, song giờ đây chúng tôi không quá áp lực bởi thu nhập của gia đình ổn định, đủ lo liệu các khoản sinh hoạt và tiền lãi ngân hàng.

Trong nhà, tôi là người chịu trách nhiệm cho các khoản chi tiêu chính. Dù vậy trên thực tế, cả hai người cũng khá thoải mái, ai cầm tiền và ai chi cũng không thành vấn đề. Các khoản tiền tiết kiệm chung như tiền mua nhà hay dành cho mục tiêu xa hơn là mua xe, đều do vợ tôi quản lý. Khoản tiền chung này phần lớn lấy từ thu nhập của vợ.

Nếu để một người lo liệu hết các khoản đồng nghĩa với việc phải quản lý, kiểm soát cả đối phương, cuộc sống gia đình sẽ mệt mỏi. Do vậy, sau khi thống nhất với nhau, chúng tôi quyết định phân chia thu nhập thành các khoản khác nhau.

Sau khi đã trừ đi tiền chi tiêu sinh hoạt và tiết kiệm, mỗi người đều tự giữ phần tiền lương còn lại để phục vụ nhu cầu cá nhân. Đến nay, chúng tôi vẫn rất tôn trọng và tin tưởng đối phương, bởi vậy đôi bên chưa từng xảy ra mâu thuẫn, cãi vã về tiền bạc.

Hiện tại, các khoản tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi đều được ưu tiên để trả tiền nhà. Vợ đang mang bầu, chúng tôi cũng không quá lo lắng vì cảm thấy chi phí sinh hoạt cho con cái vẫn nằm trong khả năng thu nhập chung.

Trong tương lai, khi đã lo liệu ổn thỏa các khoản nhà cửa, xe cộ, con cũng đã lớn hơn, cả hai sẽ nghiên cứu thêm nguồn tiết kiệm riêng cho việc nuôi dạy con.

Theo khảo sát của công ty công nghệ tài chính Bread Financial, 64% cặp vợ chồng thừa nhận không tương thích về mặt tài chính với những quan điểm khác nhau về chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư tiền; 45% người trưởng thành đã kết hôn thừa nhận họ “ngoại tình tài chính”.

Chuyên gia đưa ra một số lời khuyên các cặp đôi ứng với từng giai đoạn của mối quan hệ, theo CNBC.

Mới kết hôn

Chia sẻ thông tin tài chính cá nhân: Chủ đề để chia sẻ có thể xoay quanh việc cho đối phương biết các khoản vay cá nhân hay dự định tiết kiệm khi nghỉ hưu.

Chọn thời gian và địa điểm phù hợp: Các cặp đôi cần chọn thời gian và không gian yên tĩnh để nói chuyện tiền bạc. Điều này giúp cả hai tập trung và dễ trao đổi hơn.

Phân chia quản lý tài chính hợp lý: Cả hai nên cùng quyết định ai sẽ thanh toán hóa đơn nào hoặc sử dụng tài khoản chung đồng thời đảm bảo tính minh bạch.

Vợ chồng lâu năm

Xem xét ngân sách hàng năm: Mỗi năm một lần, các cặp vợ chồng cần thống kê lại những khoản đầu tư, tiết kiệm và lương hưu để nắm rõ tình hình tài chính.

Tối đa hóa nguồn thu nhập: Không chỉ để dành tiết kiệm, trang trải các chi phí khác, các đôi vợ chồng cũng cần cân nhắc đến việc xây dựng quỹ khẩn cấp và trích ra một phần lương cho tiền lương hưu khi về già.

Cặp đôi sắp nghỉ hưu

Đồng quan điểm về tương lai: Theo khảo sát của Fidelity, 52% người không thể thống nhất được khoản tiền tiết kiệm cụ thể vào thời điểm sắp nghỉ hưu. Vì thế, cách tốt nhất là lập quỹ, tích góp và cố gắng bảo toàn số tiền đó.

Tập trung quản lý nợ: Nhiều gia đình đều nợ một số khoản nhất định. Tập trung và theo dõi nợ là cách giúp cặp đôi không bị áp lực về tiền bạc.

Tìm đến chuyên gia tài chính: Tìm đến những người có kiến thức quản lý tài chính sẽ giúp hai người xây dựng và bảo vệ “hũ bạc”, đồng thời có thể lắng nghe những lời khuyên khoa học và có tính ứng dụng cao cho sau này. 

Theo Zing