Mới đây, cụ ông Nguyễn Đường, 82 tuổi ở phường Minh An - TP Hội An (Quảng Nam) được Tổ chức Kỷ lục VN trao kỷ lục là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”. Suốt cuộc đời, cụ Đường cần mẫn gánh thuê nước giếng cổ Bá Lễ cho các nhà hàng, khách sạn, các gia đình có nhu cầu để nuôi vợ và con trai ngoài 50 tuổi bị tâm thần.

Một người bạn làm trong nghề du lịch nói với tôi “Giếng cổ Bá Lễ là nét văn hóa đặc sắc của người dân phố cổ. Ở đó, có những người cả đời làm một nghề rất lạ là gánh nước thuê”. Tôi về Hội An tìm đến hẻm 30 đường Phan Chu Trinh nối với đường Trần Hưng Đạo, hay còn gọi là “hẻm Bá Lễ” - nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại về chiếc giếng cổ và cả những con người làm nghề “chở đưa di sản”.

{keywords}

Cụ Đường cả cuộc đời gắn với nghề gánh nước thuê.

Gánh văn hóa theo thời gian

12 giờ trưa, con hẻm 30 Phan Chu Trinh vắng lặng hơn thường. Chỉ có những chiếc xe thồ, xe kéo lặng lẽ rẽ vào hẻm, và dừng lại ở một chiếc giếng vuông, sâu, nước mát trong. Người ta gọi đó là giếng Bá Lễ.

Kéo một gầu nước từ sâu đáy giếng, người đàn ông ngửa cổ uống ngon lành, khỏa vốc nước rửa mặt. Đến gầu nước tiếp theo anh mới bắt đầu đổ vào chiếc thùng bên cạnh. “Với nước giếng Bá Lễ, mọi thứ nước giải khát gì cũng ra rìa hết. Từng giọt nước là giọt quý, không ai được phí phạm” – anh nói giọng hào sảng, rặt chất Quảng.

Anh tên Trần Trung Mẹo, 50 tuổi, ở phường Minh An, Hội An. Anh kể, không biết giếng cổ này có từ bao giờ, nhưng từ tấm bé anh đã được lớn lên từ những dòng nước mát, và đến bây giờ chính nó lại nuôi sống cả gia đình. Trước, anh làm nhân viên cho một khách sạn. Gần 10 năm trước mọi người ngỡ ngàng khi anh bắt đầu vắt đòn gánh lên vai, trở thành một phu nước. “Nói về nghề gánh nước thuê thì tôi vẫn là thế hệ sau. Có người có đến vài chục năm trong nghề như vợ chồng cụ Nguyễn Đường, cụ Liên…Có nhà có đến hai ba đời cùng hành nghề gánh nước” – anh Mẹo nói.

Anh nhẩm tính, mỗi ngày chở khoảng 20–30 chuyến anh được gần 200 ngàn đồng. Gần thì 5-7 ngàn đồng/thùng, xa thì tính theo cây số lấy tiền. Theo anh, khách hàng của anh phần lớn là khách quen, có cả nhiều nhà hàng, khách sạn đều đặt mua nước để chế biến các món ăn và để…làm quà cho khách !

{keywords}

Cụ Nguyễn Đường nhận kỷ lục người gánh nước thuê lâu nhất Việt Nam.

Trước ở đây có hàng chục hộ làm nghề này, giờ những người lớn tuổi nghỉ, truyền gánh nghề lại cho con cháu. Gặp chúng tôi, họ e dè khi nói về mình, về cái nghề gánh nước thuê bán, nhưng lại hào hứng khi nói về giếng cổ. Với họ đây là giếng thiêng, gắn với nhiều sử tích và mỗi ngày lại nối dài thêm những “huyền thoại”. Người nói nước giếng cổ có thể chữa bệnh, người nói nó đem lại điềm may mắn cho mỗi ai trước khi tham gia thi thố… “Với người dân phố Hội, đây là giếng thiêng” – cụ Nguyễn Đường, 82 tuổi, người hành nghề phu nước giếng Bá Lễ lâu năm nhất, khẳng định.

Không được học, được tiếp xúc với những nghiên cứu văn hóa chuyên sâu nhưng những người dân nơi đây đều nhận thấy những giá trị thiêng liêng vô hình từ giếng cổ. Và tự thân, họ thấy cái nghề của mình cũng cao quý bội phần. “Chúng tôi không phải người đi “bán nước”, nói thế thì phản động quá. Chúng tôi dùng sức mưu sinh nhờ thứ tổ tiên để lại, đó là nguồn nước quý không nơi nào có được” - một phu nước khảng khái.

{keywords}

Du khách tham quan giếng cổ.

Soi bóng những di sản

Giếng cổ đi vào đời sống của người dân phố cổ như một huyền thoại. Tương truyền, giếng có từ khoảng thế kỷ VIII – IX, do người Chăm khai đào. Giếng được xây dựng trên chất liệu gạch, không dùng vôi vữa kết lại, dưới chân là khung gỗ lim rộng. Nhưng cái tên Bá Lễ xuất hiện từ thế kỷ XX, khi một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông dương để trùng tu hoàn toàn giếng cổ của người Chăm này. Giếng cổ Bá Lễ tồn tại hàng trăm năm nay, gắn liền với nét văn hóa người dân phố cổ và là một sản phẩm du lịch của Hội An. Những ngày lễ, tết, rằm, mùng một…người dân vẫn đến lễ tạ giếng như một nét văn hóa của người Hội An.

Theo ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm Văn hóa–Thể thao Hội An: Giếng cổ Bá Lễ là một trong những di sản quý của Hội An. Đó là cầu nối văn hóa Chăm – Việt, là nét văn hóa độc đáo, đặc biệt trong đời sống tâm linh cả người dân Phố Hội. “Chính những người phu gánh nước giếng thuê đó cũng là một sản phẩm du lịch, làm đẹp hơn cho phố cổ. Vẻ đẹp giếng cổ về mặt truyền thuyết lịch sử, tạo nên cho họ một nghề để mưu sinh. Song chính họ cũng sản sinh ra những giá trị đích thực, sự tồn tại của họ là một “di sản” đáng trân trọng, lưu truyền và tôn lên vẻ đẹp cho giếng cổ, cho Hội An” – ông Phùng nói,

{keywords}

Những phu nước ngày ngày vẫn đều đặn mang dòng nước mát đến với mọi người.

Là người Hội An, không ai không biết bí quyết để làm nên những món ẩm thực đặc sản của Hội An như cao lầu, mỳ Quảng, bánh vạc, bánh bao, xí mà… Thậm chí nhiều quán ăn nhà hàng lấy tên Bá Lễ để làm thương hiệu như cao lầu Bá Lễ, xí mà Bá Lễ… Chị Hương, một chủ quán cao lầu có tiếng, chia sẻ: “Chỉ có nước giếng Bá Lễ mới có thể chế biến được món cao lầu ngon, đậm đà của người dân phố cổ. Sợi mỳ được chế từ nước giếng cổ mềm và ngon hơn hẳn. Những khách hàng “sành” ăn đều nhận biết được cao lầu này có được làm từ nước giếng cổ hay không”.

Khách du lịch từ lâu cũng bị hút hồn bởi dòng nước mát lạnh, trong vắt và những câu chuyện huyền bí quanh giếng cổ nên ai cũng muốn một lần được thưởng thức dòng tinh khiết ấy. Nhiều du khách nước ngoài còn đề nghị xin được đưa nước giếng cổ về làm quà. Khi chúng tôi đến, nhiều đoàn khách du lịch tình cờ ghé qua. Ai cũng hào hứng chụp hình, lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về giếng cổ. Chưa thỏa, họ tìm vào tận nhà hai “di sản” là vợ chồng ông Nguyễn Đường - bà Mỹ để được tận mắt chứng kiến những cuộc đời gắn liền với giếng thiêng đã được báo chí nhắc rất nhiều.

Gió chiều bắt đầu thổi, nắng vắt ngang tường, mọi người kéo về giếng cổ càng đông hơn. Từng xe kéo, xe thồ chở những thùng nước mát rượi lặng lẽ theo sau những gò vai gầy rắn rỏi, rậm rãi đi đến các ngóc ngách của phố Hội mang cho đời cái đích thị là “đặc sản”.

(Theo Tiền phong)