Năm 2017, các “đại gia” bán lẻ điện máy lớn, không ai bảo ai, đã cùng nhau mở từ hàng chục, tới hàng trăm siêu thị mới, với tham vọng nâng tầm bao phủ, chiếm thị phần. Tuy nhiên, khi vỡ mộng, nhiều đại gia ôm hàng tồn kho, lỗ nặng thậm chí phải bán thân thoát phá sản.
Dày đặc siêu thị điện máy
Lý giải về việc tăng tốc mở siêu thị mới, các DN cho biết, sau thời gian dài ảm đạm, từ cuối năm 2015, thị trường điện máy đã có nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng của các hệ thống điện máy lớn, đều đạt từ 15-20%. Sức mua tốt, đã củng cố quyết tâm tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống, nhằm giành giật thị phần.
Các DN cũng cho biết, đây là chiến thuật để giành thị phần từ kênh bán hàng truyền thống. Bởi hiện nay, tất cả các DN điện máy gộp lại mới chỉ chiếm khoảng 50% thị phần, còn lại thuộc về các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ. Tham vọng của các DN lớn là đẩy lùi kênh phân phối truyền thống về mức 20%, kênh phân phối hiện đại chiếm 80% thị phần vào cuối năm 2017.
Vì thế, một hệ thống các siêu thị điện máy mở dày đặc khắp cả nước. Tại các thành phố lớn, trước đây phạm vi bán hàng của một siêu thị điện máy có bán kính khoảng 30km, thì giờ đây giảm xuống chỉ còn 5-10km.
Hàng tồn ăn mòn lợi nhuận, ‘ông lớn’ điện máy tìm kế thoát hiểm |
Năm 2017, thị trường điện máy cũng chứng kiến thương vụ thâu tóm lớn. Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động bỏ ra 2.500 tỷ đồng mua lại Công ty CP Thế giới số Trần Anh. Chuỗi siêu thị Điện máy xanh, thuộc Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, tuy được phủ về tận cấp huyện, nhưng có diện tích nhỏ, sản phẩm trưng bày không nhiều, có ít sự lựa chọn cho khách hàng. Trong khi đó, những siêu thị điện máy của Trần Anh, chỉ phủ về tới cấp tỉnh, nhưng lại có quy mô lớn, hàng bày mẫu phong phú, đa dạng hơn nhiều.
Thâu tóm Trần Anh giúp Thế giới Di động bù đắp được những khiếm khuyết của mình lĩnh vực trong kinh doanh bán lẻ điện máy. Mở rộng tầm bao phủ, tăng thị phần và loại bỏ bớt đối thủ cạnh tranh.
“Đâm lao phải theo lao”
Tuy nhiên, mở rộng tầm bao phủ cũng khiến các DN điện máy thêm khó khăn, chi phí bán hàng tăng, lợi nhuận giảm thấp, thậm chí thua lỗ. Báo cáo tài chính quý II (niên độ bắt đầu từ ngày 1/4/2017) của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh cho thấy, do các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý DN đồng loạt tăng mạnh, khiến lỗ sau thuế của lên đến 7,4 tỷ đồng. Trong đó, có nguyên nhân là do mở hơn chục siêu thị mới trong năm 2017.
Tiết lộ trong giới kinh doanh cho biết, một số DN bán lẻ điện máy lớn đang trong tình trạng cạn vốn, chi phí cho marketing không còn. Trong khi đó, số nợ tăng lên cả trăm tỷ đồng, đang rất khó khăn. Mặc dù vậy, “đâm lao phải theo lao”, các DN vẫn tiếp tục khai trương thêm nhiều siêu thị mới.
Các DN cho rằng, mở siêu thị điện máy mới không cần nhiều vốn. Với diện tích mặt bằng 1 siêu thị khoảng 2.000 m2, thì chi phí đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 10-15 tỷ đồng, cộng với 5-7 tỷ đồng chi phí hàng bày mẫu, cùng các chi phí khác, số tiền bỏ ra nhiều chưa tới 30 tỷ đồng. Trong khi đó, lại được nợ tiền hàng các nhà cung cấp từ 10-45 ngày, hàng điện máy để lâu không lo hỏng hay hết hạn,... Vì vậy, áp lực không lớn. Nếu vòng quay vốn nhanh thì kinh doanh điện máy vẫn khá tốt.
Tuy nhiên, với một số DN điện máy, thời gian qua đã không đạt vòng quay vốn nhanh như mong đợi, khiến cho tình hình tài chính gặp vấn đề.
Tốc độ mở siêu thị mới nhanh cũng khiến hiệu quả khai thác mặt bằng các chuỗi bán lẻ điện máy giảm. Nếu như năm 2011, ở các thành phố lớn, mỗi m2 mặt bằng mang về DN điện máy từ 50-100 triệu đồng/tháng, con số này đến nay chỉ còn dưới 20 triệu đồng/tháng.
Các siêu thị điện máy muốn đẩy lùi thị phần các cửa hàng điện máy truyền thống (ảnh minh họa) |
Tồn kho "ăn mòn" lợi nhuận
Trong khi đó, các DN bán lẻ điện máy đang phải đối mặt với hàng tồn kho tăng cao. Có DN điện máy doanh thu năm 2017 chỉ đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho giá trị tới hơn 3.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% doanh thu. Số hàng tồn kho này phải bán một năm mới hết. Nhiều sản phẩm tồn kho số lượng lớn nhưng đến nay không kịp xả.
Các DN điện máy lớn điều đang đối mặt với hàng tồn kho, thấp nhất cũng chiếm 25% doanh số bán hàng một năm. Có DN điện máy dẫn đầu thị trường, hàng tồn kho hiện đã vượt con số hơn 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là lời giải cho việc tại sao các DN tăng mở thêm các siêu thị mới, nhất là về địa phương, thời gian qua. Thực chất là để tiêu bớt hàng tồn kho.
“Đôi khi chúng tôi có những dự báo thị trường chưa chính xác, hoặc một số sản phẩm mang tính mùa vụ, lại không được thời tiết ủng hộ, nên việc tồn kho vẫn xảy ra” - Trưởng phòng Marketing một DN bán lẻ điện máy cho biết.
Giám đốc một DN bán lẻ điện máy cũng thừa nhận, hàng tồn kho trong lĩnh vực điện máy rất lớn và mang lại rủi ro, nếu không quản lý tốt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trong năm 2017, thị trường điện máy đang chứng kiến nhiều DN có lợi nhuận giảm, hàng tồn kho cao và nguồn lực tài chính không đủ mạnh.
Tuy nhiên, các DN điện máy vẫn rất lạc quan. Khó khăn chỉ là tạm thời. Về lâu dài, khi những công ty, cửa hàng nhỏ đóng cửa nhiều, đó là cơ hội để họ gia tăng doanh thu. Ngoài ra, xu hướng mua sắm chuyển vào trung tâm thương mại, bởi chính sách hậu mãi tốt, được đổi trả cao hơn, cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy thị trường, vị giám đốc trên nói.
Năm 2017, một số DN điện máy đã điều chỉnh giá bán các sản phẩm tăng khoảng 2-5% để tăng lợi nhuận và bù đắp chi phí lớn. Lợi nhuận bán lẻ điện máy hiện rất thấp, có DN doanh số bán đạt 4.000 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận ròng chỉ 20 tỷ đồng, tương đương 0,5%. Vì vậy, các DN đều muốn tăng giá bán lẻ.
Trần Thủy