Tôi đã quá chán nản mỗi khi nhìn thấy chồng mình. Anh ấy luôn trong tình trạng không làm gì cả, rất lười biếng. Đến cốc nước uống xong cũng không biết cất đi, chưa từng động vào chổi quét nhà, mọi thứ tôi đều phải "cơm bưng nước rót".
Trước đó, chồng tôi có bốn năm mở công ty cùng bạn bè bị thua lỗ và trải qua hai năm thất nghiệp. Nhưng ở nhà, anh ấy vẫn không động chân động tay vào thứ gì. "Công việc" duy nhất của chồng tôi là chơi điện tử và ăn vặt, vứt rác bừa bãi.
"Anh không định đi làm gì à?", "Anh không thấy em đầu tắt mặt tối mà vẫn ung dung ngồi chơi à?", "Anh làm gì đi chứ, em xin anh đấy"... - rất nhiều lần tôi đã phải nói, thậm chí gào thét những điều này với chồng trong vô vọng.
Vài lần tính chuyện ly hôn, nghĩ đến vợ chồng chia tài sản, tôi lại nản. Bởi thứ tôi nhận được chính là một nửa số tiền một mình tôi kiếm ra.
Tôi tự hỏi bản thân có phải tôi đã làm gì sai không? Tôi quá thất vọng và tôi biết rất khó thay đổi người chồng này. Tôi không thể ép buộc hay ra lệnh cho anh ấy làm điều mà mình muốn. Chồng tôi khá gia trưởng, anh ấy sẽ không bao giờ thích bị kiểm soát.
Nhưng tôi không thể tiếp tục sống như thế này. Có ai cũng cưới phải người chồng lười biếng như tôi không?
Trước vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ tâm lý John Gottman đã đưa ra một số lời khuyên. Theo đó, người vợ đừng chấp nhận và coi đây là số phận của mình. Cô nên trò chuyện với chồng mình, bắt đầu bằng sự tò mò.
Anh ấy luôn tỏ ra lười biếng có thể bởi nguyên do sâu xa nào đó như trầm cảm, tổn thương, tức giận, có các vấn đề về thể chất, sức khỏe... Việc quát mắng hay cãi vã chỉ làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nó càng khiến cho người chồng cảm thấy tự ti, cho rằng mình quá kém cỏi.
Việc mang đến hy vọng và khích lệ chồng ra sao tùy thuộc vào hành động của người vợ. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng sự tò mò.
Sự tò mò là chìa khóa cho một cuộc hôn nhân lâu dài. Đừng cho rằng mình đã quá hiểu chồng nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Hãy thử bắt đầu bằng câu: "Em thấy anh có vẻ không ổn lắm, có chuyện gì à?".
Ban đầu, người chồng có thể xấu hổ, không muốn chia sẻ. Điều đó không sao cả. Hãy tiếp tục bằng những câu hỏi với giọng điệu nhẹ nhàng, đồng cảm hơn.
Vợ cũng có thể tiếp cận theo cách khác như rủ chồng đi chơi, làm những điều cả hai cùng thích... Hãy đưa anh ấy ra ngoài, làm thử việc này việc kia, thậm chí dần dần nhờ giúp đỡ thay vì áp đặt lên chồng, khiến anh ấy thấy tội lỗi.
Người vợ cho biết chồng mình từng có bốn năm kinh doanh thất bại, hai năm tìm ra thứ anh ấy muốn làm nhưng hoàn toàn mất phương hướng. Anh ấy vừa có sáu năm tồi tệ, trải qua sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời. Anh ấy thừa biết những gì cần làm và mọi người mong đợi gì ở người đàn ông như mình.
Người chồng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự mất mát, đau buồn có thể làm ai đó chán nản, không muốn làm gì cả, nhất là sau khi chúng ta đều trải qua giai đoạn sống cách ly bởi dịch bệnh.
Khi hiểu và đồng cảm, đặt mình vào vị trí của chồng, tình hình có thể sẽ khác. Giai đoạn khó khăn này, thay vì trách móc, hãy thử làm chỗ dựa cho chồng, cho anh ấy có không gian riêng thoải mái. Nếu như sau này làm đủ mọi thứ rồi mà chồng vẫn không thể thay đổi, ly hôn cũng chưa muộn.
Theo Dân trí