- Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ từ nước ngoài về trong nước. Nâng cá thể hổ ở khu vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn lên đến 24 con.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm đã nhập 9 cá thể hổ lớn về vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn, xóm 14, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Hổ nuôi nhốt tại một trang trại ở Nghệ An |
Theo biên bản kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, ngày 23/7, tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn, đoàn kiểm tra nguồn gốc động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (hổ, panthera tigris gồm 4 cá thể (3 cái, 1 đực) thuộc Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm vừa nhập khẩu về.
Giấy phép CITES xuất khẩu số: 16CZ025969 ngày 17/3/2016, của Cộng hòa Séc (Czech Republic). Giấy phép nhập khẩu CITES số: 16VN0800N/CT-KL ngày 3/6/2016 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam.
Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu vận chuyển số:1190/CN-ĐVCLKD ngày 23/7 của Trạm kiểm dịch động vật Nội Bài.
Đoàn kiểm tra đánh giá, số động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là 4 cá thể hổ có nguồn gốc hợp pháp. Các con hổ đều khỏe mạnh bình thường.
Đến ngày 30/7, Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm tiếp tục nhập khẩu thêm 5 cá thể hổ lớn (trong đó có 2 đực, 3 cái). Nguồn gốc nhập xuất khẩu số hổ này từ nước Bỉ (Belgium). Tất cả các cá thể hổ kể trên đều được nhập khẩu hợp pháp, thời điêm kiểm tra hổ đều khỏe mạnh bình thường.
Được biết, bà Nguyễn Thị Liên là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm (vợ ông Phạm Văn Tuấn), đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An.
Lợi dụng bảo tồn nuôi nhốt hổ?
Sáng 19/8, trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Phương Dung - Phó GĐ Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, ngày 16/8, bà trao đổi với Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, ENV được biết trang trại của vợ chồng ông Tuấn bà Liên đã mới nhập về 9 cá thể hổ.
Biên bản Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An xác nhận có 9 cá thể hổ lớn nhập từ Bỉ và Séc về Việt Nam là hợp pháp |
Trên trang thông tin của cơ quan quản lý CITES cũng thể hiện, việc cấp phép cho 9 cá thể hổ nhập vào Việt Nam. Như vậy một lần nữa hổ được trao thêm vào tay đối tượng có tiền án buôn bán hổ để "bảo tồn"?!
''Chúng tôi thực sự rất bất ngờ với quyết định cấp phép của cơ quan Quản lý CITES, bấp chấp sự phản đối quyết liệt của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế trong nhiều tháng qua. Việc ra quyết định cho nhập khẩu đã không cân nhắc tới những hệ lụy trong công tác bảo tồn hổ ở Việt Nam và thế giới'' - bà Dung đánh giá.
Theo bà Dung, không phải cơ quan quản lý hoàn toàn không hay biết có việc lợi dụng danh nghĩa nuôi hổ bảo tồn, nhưng thực chất là tiến hành nhiều hoạt động mua bán, trao đổi hổ trái phép. Thế nhưng, việc cấp phép vẫn được tiến hành.
Năm 2012, báo VietnamNet đã đăng tải loạt bài điều tra tình trạng nuôi nhốt hổ như nuôi lợn tại Nghệ An. Ảnh: Duy Tuấn |
Trong khi đó, chúng ta chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu). Vậy sao có thể quản lý được để "bảo tồn" loài hổ? - bà Dung đặt vấn đề.
Theo điều tra của ENV, 9/14 cơ sở tư nhân nuôi nhốt hổ ở Việt Nam có dấu hiệu liên quan đến hoạt động bất hợp pháp.
Trong báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2012 nêu rõ: "Hiện nay các cơ sở không phân biệt được các phụ loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo. Thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam".
Câu hỏi đặt ra, nếu đã không có ý nghĩa đối với việc bảo tồn hổ tự nhiên, chúng ta cho phép gây nuôi vì mục đích gì? - lời bà Dung.
''Việt Nam tham gia Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu, cam kết gấp đôi số lượng hổ tự nhiên vào năm 2022. Tuy nhiên, trước khi chúng ta đạt được mục tiêu đó, chúng ta đang "vượt mức" nhân đôi số lượng hổ nuôi nhốt (2010: 81 cá thể; 5/2016: 180)'' - bà Dung phân trần.
Theo ENV, ông Phạm Văn Tuấn (chồng chủ trại hổ) là người có 2 tiền án liên quan đến hổ. Hiện nay, Phạm Văn Tuấn cũng đang bị nghi ngờ là đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD (bao gồm hổ, tê tê, ngà voi và sừng tê giác) xuyên biên giới Việt Nam – Lào –Thái Lan.
Quốc Huy