- Giá dầu tiếp tục đi xuống đáy, đồng Rúp mất giá kỷ lục khiến nền kinh tế Nga đứng trước đe dọa khủng hoảng. Tổng thống Putin chưa hề lên tiếng như thường lệ và dường như đang âm thầm tìm kiếm giải pháp mới.

Mất kiểm soát đồng Rúp

Chiều 16/12, đồng Rúp giảm thêm 19% xuống ngưỡng 80 rúp đổi 1 USD bất chấp Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ra đòn cực mạnh khi đột ngột nâng bổng lãi suất từ 10,5% lên 17% có hiệu từ đầu ngày 16/12.

Quyết định nâng lãi suất đột biến là động thái chưa từng có của Nga trong vòng 16 năm qua, kể từ năm 1998 khi mà đồng tiền của nước này sụp đổ với hàng dài người dân đứng dằng dặc trước cổng ngân hàng và bưu điện để rút tiền.

Cú sụt giảm tiếp 19% thực sự là một diễn biến bất ngờ đối với cả Nga cũng như giới tài chính toàn cầu. Nó cho thấy sự mất kiểm soát của CBR và cho thấy chính sách tiền tệ không còn là công cụ hữu hiệu.

Giá dầu trong khi đó tiếp tục phá đáy 5 năm với Brent xuống dưới 59 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ WTI xuống gần 55 USD/thùng. TTCK Nga và dự trữ ngoại hối nước đều xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Như vậy, cả giá dầu và đồng rúp đều đã giảm trên 50% trong vòng vài tháng qua. Hồi đầu tháng 8/2014, đồng rúp còn đứng ở mức 1 USD đổi 35 rúp. Giá dầu vào ngày 19/6/2014 vẫn ở mức 115,71 USD/thùng.

Sự sụp đổ quá nhanh chóng của đồng Rúp thực sự khó lý giải và là một thách thức lớn chưa từng có đối với ông Putin. Nó cho thấy, vấn đề quan trọng đối với Nga bây giờ không chỉ là làm sao chống kinh tế suy thoái trong năm sau, đối phó với thâm hụt ngân sách do giá dầu xuống thấp kỷ lục nữa.

{keywords}

Đồng Rúp mất giá kỷ lục khiến nền kinh tế Nga đứng trước đe dọa khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng giờ đây không còn thuần túy về mặt kinh tế mà là một cuộc khủng hoảng về niềm tin, trong bối cảnh Nga và phương Tây đối đầu căng thẳng.

Trong bối cảnh này, liệu Nga có lặp lại được thành công như trong công cuộc chống khủng hoảng tài chính năm 2008 khi đồng Rúp mất giá 44% so với USD hay không? Ngân hàng Trung ương Nga khi đó bơm ra 200 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối và đã không để xảy ra tình trạng người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng lần này đến từ giá dầu tụt giảm và cuộc bao vây cấm vận của phương Tây. Có kho dự trữ ngoại hối lớn hơn nhưng dường như Nga đang mất dần kiểm soát đối với đồng nội tệ. Nhiều khả năng, bước đi tiếp theo của Nga sẽ là bán vàng và biện pháp cuối cùng là kiểm soát thị trường vốn, siết chặt dòng tiền vào ra sẽ được dùng đến. Tuy nhiên, đi kèm với các biện pháp này là những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế Nga cũng như vị thế của ông Putin.

Putin sẽ xuống nước?

Sau khi rớt giá mạnh, đồng rúp đã hồi phục trở lại, về mức 70 rúp đổi 1 USD và trên 90 rúp đổi một Euro vào đầu giờ sáng 17/2. Bộ Trưởng Tài chính Nga cho biết, Nga đang bán ngoại tệ và tuyên bố đồng rúp đang bị "định giá vô cùng thấp".

Tuy nhiên, tình hình dường như vẫn chưa được cải thiện khi mà đồng tiền của Nga liên tục dao động trong phạm vi rất rộng, từ 63-72 rúp/USD trong phiên giao dịch ngày 17/12. Trong khi đó, giá dầu WTI tiếp tục phá đáy xuống dưới 55 USD/thùng.

{keywords}

Tổng thống Putin chưa hề lên tiếng như thường lệ và dường như đang âm thầm tìm kiếm giải pháp mới.

Triển vọng kinh tế xấu đi và cơn bão trước mặt đang là thách thức khó vượt qua đối với ông Putin.

Trong một động thái mới nhất, nhà sản xuất Ipone và Ipad - Apple của Mỹ đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động các gian hàng trực tuyến tại Nga vì đồng rúp giảm sâu. Quyết định này cho thấy mức độ ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn.

Một điều khiến nhiều NĐT lo lắng là: Nga đã rất mạo hiểm với quyết định tăng lãi suất đột ngột và lên rất cao nhưng lại thất bại trong việc kìm đà đi lao dốc của đồng rúp. Thông thường, những quyết định tăng lãi suất mạnh sẽ ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp. Lãi cao có thể sẽ khiến nền kinh tế Nga lún sâu vào suy thoái

Trước đó, Bộ Kinh tế Nga cũng đã có những dự báo khá bi quan về kinh tế. Theo đó, GDP của nước này sẽ giảm 0,8% trong năm 2015, và có thể là 4,7% nếu giá dầu tiếp tục đứng ở mức 60 USD/thùng. Nhưng giờ đây, với những diễn biến mới, Nga còn đối mặt với nhiều thách thức hơn trong đó có cả bất ổn xã hội.

Trên thực tế, theo các đánh giá gần đây, ông Putin vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao của người dân trong các vấn đề chính trị với Ucraina, nhất là việc sát nhập bán đảo Crimea vào Nga. Ông chủ điện Kremlin vừa được bầu chọn là "Người đàn ông của năm 2014", danh hiệu lần thứ 15 liên tiếp.

Mặc dù vậy, nhiều nhóm chuyên gia cho rằng, đồng Rúp mất giá đang khiến cuộc sống của người dân Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ ông Putin trong năm tới.

Cho tới thời điểm này, ông Putin chưa có phát biểu gì về cuộc chiến bảo vệ đồng Rúp. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu cho thấy, nhà lãnh đạo của Nga này đang tìm kiếm một hướng đi mới, thiên về các giải pháp chính trị nhiều hơn.

Ở phía bên kia "chiến tuyến", Mỹ vẫn kiên quyết không nới lỏng trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Obama cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ hay nặng thêm tùy thuộc vào sự lựa chọn của tổng thống Putin, phụ thuộc vào tình hình tại Ukraine.

Tờ Reuters dẫn lời nhận định của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Nga đã có những chuyển biến tích cực gần đây trong vấn đề hòa bình ở Ukraine. Theo đó, nếu tiếp tục có hướng đi đúng đắn, ông Putin sẽ là người giúp nước này thoát khỏi lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu.

Văn Minh