Theo tài liệu công bố trước ĐHĐCĐ thường niên 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận tương đương 53%.

Mục tiêu năm 2023 của ngân hàng là tổng tài sản tăng thêm 39%, đạt 877.460 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 518.192 tỷ đồng, tăng 41%. Dư nợ cấp tín dụng 635.972 tỷ đồng, tăng 33%. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%. 

Trước đó, năm 2022 VPBank đạt 21.220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 47,7% so với năm 2021.

Tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng đạt 366.851 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2021. Dư nợ cấp tín dụng đạt 479.756 tỷ đồng, tăng 24,9%. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ là 2,19% (năm 2021 ở mức 1,51%).

ĐHĐCĐ tới đây dự kiến sẽ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo số liệu kế toán hợp nhất đã được kiểm toán, lợi nhuận thuần trong kỳ có thể phân phối cho các cổ đông lên đến 18.167 tỷ đồng. 

Lợi nhuận còn lại sau trích quỹ bắt buộc (quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính) là 15.288 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng dự kiến dùng 7.933 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt, 7.354 tỷ đồng được giữ lại làm nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

VPBank sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận tiền mặt 1.000 đồng). Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3/2023.

VPBank hiện là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. (Ảnh: Hoàng Hà).

HĐQT trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS trong năm 2023 tương đương 0,5% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng. Tỷ lệ này được ngân hàng duy trì từ năm 2019 đến nay. 

Như vậy, trong trường hợp ngân hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 24.000 tỷ đồng, mức chi sẽ là 120 tỷ đồng. HĐQT và BKS VPBank hiện có 7 thành viên, mức chi bình quân cho mỗi thành viên là 17 tỷ đồng. 

VPBank hiện là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, lên đến hơn 67.434 tỷ đồng.

Mới đây, VPBank thành công thương vụ bán 15% vốn điều lệ cho Tập đoàn SMSC của Nhật Bản thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. 

Sau đợt phát hành lịch sử này, VPBank tiếp tục củng cố ngôi vị số 1 trong hệ thống các ngân hàng thương mại về quy mô vốn điều lệ. 

Vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 11.905 tỷ đồng, lên đến 79.339 tỷ đồng. Trong đó, 11.000 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng trưởng nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cho khách hàng. 905 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển CNTT cho hội sở và các chi nhánh, trang bị máy móc, mở rộng và sửa chữa các chi nhánh.

Khoản đầu tư từ SMBC mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Đồng thời đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam.

Ngoài SMBC, hiện tại không có cổ đông nào trực tiếp sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng.

ĐHĐCĐ tới đây ngân hàng này dự kiến sẽ thay đổi hạn mức sở hữu tối đa nước ngoài của ngân hàng từ mức 17,642% lên mức 30%.