Tổng công ty VTVcab là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc VTV, Chính phủ đã đồng ý để VTV giữ lại tối đa 51% vốn ở doanh nghiệp này sau khi cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương lớn mà VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu triển khai từ năm 2016.

Mặc dù VTV đã ký quyết định thành lập Ban chuẩn bị cổ phần hóa và thành lập một nhóm công tác để triển khai các công việc cụ thể liên quan đến lộ trình cổ phần hóa VTVcab từ ngày 29/2/2016, do ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV làm Trưởng ban. Mặc dù có sự chuẩn bị từ khá sớm nhưng cho đến nay có thể nói quá trình cổ phần hóa của VTVcab không diễn ra suôn sẻ như dự báo trước đó. Cho đến nay Chính phủ đã hai lần chấp thuận cho VTV lùi thời hạn bán đấu giá cổ phần lần đầu. Trong lần chấp thuận lùi thời hạn mới nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VTV chậm nhất đến ngày 30/6/2018 phải triển khai xong việc bán đấu giá 49% phần vốn góp của nhà nước ở VTVcab. Như vậy chỉ còn 6 tháng nữa là hạn chót cho VTV.

Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, mục đích để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung. Trong tương lai VTV sẽ chỉ quản lý nội dung, không có vai trò trong việc quản lý kinh doanh của các đơn vị này.

Vào thời điểm năm 2016, theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều khả năng các doanh nghiệp viễn thông sẽ là những đối tác chiến lược để đầu tư vào truyền hình trả tiền. Tuy thị trường truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng truyền hình trả tiền vẫn được xem là một lĩnh vực làm ăn béo bở, với mức tăng trưởng của thị trường trong một năm vào khoảng 130 - 140%. Đầu tư vào truyền hình trả tiền có thể đem lại lợi nhuận lên tới 30 - 40 %/năm, hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào thời điểm này kiếm nhiều tiền đến vậy.

Một Phó Tổng giám đốc của VTV, vào thời điểm đó đã cho ICTnews hay, liên quan đến việc lựa chọn đối tác chiến lược, VTV không chỉ chọn đối tác có nhiều tiền mà còn chọn cả về năng lực quản trị và năng lực kỹ thuật.

“Chúng tôi rất open, không khống chế ai hết, giống như là đấu thầu. Các tập đoàn viễn thông hay kể cả đối tác nước ngoài đều có thể là đối tác của VTVcab, miễn là đối tác có đủ năng lực theo tiêu chí lựa chọn. Tuy nhiên, đối tác nước ngoài thì quy trình sẽ khác hơn đối tác trong nước theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài. Quan trọng nhất là về năng lực tài chính, ví dụ, giá trị của VTVcab là A đồng thì đối tác cũng phải có khoản tiền tương đương hoặc hơn thế trong tài khoản. Nếu như doanh nghiệp không đủ năng lực, khi đấu thầu nhận dự án xong, mới đi vay tiền ngân hàng thì không được”, vị quan chức này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị quan chức của VTV từ chối chia sẻ tên của những đối tác đang làm đơn để tham gia mua cổ phần của VTVcab, mà chỉ cho biết hiện đã có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia.