- Sau khi kiểm kê, ghi nhận khối tài sản khổng lồ do bà P. để lại, giữa người con nuôi và anh, em ruột của bà P. không thống nhất được việc xử lý tài sản, hai bên cùng nhau đứng ra thuê ngăn tủ sắt của ngân hàng để cất giữ. Chỉ tính riêng việc này cũng gây ra khá nhiều rắc rối.

Thuê tủ sắt để giữ tài sản “khủng”

Như VietNamNet đã thông tin, tháng 3/2011, bà T.K.P. đột ngột qua đời không để lại di chúc. Do bà P. không có chồng, chỉ có người con nuôi duy nhất đã được xác nhận là chị T.H.H.L. nên giữa những người là anh, em ruột bà P. và chị L. phát sinh tranh chấp.

Để ghi nhận khối tài sản, Thừa phát lại quận Bình Thạnh (TP.HCM) được mời đến để kiểm kê, ghi nhận khối tài sản chứa trong két sắt và hộc tủ gỗ dưới bàn làm việc, trong phòng ngủ của bà P. trước sự chứng kiến của hai bên.

Theo kết quả kiểm kê ghi nhận bà P. để lại 100 lượng vàng, 1 triệu USD, rất nhiều kim cương, giấy tờ sở hữu nhà đất và 23 cuốn sổ tài khoản trong đó nhiều cuốn trị giá hàng chục tỷ đồng.

Do không thỏa thuận được việc xử lý tài sản, nên chị L. và ông T.V.P. thống nhất lấy ra 10 lượng vàng và 15.000 USD để trang trải các khoản chi phí, còn lại bỏ vào két sắt niêm phong rồi đem gửi tại ngân hàng.

Theo vi bằng do Thừa phát lại Bình Thạnh ghi nhận: ông P. và chị L. thỏa thuận chỉ khi nào có sự đồng ý của hai bên thì tài sản mới được rút ra.

Hoặc khi có yêu cầu của tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hai bên phải cùng nhau rút ra giao cho các cơ quan này. Mọi nhu cầu sử dụng tài sản đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của ông P. và chị L. (hoặc người do chị L. ủy quyền).

Trong khi mối quan hệ tranh chấp tài sản giữa ông P. và chị L. chưa được giải quyết, vụ việc tiếp tục phát sinh tranh chấp giữa ông P. và phía ngân hàng xung quanh hợp đồng thuê ngăn tủ săt để cất giữ khối tài sản trên.

Hoa lợi thu được từ di sản bà P. để lại (gồm tiền cho thuê nhà xưởng, cho thuê câu lạc bộ thể thao Lan Minh…) giao cho hai bên cùng quản lý cho đến khi các bên hoàn tất thủ tục khai nhận di sản hoặc khiếu kiện.

Trên cơ sở thỏa thuận trên, ngày 22/3/2011 và 26/3/2011, chị L. và ông T.V.P. đã cùng đứng lên ký hợp đồng thuê ba ngăn tủ sắt của ngân hàng Sacombank (trụ sở 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM) để cất giữ khối tài sản trên. Thời hạn thuê là 12 tháng, số tiền ký quỹ là 600.000 đồng.

Hợp đồng quy định về xử lý tài sản: Khi hết hạn Hợp đồng thuê ngăn tủ sắt nhưng bên B (bên thuê) không đến bên A (bên cho thuê) để làm thủ tục theo quy định hoặc hợp đồng được thanh lý (do hết hạn hợp đồng, theo yêu cầu của bên B, bên B vi phạm hợp đồng), trong 03 tuần đầu tiên kể từ ngày hết hạn hợp đồng hoặc kể từ ngày bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên A sẽ gửi thư thông báo cho bên B 03 lần (mỗi lần cách nhau 1 tuần).

Sau 90 ngày kể từ ngày gửi thông báo đầu tiên, nếu bên A không liên lạc hoặc không nhận được phản hồi của bên B thì bên A sẽ tiến hành mở ngăn tủ sắt và xử lý tài sản của bên B theo quy định của bên A.

Rắc rối dẫn đến kiện…ngân hàng

Vụ việc trở nên rắc rối khi hết hạn hợp đồng giữa ông P. và chị L. không thống nhất được việc sẽ tiếp tục gia hạn hay thanh lý hợp đồng hoặc thiết lập một hợp đồng mới.

Trong khi chị L. muốn rút toàn bộ tài sản về thì ông P. không đồng ý, muốn tiếp tục gia hạn hợp đồng.

Ông P. cho rằng trong khối tài sản người chị quá cố của mình để lại có sự đóng góp của anh em trong nhà. Hiện những người này đang ở nước ngoài nên ông muốn gia hạn hợp đồng chờ họ về giải quyết.

Sau thời gian hai bên không đạt được thỏa thuận, ngày 23/5/2012, Sacombank gửi thông báo đến ông P. và chị L. thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê các ngăn tủ sắt trên với lý do thời hạn thuê đã hết, ngân hàng không đồng ý tiếp tục cho thuê.

Ngân hàng yêu cầu ông P. và chị L. đến nhận lại những tài liệu, tài sản chứa trong ngăn tủ sắt.

Thời gian thực hiện thủ tục trên sẽ được tiến hành vào chiều 30/5/2012. Nếu bên thuê chỉ có một người đến, ngân hàng sẽ bàn giao cho người đến nhận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan đến các hợp đồng thuê ngăn tủ sắt trên.

Đến cuối buổi làm việc ngày 30/5 vừa qua, giữa ông P. và chị L. tiếp tục không thống nhất về việc giải quyết hợp đồng trên.

Ngày 31/5, ông P. nhận được thông báo của ngân hàng về việc chấm dứt và thanh lý hợp đồng thuê 3 ngăn tủ sắt từ ngày 30/5 do các bên có ý kiến khác nhau về việc gia hạn hợp đồng.

Trong thông báo này không thông báo tài sản trong két sắt ngân hàng đã hay sẽ giao cho bên nào, nhưng có nêu rằng “bà L. có trách nhiệm trao đổi việc xử lý tài sản được để trong ngăn tủ sắt sau khi thanh lý hợp đồng” với ông T.V.P.

Sau khi nhận thông báo trên, ông P. đã khiếu nại Sacombank vì cho rằng việc ngân hàng tự ý giao tài sản cho chị L. là xâm phạm đến quyền quản lý tài sản của ông.

Theo thông tin mới nhất, ông T.V.P. đã chính thức đệ đơn lên TAND quận 3 (TP.HCM) khởi kiện Sacombank liên quan đến vụ việc trên.

Trong đơn khởi kiện, ông P. trình bày: ông và bà L. là đồng sở hữu cùng ký hợp đồng thuê ngăn tủ sắt, chỉ khi có chữ ký và có mặt cùng lúc của ông và bà L. thì ngân hàng mới được cho phép mở ngăn tủ.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông đã thanh toán đầy đủ phí cho ngân hàng, nếu có tranh chấp thì phải có quyết định/bản án của cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án yêu cầu mở.

“Việc ngân hàng đơn phương ra thông báo thanh lý hợp đồng và xử lý ngăn tủ có tài sản khi chưa có sự đồng ý và ký nhận của tôi là xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn, bảo mật tài sản cá nhân, vi pham quy định của ngân hàng và luật các tổ chức tín dụng năm 2010”, ông P. trình bày.

Từ đó, ông đề nghị TAND quận 3 buộc Sacombank gia hạn tiếp hợp đồng thuê ngăn tủ sắt, không được tự ý đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao tài sản cho người khác khi chưa có sự đồng ý của ông hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trong khi mối quan hệ tranh chấp tài sản giữa ông P. và chị L. chưa được giải quyết, vụ việc tiếp tục phát sinh tranh chấp giữa ông P. và phía ngân hàng xung quanh hợp đồng thuê ngăn tủ săt để cất giữ khối tài sản trên.

M.Phượng