Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh toà hình sự TAND Tối cao đề nghị Viện KSND TP.HCM đình chỉ vụ án liên quan đến vụ tai nạn chìm ca nô tại Cần Giờ, TP.HCM.

Có lẽ chưa có vụ án nào, sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) mà dư luận lại quan tâm và tốn nhiều thì giờ để lên tiếng như vụ chìm cano ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Không chỉ có báo viết, báo hình, báo nói, báo mạng như: Báo điện tử VOV của Đài tiếng nói Việt Nam; Báo Lao Động của Liên đoàn lao động Việt Nam; báo Lao Động & Đời sống; báo Người cao tuổi…

{keywords}

Luật sư Đinh Văn Quế

Cũng không chỉ có các tờ báo “ngoại đạo” mà ngay cả các tờ báo của cơ quan tiến hành tố tụng như: Báo Công an nhân dân TP.HCM; báo Pháp luật TP.HCM, Báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp; Báo Công lý của TAND Tối cao; Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an và nhiều tờ báo khác đều đăng bài với nội dung: Việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn, theo điều 214, Bộ luật hình sự là không có căn cứ.

Vụ án đã được Liên đoàn luật sư Việt Nam kiến nghị với Đoàn giám sát oan sai của Quốc hội và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đều lên tiếng, đặc biệt có nhiều chuyên gia pháp luật, trong đó có những chuyên gia đầu ngành về luật hình sự cũng đã phân tích và cho rằng hành vi của ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết không cấu thành tội phạm theo điều 214, Bộ luật hình sự.

Sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khẩn trương thu thập tài liệu và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.

{keywords}

Sau 9 tháng tạm giam, ông Vũ Văn Đảo được tại ngoại và đang bắt tay vào khôi phục lại xưởng đóng tàu thuyền của Công ty Việt Séc

Khi kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng: Đây là vụ án hình sự: Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn quy định tại điều 214, Bộ luật hình sự với lý do:“Mặc dù chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) nhưng Vũ Văn Đảo vẫn tiến hành sản xuất”.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án lại thể hiện, việc sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC, Công ty Việt Séc đã báo cáo với Bộ Khoa học và Công nghệ và được Bộ đồng ý.

Tại văn bản số 3697/BKHCN-ĐTG ngày 12/12/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác nhận: “Công nghệ sản xuất cano, tàu thuyền từ vật liệu PPC là công nghệ mới, lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam. Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010”.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã cấp giấy chứng nhận.

Tàu do Nhà máy sản xuất ra bằng vật liệu PPC đã tặng Cúp Vàng tại Hội chợ khoa học Công nghệ Quốc tế 2012 (Techmart 2012), ngày 23/9/2012.

Cơ quan điều tra còn cho rằng:“Vũ Văn Đảo sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ PPC, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất phương tiện giao thông nên Cục đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm cho tàu thuyền sản xuất bằng PPC”.

Những kết luận này trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, tàu sản xuất bặng vật liệu PPC đã được các cơ quan đăng kiểm Quốc tế CSlloyd cấp giấy chứng nhận đủ năng lực sản xuất.

Phòng Đăng kiểm Hải Quân là đơn vị có thẩm quyền về đăng kiểm các phương tiện cho lực lượng vũ trang cũng đã khảo sát đánh giá và đồng ý ký hợp đồng với công ty để đăng kiểm các phương tiện do công ty sản xuất cho lực lượng vũ trang.

Trên thực tế số tàu thuyền do công ty sản xuất ra đã được cơ quan đăng kiểm trong nước và quốc tế cấp chứng nhận đăng kiểm.

{keywords}

Tàu thuyền đóng bằng công nghệ mới PPC của Công ty Việt Séc được lực lượng vũ trang mua, sử dụng và đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ quá mới của ông Đảo lại khiến ông vướng vòng lao lý oan sai trong vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ năm 2013

Tại kỳ họp quốc hội vừa qua khi bị chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa với Quốc hội và ngay sau đó đã tổ chức cuộc họp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan hữu quan, trong đó có đại diện Công ty Việt Séc là đơn vị đã đóng chiếc ca nô bị tai nạn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm gây thiệt cho doanh nghiệp.

Vậy là những căn cứ mà Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đưa ra để kết luận ông Đảo và ông Quyết phạm tội theo Điều 214 đều đã bị bẻ gãy.

Khi hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM để truy tố, thì cơ quan này lại cho rằng: “Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đã có hành vi điều động 03 tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 và H-790 HQ khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy đăng kiểm, sử dụng sai mục đích, chở quá số người cho phép, hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép,.... không bảo đảm an toàn. Hành vi này của Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết không những đã xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường thủy mà còn gây thiệt hại cho tính mạng, tài sản của công dân, do đó cần phải xử lý nghiêm.”

Vậy là, từ hành vi sản xuất, Viện kiểm sát chuyển sang hành vi “điều động”. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án lại thể hiện ông Đảo và ông Quyết không phải là người điều động chiếc ca nô gây tai nạn, vì ca nô gây tai nạn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cho nên có “cho vàng” thì ông Đảo và ông Quyết cũng không dám điều động ca nô của lực lượng vũ trang.

Ngay cả khi chứng minh hai ông có hành vi điều động thì Điều 214 Bộ luật hình sự quy định rất chặt chẽ: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn…” mới là hành vi phạm tội.

Hồ sơ vụ án chưa có tài liệu hay một cơ quan nào xác định con tàu BP 12-04-02 bị tai nạn là không bảo đảm an toàn.

Đây chính là mấu chốt của vụ án mà chuyên gia đầu ngành về hình sự đã trả lời phỏng vấn trên ANTV và cũng là lý do mà TAND TP.HCM trả hồ sơ vụ án (lần 1) cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Khi nhận hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, VKS không tiến hành điều tra theo yêu cầu của tòa án mà lập tức hoàn hồ sơ lại cho tòa, với lập luận:“Ca nô gây tai nạn được Công ty Việt Séc đóng mới và bán cho Biên phòng Bà Rịa-Vũng khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm. Rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng” . Lại một lần nữa VKS đánh đồng khái niệm “chưa được đăng kiểm” với “không bảo đảm an toàn” là một.

Đây lại chính là lý do mà TAND TP.HCM trả hồ sơ (lần 2) yêu cầu VKS cho biết vận dụng quy phạm pháp luật nào để kết luận “khi chưa được Cục đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm, rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng như công văn của quý Viện nêu”.

Dư luận tưởng rằng chỉ sau vài tháng, vụ án sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đúng với lòng mong đợi của nhân dân. Nhưng khi đã xử lý theo quy định của pháp luật thì có một nguyên tắc là phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chứ không thể xử lý theo cảm tính của một số người lúc đầu đã “ngộ nhận” rằng, chết đến 9 mạng người thì có gì phải băn khoăn?!

Đến hôm nay vụ án đã kéo dài hơn 2 năm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP.HCM vẫn không kết thúc được.

TAND TP.HCM đã phải sử dụng hết quyền trả hồ sơ vụ án vì không thể đưa vụ án ra xét xử mà thiếu những chứng cứ quan trọng.

Việc TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKS (lần 2) không nằm ngoài dự đoán của dư luận.

Nhưng điều mà dư luận quan tâm bây giờ không phải tòa án sẽ xét xử như thế nào mà VKS Nhân dân TP.HCM sẽ làm gì để có thể đưa vụ án ra xét xử theo cáo trạng? Đúng là tiến thoái lương nan!

Sau khi ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết bị khởi tố bắt giam về tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn, thì các chuyên gia pháp luật, trong đó có những người là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hình sự đã phải lên tiếng là không ổn.

Vì nếu xử lý hình sự ông Đảo và Quyết về tội danh như cơ quan điều tra kết luận và VKS truy tố thì không đúng, bởi lẽ, một trong những dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội phạm này là “phương tiện bị tai nạn phải là phương tiện không bảo đảm an toàn” chứ không phải chỉ vi phạm quy định về giao thông đường thủy một cách chung chung như lúc đầu các cơ quan tiến hành tố tụng xác định.

Với những yêu cầu mà TAND TP.HCM đưa ra trong hai lần trả hồ sơ vụ án cho VKS có lẽ cơ quan này không thể đáp ứng và cũng không bao giờ đáp ứng được!

Vậy, VKS phải làm gì với quyết định trả hồ sơ của tòa án, chẳng lẽ lại hoàn hồ sơ vụ án cùng với công văn có nội dung “vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố” !?

Làm việc gì cũng có đúng có sai. Cũng vì có sai nên Quốc hội mới ban hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước để sửa sai cho các cơ quan Nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng.

Dư luận không bắt lỗi nặng về hành vi làm sai, mà việc sửa sai như thế nào để lần sau không mắc phải mới là vấn đề quan trọng.

Đối với vụ việc này, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM nên đình chỉ vụ án và tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho ông Đảo và ông Quyết theo quy định của pháp luật sẽ lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân cả nước nói chung, và nhân dân TP.HCM nói riêng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo Nguyên Chánh toà Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế/VOV