Ảnh minh họa

Hôm 20/8/2019, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews đồng tổ chức tọa đàm “Quản lý chính sách Fintech” tại Hà Nội. Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT khẳng định tại tọa đàm: Thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ Fintech có liên quan chặt chẽ đối với việc định danh xác thực điện tử mà Bộ TT&TT đang xây dựng. Trong giao dịch điện tử, việc chúng ta cần làm đầu tiên có vai trò quan trọng nhất đó chính là định danh xác thực.

Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT

Còn theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT, việc ứng dụng dịch vụ định danh và xác thực nhiều nhất có lẽ là ngành ngân hàng (ngân hàng trực tuyến). Tuy nhiên, mô hình định danh và xác thực hiện tại mà các ngân hàng đang áp dụng là định danh và xác thực nội bộ, tức là từng công ty hay từng ngân hàng phải tự quản lý, tự định danh khách hàng và việc tự triển khai hệ thống này chi phí rất cao. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thông tin riêng: nếu để tự các bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng hoặc trung gian thanh toán định danh, việc quản lý khách hàng không thực sự minh bạch.

Trong khi đó, theo xu thế phát triển và một số nước phát triển đã có mô hình các công ty cung cấp thông tin định danh và xác thực điện tử độc lập. Các ngân hàng hay trung gian thanh toán sẽ định danh và xác thực khách hàng thông qua các công ty cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử này. Điều đó giúp phân biệt giữa việc sử dụng và ghi nhận thông tin khách hàng, giảm rủi ro việc bị lộ thông tin các giao dịch và thông tin khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ.

Ông Hoàn dẫn ví dụ: Cách đây một tháng, nhân viên IT của Công ty cổ phần thương mại điện tử Bảo Kim có sửa thông tin khách hàng rồi chuyển vào tài khoản của mình. Đó là vì định danh được quản lý tại bên cung cấp dịch vụ. Nếu định danh là nhiệm vụ của bên thứ ba, các thông tin ấy nhân viên IT không được và không thể sửa và giao dịch không được ghi nhận, không bị lộ quyền riêng tư.

Ông Hoàn cho biết Chính phủ đang giao cho Bộ TT&TT xây dựng nghị định liên quan đến định danh và xác thực. Nhưng khác với các nước đi trước trong quá trình triển khai khi họ đã có cơ sở dữ liệu (CSDL) định danh gốc, còn ở Việt Nam các cơ sở dữ liệu định danh gốc như CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về căn cước công dân, hộ tịch của Việt Nam đều đang trong quá trình xây dựng và chưa hoàn thiện. Bộ TT&TT được giao chủ trì xây dựng Nghị định, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đang trong quá trình soạn thảo, trong đó có tham vấn các bên trong việc quy định các nhà cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, các quy trình xác minh về định danh như thông qua các giấy tờ đã được pháp lý hóa như chứng minh thư, căn cước công dân (giống như quy trình xác minh đăng ký tài khoản ngân hàng bây giờ.)

Định danh được các nhà cung cấp dịch vụ định danh cung cấp có giá trị pháp lý để sử dụng các giao dịch khác trên mạng. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ trao đổi với bên ngân hàng về quy trình xác thực khách hàng điện tử (e-KYC) để sau này, khi Nghị định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực, khi các công ty cung cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử hoạt động và các công ty này đã thực hiện quy trình xác minh thông tin định danh, bên ngân hàng chỉ cần sử dụng dịch vụ, không phải làm lại quy trình xác minh khách hàng nữa. Điều đó vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp bên cung cấp dịch vụ tập trung hơn vào nghiệp vụ của mình mà không phải quản lý khách hàng nữa. Theo báo cáo của các hãng trên thế giới, quy trình này tốn kém mà không sinh lời nhiều.

Nghị định sẽ quy định vai trò và trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, trách nhiệm các bên sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử như thế nào và quy trình đăng ký lần đầu của người dân… Giống như quy trình ngân hàng, khi thực hiện các giao dịch có rủi ro cao thì việc đăng ký định danh ít nhất phải gặp mặt lần đầu, sau đó không cần nữa. Nếu đã gặp nhà cung cấp dịch vụ định danh rồi, người dân không cần đến gặp ngân hàng nữa.