- “Trong trường hợp, công ty cây xanh không thực hiện đúng các quy định về việc kiểm tra, rà soát và ngăn ngừa cây đổ trong bão, dẫn đến việc cây đổ gây thiệt hại thì không thể coi là trường hợp bất khả kháng, công ty cây xanh đã có lỗi và phải bồi thường thiệt hại”- luật sư Bách cho hay.


Liên quan đến vụ việc cây xà cừ cổ thụ ở số 97 phố Lò Đúc, Hà Nội bị mưa bão quật ngã và đè lên chiếc taxi 4 chỗ của hãng Mai Linh khiến tài xế Phạm Tuấn Anh tử vong ngay trong xe, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội để xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan.

Cây xanh đổ đè phải chiếc xe taxi khiến tài xế thiệt mạng trong ngày mưa giông 17/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hải)

Theo luật sư Bách, Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Quy định này cũng nêu rõ, công ty cây xanh được giao trách nhiệm quản lý cây bị đổ phải bồi thường thiêt hại, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người lái xe taxi, hoặc do sự kiện bất khả kháng. Do đó, để xác định trách nhiệm trong vụ việc này, cần xác định các vấn đề như sau:

Thứ nhất: Người lái xe taxi có hoàn toàn có lỗi trong việc xảy ra thiệt hại hay không? Vào thời điểm đó, tuyến đường đó có bị cấm không? Người lái xe taxi có bỏ qua các cảnh báo nguy hiểm, để xảy ra thiệt hai hay không?

Thứ hai: Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005: “ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tuy nhiên, khái niệm này là khá chung chung, chưa có giải thích cụ thể, rõ ràng.

Thông thường thì các sự kiện thiên tai (bão, mưa lũ, động đất..) sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng, khi nó là không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Cơn bão số 05 là sự kiện thiên tai khách quan nhưng đã được dự báo từ trước, các cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo các cơ quan và đơn vị có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng tránh và hạn chế các thiệt hại do bão gây ra.

Do đó, cần xác định khi có tin bão về, công ty cây xanh có kiểm tra, rà soát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cây đổ theo đúng quy định hay chưa? Cây bị đổ có dấu hiệu bị đổ gẫy có thể nhận biết được hay không?

Trong trường hợp, công ty cây xanh không thực hiện đúng các quy định về việc kiểm tra, rà soát và ngăn ngừa cây đổ trong bão, dẫn đến việc cây đổ gây thiệt hại thì không thể coi là trường hợp bất khả kháng, công ty cây xanh đã có lỗi và phải bồi thường thiệt hại.

Nguyên nhân ai cũng có thể nói được là do mưa bão cây bật gốc đổ, nhưng có 1 thực trạng khi cây bật gốc mọi người đều trông thấy rất nhiều đường ống thi công, một số công trình ngầm khác được chôn lấp ngay sát gốc cây, xuyên qua bộ rễ cây. Ðây là "sản phẩm" của các đơn vị thi công các công trình ngầm, hoặc cải tạo hè đường.

Việc cây xanh bị đổ khi Hà Nội có mưa bão là do rất nhiều nguyên nhân, trong đó việc thường xuyên đào bới đường phố để xây dựng các công trình ngầm, làm vỉa hè… đã cắt bỏ nhiều rễ ngang khiến bộ rễ của cây không còn cân đối với độ lớn của thân và tán, nhất là ở các khu vực đất yếu, trũng hoặc gần bờ ao, hồ.

Vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, việc cây xanh bị ngã đổ mỗi khi Hà Nội có mưa bão vẫn xảy ra khá thường xuyên.

Điều đó chứng tỏ các cơ quan chức năng vẫn chưa có được những giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết vấn đề này”- luật sư Bách cho hay.

“Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần có một chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới cây xanh bài bản hơn, phù hợp hơn với cơ sở hạ tầng đô thị hiện nay. Việc xây dựng, cải tạo vỉa hè và các công trình ngầm cần tính đến việc bảo đảm an toàn cho hệ thống cây xanh.

Ngoài ra, để bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh một cách bền vững, cần xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và có những chế tài nghiêm khắc, bảo vệ có hiệu quả mạng lưới cây xanh của thành phố” - luật sư Bách đề xuất.

Anh Tuấn