- Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn là bài học rất đau xót, nhưng từ đó cho thấy, mỗi du khách cũng phải là người du lịch thông thái, đại diện Tổng cục Du lịch nói.
Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng
Vụ chìm tàu ở sông Hàn (Đà Nẵng) khiến 3 người chết và hàng chục trẻ em phải cấp cứu là bài học đau xót về "an toàn khi đi du lịch", đặc biệt là du lịch sông nước, du lịch biển hay leo núi. Làm thế nào để có một mùa du lịch thực sự an toàn?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet trao đổi với ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông đánh giá thế nào về mức độ an toàn khi đi du lịch ở Việt Nam khi rất nhiều vụ tai nạn du lịch đã xảy ra gần đây, đặc biệt trong mùa du lịch cao điểm này?
Ông Nguyễn Quý Phương: Tôi nghĩ rằng, về các con số mức độ an toàn khi đi du lịch ở đây là thể hiện ở các con số của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia. Chúng ta đều thấy thực tế, khách du lịch thực tế khi tham gia hoạt động du lịch đều tham gia giao thông như đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường sắt. Muốn đến điểm đến du lịch thì đều phải tham gia hoạt động giao thông.
Hiện nay, có nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như leo núi, vượt thác, ngay cả du lịch đi biển đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng của khách tham gia du lịch.
Thời gian qua, có một số vụ như cháy tàu, đắm tàu xảy ra với khách du lịch. Một trong những trọng điểm du lịch về tàu thuyền của cả nước, có thể nói là các tàu thuyền được quản lý khá tốt, có chất lượng cao như Hạ Long thì tôi biết, bản thân UBND tỉnh Quảng Ninh, ngành du lịch và đặc biệt là ngành giao thông đều có triển khai kiểm tra, rà soát tàu thuyền trên vịnh, nhưng đáng tiếc, hàng năm vẫn còn có những vụ việc đe doạ an ninh, an toàn, tính mạng của khách du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch |
Hay như gần đây nhất là vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn. Đây là một bài học rất đau xót cho cả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đảm bảo an toàn đường thuỷ, từ cảng vụ cho đến việc quản lý các tàu khách tham quan trên sông Hàn. Đây là một bài học cho Đà Nẵng cũng như cho cả nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông suy nghĩ ra sao về hình ảnh du khách đi sông nước không mặc áo phao, một trong những nguyên nhân khiến các nạn nhân vụ chìm tàu sông Hàn bị thiệt mạng? Ở các tour du lịch do công ty du lịch tổ chức thì trách nhiệm của các công ty đối với tính mạng của khách ra sao?
Ông Nguyễn Quý Phương: Quy định về mặc áo phao, hay các quy định về đảm bảo an toàn là khá đầy đủ. Nhưng có thể nói thẳng ở đây, khâu thực thi thì có vấn đề. Rõ ràng, chúng ta thấy, bản thân người Việt chúng ta chưa chú trọng an ninh, an toàn cho chính bản thân. Bản thân du khách cũng rất chủ quan trong việc này. Có thể nói, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng vậy.
Thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiên quyết yêu cầu các chủ phương tiện, các đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ phải đảm bảo đúng quy định về an ninh, an toàn.
Ví dụ như ở Hạ Long chẳng hạn đảm bảo việc khi xuất bến, các cảng vụ phải lên tàu kiểm đếm khách, kiểm tra phương tiện để đảm bảo an toàn trước khi xuất bến.
Đây là những quy định rất đầy đủ của ngành giao thông vận tải. Nhưng vấn đề ở đây, khi xảy ra những vụ việc như thế, lại là một bài học.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, cá nhân ông cảm thấy thực sự các công ty du lịch đã làm hết trách nhiệm của mình với du khách hay chưa?
Ông Nguyễn Quý Phương: Đối với các chương trình du lịch trọn gói mà các công ty lữ hành đang triển khai, chúng tôi có những văn bản chỉ đạo. Tất nhiên, luật pháp quy định là vậy nhưng thường xuyên nhắc nhở các địa phương, các doanh nghiệp là phải triển khai.
Ví dụ, chúng tôi triển khai chiến dịch "Văn minh du lịch" cùng với Hội Du lịch Việt Nam, ngoài nhắc nhở về an toàn an ninh chuyến đi, còn phải nhắc nhở hành xử của khách du lịch, làm sao để khi đến điểm đến là tỏ ra một khách du lịch văn minh, kể cả điểm đến trong nước, quốc tế.
Ngoài kỹ năng tổ chức chương trình du lịch, các hướng dẫn viên phải triển khai thì trách nhiệm của cơ quan là phải thường xuyên nhắc nhở, Tổng cục Du lịch cũng thường xuyên nhắc nhở.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhìn lại những tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra, ông đánh giá thế nào về ý thức, kỹ năng cơ bản tồn tại của người đi du lịch ở Việt Nam và ông có khuyến nghị như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Quý Phương: Tôi nghĩ rằng, bản thân người Việt Nam mình có lẽ hơi ẩu. Có lẽ rằng, nhiều người cũng chưa coi trọng việc an toàn cho bản thân, trong đời sống hàng ngày chứ chưa nói đến du lịch.
Nạn nhân vụ chìm tàu ở vịnh Hạ Long năm 2011 |
Sau những vụ tai nạn sông nước, nhiều người hay bàn tới vấn đề kỹ năng sống. Thực ra, vấn đề này phải được đào tạo ngay từ ở nhà trường.
Một ví dụ điển hình như ở vụ sông Hàn, mặc dù đáng tiếc nhưng may mắn, một em bé nhờ 4 ngày được mẹ dạy tập thở, nín thở thì đã có thể vượt qua, sống sót trong vụ chìm tàu sông Hàn. Vấn đề ở đây không phải là biết bơi mà là kỹ năng xử lý tình huống như thế nào?
Với điều kiện hiện nay, việc tự tổ chức đi du lịch rất thuận lợi. Ví dụ ở vụ tàu tham quan sông Hàn chẳng hạn, không phải là một tour trọn gói, không có hướng dẫn viên, khách tự mua vé, tham gia chương trình. Hay như đi du lịch phượt, hiện nay, hầu hết các là các bạn trẻ tự tổ chức.
Với tất cả các chương trình tự tổ chức như vậy, thì bạn phải là một người du lịch thông thái, tự tìm hiểu đầy đủ thông tin, điểm đến và tự tổ chức phương tiện an toàn cho mình.
VietNamNet
Tin liên quan