Thông tin về việc 2 thanh niên 9X tới đây sẽ bị đưa ra xét xử về tội “cướp giật tài sản” vì trong lúc đói đã có hành vi cướp 1 ổ bánh mì, 2 bọc chuối sấy, 1 bịch đậu phộng rang, 3 bịch me trộn (tổng trị giá 45.000 đồng) gây xôn xao dư luận.

Nhiều ý kiến thể hiện sự đồng cảm với 2 bị can trong vụ án. Họ cho rằng việc các cơ quan tố tụng áp dụng các quy định pháp luật để truy tố, xét xử 2 bị cáo là quá nghiêm khắc và cứng nhắc.Dưới góc độ pháp lý, vụ án được nhìn nhận ra sao?

Trốn nã, cướp bánh mì...

Theo cáo trạng, ngày 30/7/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1998, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị Công an huyện Củ Chi khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Trong thời gian tại ngoại, Tuấn trốn khỏi địa phương. Ngày 24/8/2015, Công an huyện Củ Chi ra Quyết định truy nã đối với Tuấn về tội “trộm cắp tài sản”.

{keywords}

2 thanh niên bị truy tố về hành vi cướp giật bánh mì: Nguyễn Hoàng Tuấn (trái) và Ôn Thành Tân (phải)

Đang bị truy nã nhưng khoảng 22h ngày 17/10/2015, Tuấn gặp Ôn Thành Tân (SN 1998, ngụ quận 9, TP.HCM) ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM. Sau đó, cả hai chơi game thâu đêm đến khoảng 10h sáng hôm sau mới dừng lại, rủ nhau đi uống nước mía.

Uống nước xong, Tân lấy xe máy chở Tuấn đến một quán ăn tại quận Thủ Đức để xin việc làm. Trên đường đi, do đói bụng nhưng không có tiền nên Tân bàn với Tuấn vào tiệm tạp hóa hỏi mua bánh mì. Theo sự phân công, Tân sẽ lái xe để Tuấn ngồi sau hỏi mua bánh, lợi dụng sơ hở Tuấn sẽ giật bánh và Tân rồ ga bỏ chạy.

Theo kế hoạch, khi đến trước tiệm tạp hóa của chị L.T.Y. tại đường Tô Vĩnh Diện (khu phố 5, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức), Tuấn ngồi trên xe nói với chị Y. bán cho mình 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối, 3 bịch me trộn đường. Đúng theo kịch bản, khi chị Y. cầm bịch nylon đựng những món ăn trên ra định đưa thì Tuấn giật lấy, Tân tăng ga bỏ chạy.

Thấy vậy, chị Y. tri hô “cướp” thì có 2 người dân đến hỗ trợ, bắt giữ được Tân và Tuấn, giao cho công an phường xử lý. Theo kết quả định giá, tổng trị giá số thức ăn bị cướp trong vụ án trên là 45.000 đồng.

Với hành vi trên, 2 bị can đã bị truy tố về tội “cướp giật tài sản” theo Điểm d Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm”, có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.

Đói đi cướp, xã hội sẽ ra sao?

Xung quanh vụ án dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi: việc truy tố có phải quá nghiêm khắc, là sự áp dụng pháp luật cứng nhắc? Việc 2 bị can vì quá đói nên cướp thức ăn mà đối diện mức án cao nhất đến 10 năm tù được nhìn nhận như thế nào?

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, luật sư Trần Ngọc Quý – Đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ: “Trước hết, về mặt pháp lý, tôi cho rằng việc các cơ quan tố tụng truy tố các bị can là hoàn toàn có căn cứ theo quy định pháp luật.

Bởi lẽ, tội cướp giật tài sản là tội phạm cấu thành về mặt hình thức. Trong trường hợp này, tội phạm đã hoàn thành, việc tài sản bị cướp có giá trị bao nhiêu chỉ là tình tiết để định khung hình phạt. Có vụ án, bị cáo cướp một cái túi xách cũ bên trong chỉ có 14.000 đồng nhưng vẫn bị đưa ra xét xử ”.

Luật sư Quý phân tích, trước khi khi thực hiện hành vi cướp giật 2 bị can đã có sự bàn bạc, phân công từ trước, đã sử dụng xe gắn máy khi cướp giật rồi tăng ga bỏ chạy là sử dụng thủ đoạn nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn. Điều này đã được pháp luật quy định rất rõ tại Điểm d Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm”.

Ngoài ra, bị can Tuấn trong vụ án đang trốn lệnh truy nã của cơ quan công an. Mặc dù Tuấn mới bị truy nã chứ chưa bị đưa ra xét xử, chưa bị kết tội về tội trộm cắp, chưa bị coi là có tiền án nhưng đây cũng là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật, là điểm bất lợi cho bị cáo. Do vậy, việc công an quận Thủ Đức khởi tố, VKSND quận Thủ Đức truy tố Tuấn và Tân là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Ở góc độ xã hội, trong bối cảnh hiện nay khi nạn cướp giật đang làm xấu hình ảnh thành phố, vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là nạn cướp giật đặc biệt được quan tâm.

Chúng ta cần có cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, tránh tình trạng vì cảm xúc chủ quan mà tạo ra áp lực dư luận. Không thể bao biện vì đói mà có thể đi cướp. Nếu ai đói cũng đi cướp đồ ăn thì xã hội sẽ ra sao?

Tuy nhiên, luật sư Trần Ngọc Quý cũng cho rằng một bản án ngoài việc đảm bảo tính trừng phạt, tính răn đe giáo dục bị cáo còn cần có tính nhân đạo, hợp với lòng người. Trong vụ án này, khi xét xử, tòa có thể xem xét, vận dụng các tình tiết như hậu quả vụ án chưa xảy ra, giá trị tài sản chiếm đoạt không lớn, nguyên nhân và động cơ phạm tội là do các bị cáo đói quá, hoàn cảnh gia đình của bị cáo...để xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trong trường hợp các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tòa có thể áp dụng một mức hình phạt thấp hơn mức hình phạt thấp nhất ở khung hình phạt mà cáo trạng truy tố (ở đây là khoản 1 điều 136 BLHS với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù).

Khi hình phạt thấp hơn hoặc bằng 3 năm tù thì HĐXX có thể xem xét, cho bị cáo được hưởng án treo nếu đủ điều kiện theo quy định.

M.Phượng