Có ý kiến cho rằng, tội ác của Lê Văn Luyện đã “đánh thức” cái ác của một bộ phận không nhỏ những người đang theo dõi vụ án chấn động dư luận này.

TIN BÀI KHÁC


Luyện phải chết?

Những ngày qua, trong cộng đồng mạng, câu chuyện về sát thủ tuổi teen Lê Văn Luyện đã trở thành đề tài nóng nhất trên các diễn đàn, mạng xã hội, trang cá nhân... Hầu hết, cộng đồng mạng đều cho rằng, “mạng phải đổi bằng mạng”, hung thủ Lê Văn Luyện phải chết bằng mọi giá.

Trên mạng xã hội Facebook, liên tục xuất hiện các hội như: "Hội những người muốn giết Lê Văn Luyện", “Hội những người phát cuồng vì anh Lê Văn Luyện”, "Phải tử hình Lê Văn Luyện", "một triệu chữ ký đề nghị tử hình Lê Văn Luyện"…đã được lập và thu hút hàng nghìn thành viên chỉ trong ít ngày.

Chỉ riêng trang” Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện” thành lập chưa được bao lâu nhưng đã có hơn 3.300 lượt người tham gia. Không ngớt những lời chỉ trích, lên án, căm phẫn đã dành cho hung thủ của vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang.

Giọt nước mắt muộn màng của hung thủ Lê Văn Luyện (Nguồn: Dân Việt)

Có thể nói, trước khi ra vành móng ngựa, Lê Văn Luyện đã bị dư luận khai án tử hình.

Đặc biệt, khi có thông tin cho biết đối tượng Lê Văn Luyện sinh vào ngày 18/10/1993, tính đến khi thực hiện hành vi phạm tội (ngày 24/8/2011) thì Luyện chưa đủ 18 tuổi và hung thủ có khả năng “thoát án tử” đã dấy lên một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng và thất vọng vì cho rằng mức án này là không thỏa đáng với hành động tội ác của Luyện.

Bạn đọc có tên là Đỗ Quang Thanh chia sẻ trên một tờ báo mạng: “Tội ác tày đình, trời không dung đất không tha, vậy mà chỉ bị 18 năm tù thôi sao?”. Đặc biệt, các thành viên còn đua nhau “sáng tạo” ra những hình phạt rùng rợn để hung thủ phải “chết trong đau đớn tột cùng”. Một cư dân mạng còn “hiến kế” rằng Luyện xứng đáng phải chịu hình phạt… dựa cột cho người dân ném đá đến chết. Một số thành viên khác lại cho rằng, nên áp dụng những hình thức xử tử như thời trung cổ đối với Luyện để răn đe mầm mống cái ác trong xã hội.

Thành viên TranHieu, mạng xã hội Facebook cũng bày tỏ: “18 năm tù cũng được, với điều kiện không ân xá trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngoài ra, trong phòng giam của tên sát thủ phải treo ảnh chân dung của các nạn nhân để hắn không bao giờ nguôi sự dày vò vì những tội ác mình gây ra…”.

Trên báo Giáo dục Việt Nam, một bạn đọc tên là Lê Văn Nhung cũng căm phẫn: “Hãy xử kẻ thú tính này một bản án sao cho hợp với lẽ đời và không bao giờ cho nó một đặc ân nào hết, phải cách ly nó hoàn toàn với xã hội. Nếu nó chết trong tù mộ bia của nó cũng để bia sao cho mọi người biết đấy là con thú đội lốt người; đến ngày mãn hạn tù rồi mới cho thay”. Trên báo Người lao động: nickname Satthu cũng bức xúc: “Tên này có tử hình 1000 lần cũng không thể nào đền hết tội”

Thậm chí, khi có ý kiến cho rằng dư luận đã quá tàn nhẫn khi “đánh” vào người đến bước đường cùng như Luyện thì bạn đọc có nickname Sa phản bác trên diễn đàn của báo Người Lao động: “Nói thật, nhiều người cứ bảo phải đúng luật này nọ. Thử coi người nhà họ mà là nạn nhân thì lúc đó xem có hét toáng lên đòi tử hình tên Luyện này không”...

Những dòng comment này của một bộ phận cộng đồng mạng đã khiến nhiều người đọc không khỏi cảm thấy “lạnh” người. Không chỉ Lê Văn Luyện chịu án tử của dư luận, những người thân của hung thủ này cũng bị dư luận “ném đá”. Trong mắt họ, sát thủ Lê Văn Luyện đã bị tước đi quyền được chết như một con người. Họ cho rằng, vì những tội ác của mình sát thủ Lê Văn Luyện phải chết từ từ để cảm nhận cái đau đớn tột cùng thì tội ác của hắn mới bị xóa bỏ! Để cho nó thấm và cho bố mẹ nó cũng có cảm giác đau đớn như những gì mà người nhà các nạn nhân của nó đang phải gánh chịu”.

"Hãy nhìn nhận Lê Văn Luyện như một con người"

Sôi sục những “bản án tử” dư luận dành cho Lê Văn Luyện (Ảnh chụp từ facebook)

Bên cạnh những sự cảm thông, chia sẻ mất mát, đau đớn với gia đình nạn nhân vụ thảm sát tiệm vàng, nhiều bạn đọc cũng lên tiếng: Hãy nhìn nhận Lê Văn Luyện như một con người. Độc giả có nickname Muahoacai bị những người khác “ném đá” ngay sau khi đăng tải ý kiến cá nhân: “Tội ác của Luyện khó thể dung tha nhưng hãy để pháp luật xét xử Luyện. Truyền thống của người Việt rất bao dung “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Cứ phải tử hình Luyện thì đám đông mới thỏa mãn?”.
Một bạn đọc khác ở địa chỉ BinhMinh…@yahoo.com cũng đồng tình: “Tìm mọi cách để buộc Luyện phải chết, nôn nóng đòi phán xử Luyện chỉ là tâm lý a dua, tát nước theo mưa. Tại sao cứ phải bốc đồng, manh động đòi xét xử Luyện trong khi chưa kết thúc điều tra vụ án?”. Nhiều độc giả cũng cho rằng, qua vụ án Lê Văn Luyện các bậc phụ huynh hãy nhìn lại cách giáo dục con cái để tránh những bi kịch tái diễn thay vì tìm mọi cách để buộc hung thủ phải chết, để thỏa mãn tâm lý đám đông.

Bạn đọc Hoangmang cũng chia sẻ: “Nghĩ ra các cách thức để xử tử Luyện một cách ghê rợn thì cũng chẳng khác gì tội ác của hung thủ này. Những nạn nhân bị hại dù sao cũng đã an nghỉ rồi nhưng cứ bắt người thân, họ hàng của Luyện, những người đang sống, cũng phải chết thì nỗi đau mới được giảm đi?”.

Ý kiến của thành viên dinhquanghuy khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm: “Tội ác lớn nhất của Luyện đến lúc này thực ra không phải là giết ba người và phá hoại hai gia đình mà chính là khiến cả triệu người trở nên độc ác. Mong muốn và đòi hỏi băm vằm, đâm chém, giết chết một sinh vật về mặt sinh lý là con người ngay cả khi luật pháp không cho phép dù với bất kỳ lý do gì cũng là đã để phần ‘con’ lấn át phần người”, báo Đất Việt dẫn lời.

Vụ án giết người, cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang đang dần khép lại, mức hình phạt mà tòa sẽ tuyên đối với Luyện có thể sẽ không thỏa mãn người này người kia. Nhưng mức án đấy sẽ thỏa mãn một yêu cầu đó là hiệu lực của pháp luật hình sự dù kẻ phạm tội là bất cứ ai.

Lê Châu (Tổng hợp)