Khai giảng 1 tháng mới có giấy chứng nhận đào tạo
Sau loạt bài "đỉa 2 vòi" hút số tiền lớn khi doanh nghiệp thực hiện nghị quyết 133 của HĐND tỉnh Sơn La về việc đào tạo và sử dụng lao động ở huyện Quỳnh Nhai đăng trên VietNamNet, mới đây, UBND huyện Quỳnh Nhai có văn bản trả lời các vấn đề liên quan.
Theo văn bản 1297 của UBND huyện, công ty CP Dệt may Sơn La tổ chức đào tạo khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, ngày 15/4/2017 công ty bắt đầu đào tạo nghề cho lao động, nhưng phải hơn 1 tháng sau, ngày 30/5, Sở LĐTB&XH mới cấp giấy chứng nhận đào tạo nghề với quy mô 800 lao động/năm.
Huyện bố trí trường học cho DN đào tạo nghề |
Trước câu hỏi về việc huyện chấp thuận cho công ty CP Dệt may Sơn La đưa lao động ra ngoài tỉnh làm việc dù trái với nghị quyết 133 của HĐND tỉnh, UBND huyện khẳng định đã "xin ý kiến của ban thường vụ huyện ủy, gặp gỡ nguyên lãnh đạo huyện".
Sau khi nhận được sự "đồng thuận cao", Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Hậu (nay đã chuyển công tác lên Sở KH&ĐT) đã dẫn lao động ra ngoài tỉnh để làm việc. Nguyên nhân của việc này là do công ty chưa thể lắp đặt kịp thời máy móc, dây chuyền sản xuất và mong muốn giải quyết việc làm cho người dân.
"Đồng chí Đặng Ngọc Hậu dẫn lao động xuống Thái Nguyên xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động", văn bản khẳng định.
Theo tài liệu VietNamNet có được, việc đưa lao động ra ngoài tỉnh làm việc đã được công ty Dệt may Sơn La chuẩn bị trước khi đào tạo xong khóa đầu tiên. Tháng 5/2017, giữa công ty Dệt may Sơn La (bên B) và công ty TNG Thái Nguyên (bên A) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và đào tạo lao động.
Hợp đồng này thể hiện rất rõ, bên B sẽ đào tạo nghề may cho các học viên và cử học viên đến địa điểm làm việc của bên A. Ngược lại, bên A sẽ tư vấn bên B xây dựng nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT công ty TNG xác nhận, đã lên khảo sát tại huyện Quỳnh Nhai và sau đó đã cử người của công ty trực tiếp lên đào tạo nghề cho công ty Dệt may Sơn La.
Qua đó có thể khẳng định, việc đưa lao động ra tỉnh ngoài làm việc, phía công ty Dệt may Sơn La đã chuẩn bị từ thời điểm đào tạo đến sau đào tạo bằng một bản hợp đồng được công ty ký kết trước đó.
Hoàn trả ngân sách gần 200 triệu đồng
Xuất phát từ việc đào tạo lao động nhưng không bố trí việc làm tại chỗ theo nghị quyết 133, công ty Dệt may Sơn La đã rút sai ngân sách của nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, sau khi quyết toán đợt 1, đã có 118 học viên ra công ty ngoài tỉnh làm việc, mặc dù vậy, Phòng LĐTB&XH huyện tiếp tục thẩm định kế hoạch đào tạo đợt 2 trình UBND huyện phê duyệt.
Theo UBND huyện, việc phê duyệt này căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của công ty là 800 lao động/năm. Dù không đủ năng lực để sử dụng lao động theo nghị quyết 133, nhưng công ty và huyện vẫn tiếp tục đào tạo với lý do "nhu cầu việc làm của lao động rất lớn".
Mỗi lao động ra ngoài tỉnh làm việc, công ty đào tạo nhận khoản tiền "sang tay" 500 nghìn đồng |
Mặc dù là đơn vị chấp thuận cho công ty Dệt may Sơn La đưa lao động ra tỉnh ngoài làm việc (tháng 7/2017), nhưng phải đợi đến tháng 10/2018, khi Thanh tra Sở LĐTB&XH vào cuộc kết luận các sai phạm, UBND huyện mới yêu cầu công ty hoàn trả ngân sách gần 200 triệu đồng.
Về số tiền 600 nghìn mà công ty Dệt may Sơn La tự ý thu của học viên, UBND huyện cho biết đã yêu cầu công ty hoàn trả.
"Huyện đã giao công an huyện kiểm tra, làm rõ. Công ty đã nộp cho công an huyện 80 triệu đồng, đã có 26 lao động nhận lại số tiền trên và phía công ty cam kết sẽ hoàn trả đầy đủ 100% cho người lao động trong thời gian tới", văn bản nêu.
UBND huyện đã kiểm điểm trách nhiệm với 2 tập thể gồm Phòng LĐTB&XH và Phòng Tài chính kế hoạch, 3 cá nhân thuộc cơ quan chuyên môn huyện gồm bà Vũ Thị Thu - Trưởng Phòng LĐTB&XH và 2 cán bộ thuộc phòng này.
Đoàn Bổng
'Người đứng đầu để tham nhũng phải từ chức đi chứ'
ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, người đứng đầu không quản lý được, để xảy ra tham nhũng thì phải phải từ chức đi chứ.